9 thg 3, 2020

Chùa Đèn Cầy ở Trảng Bom

Chùa Đèn Cầy là tên dân gian gọi ngôi Viên Giác Thiền tự, một ngôi chùa ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tên ngôi chùa có vẻ chưa quen thuộc lắm phải không? Và đọc địa chỉ, ta nghĩ đến một vùng quê xa xôi hẻo lánh, phải không?

Tất cả đều đúng. Ngôi chùa mới được lập nên cách đây chưa lâu, vào năm 1996, và được công nhận là cơ sở thừa tự còn trễ hơn nữa, năm 2008. Do vậy không thể được quen tên như những ngôi chùa đã khai sơn hàng trăm năm. Còn con đường đến chùa, đúng là vắng vẻ, qua những mảnh đất ruộng rẫy khô cằn.

Cổng chùa

Thế nhưng chùa Đèn Cầy lại rất nổi tiếng. Bạn cứ lên Google hay YouTube mà tìm, sẽ thấy rất nhiều thông tin về ngôi chùa này. Còn nếu bạn trực tiếp đến đây, chắc hẳn bạn sẽ thấy bất ngờ, vì giữa cảnh đồng không mông quạnh của vùng đất nông nghiệp Trảng Bom bỗng xuất hiện một ngôi chùa thật đồ sộ tọa lạc trên một diện tích rộng không tưởng: 6 ha.

Nguồn gốc ngôi Viên Giác Thiền tự


Chánh điện Viên Giác Thiền tự

Người khai sáng Viên Giác Thiền tự là đại đức Thích Giác Hiếu, vào năm 1996. Sau đây là tóm tắt giới thiệu của chính ông:

Sa môn Thích Giác Hiếu – người khai sáng Viên Giác Thiền Tự - vào chùa năm 9 tuổi, đến năm 19 tuổi xuất gia, năm 25 tuổi thọ giới tỳ kheo. Khởi tu từ Tổ đình Giác Nguyên (quận 4, TPHCM) nhưng sau đó thầy quyết định rời thành phố, nối bước Hòa thượng Bổn sư Thích Minh Nghĩa tu tập tại Tu viện Toàn Giác, gần thắng cảnh Giang Điền. Sau đó thầy khai khẩn đất đai gần Tu viện Toàn Giác để thành lập một thiền thất mang tên Viên Giác Thiền tự vào năm 1996. Lúc khởi đầu, đây là một thiền thất nhỏ trên mảnh đất 1,8 ha. Mãi 12 năm sau, Viên Giác Thiền tự mới được công nhận là cơ sở thờ tự Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 2010 mới quy hoạch tổng thể lại, đến nay khuôn viên của Thiền tự đã lên đến 6 ha.

Vì sao có tên gọi Chùa Đèn Cầy?

Từ khi thành lập đến nay, mỗi tháng cứ đến chiều 18 rạng sáng 19, nhất là các dịp lễ lớn như Phật đản, Vu lan, vía Quan Âm lại có lễ hoa đăng. Khi ấy chùa đốt trên 10.000 ngọn đèn cầy để cúng dường chư Phật, cầu cho hòa bình thế giới cũng như mượn ánh sáng của ngọn đèn đển xua tan phiền não trong lòng người. Từ đó người dân đặt thêm cho Viên Giác Thiền tự cái tên Chùa Đèn Cầy.

Lễ hoa đăng ở Chùa Đèn Cầy. Ảnh: Facebook Chùa Đèn Cầy

Các công trình kiến trúc và điêu khắc quy mô ở Viên Giác Thiền tự

Chùa chia thành hai khu vực: nội viện và ngoại viện. Khu nội viện, chiếm diện tích hơn 2 ha, bao gồm chánh điện và các khu tăng xá, thiền thất… Khu ngoại viện có diện tích hơn 3 ha, bao gồm các công trình lớn như Lâm viên Đại bi chú, trong đó thể hiện 84 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm trong cảnh giới Đại Bi Chú và giảng đường Thiện Tường có diện tích hơn 6.500 m2 với chiều dài 80 m và chiều ngang 80 m, chia làm 3 tầng. Tầng 1 được chia thành 12 gian (tượng trưng cho Thập Nhị Đại Nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát) trong đó được xây 48 thiền thất (tượng trưng cho 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà). Tầng 2 thông với tầng 3 được sử dụng làm giảng đường và là nơi tổ chức các khóa tu tập, hành trì của tăng ni, Phật tử. Chiều cao của công trình này là 37 m (biểu trưng cho 37 phẩm trợ đạo). (Thông tin này lấy từ website của Viên Giác Thiền tự).


Cảnh quan trong chùa Đèn Cầy

Đặc biệt, tại chùa Đèn Cầy có tượng Quan Âm "Tứ diện tứ phương" nặng gần 480 tấn, cao 19 m, được tạc từ đá hoa cương trắng nguyên khối, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là tôn tượng bằng đá hoa cương cao nhất Việt Nam.

Tượng Quan Âm "Tứ diện tứ phương". Ảnh: Facebook Chùa Đèn Cầy

Chùa Đèn Cầy, một điểm du lịch?

Không biết ngẫu nhiên hay cố tình mà chùa Đèn Cầy tọa lạc rất gần một điểm du lịch quen thuộc của Đồng Nai là Thác Giang Điền, chỉ cách khoảng 2,5 km. Cảnh quan trong chùa tạo nên nhiều điểm nhấn hấp dẫn khách tham quan. Vì vậy, kết hợp tour du lịch thác Giang Điền với chùa Đèn Cầy là hợp lý. Vị trí của cả hai nơi này cách Sài Gòn chỉ 50 km lại càng thích hợp cho chuyến du lịch trong ngày.

Lại cũng không biết ngẫu nhiên hay cố tình mà chùa Đèn Cầy lại nằm trong một khu quy hoạch là khu đô thị Suối Son. Hiện giờ khu đô thị này chỉ mới đầu tư hạ tầng, còn khá hoang sơ, nhưng ít lâu nữa chưa biết sẽ thế nào.

Dường như đã chuẩn bị sẵn để thích ứng với tương lai, trên website của Viên Giác Thiền tự ghi Nội quy tham quan giống như một điểm du lịch. Chùa cũng có Fanpage trên Facebook, có cả kênh YouTube, nói chung là... làm truyền thông khá tốt!

Nội quy tham quan, trích từ website của Viên GiácThiền tự

Tui tới viếng Viên Giác Thiền tự vào một buổi sáng ngày bình thường, do đó không có dịp chứng kiến lễ hoa đăng với hàng vạn ngọn đèn cầy nhưng vẫn khá choáng ngợp với quy mô quá lớn của ngôi chùa. Chỉ riêng việc chạy xe vòng vòng ngoài khuôn viên chùa để... tìm cổng vô cũng đã mất khá nhiều thời giờ rồi (chùa quá rộng nên có nhiều cổng, ngày thường chỉ có một cổng mở để vào chùa). Tui cũng chỉ có thời gian tham quan một phần nhỏ ngôi chùa thôi.



Cảnh quan trong chùa Đèn Cầy

Cảm nhận chung là ngôi chùa được đầu tư xây dựng với khá nhiều tâm huyết. Đường nét kiến trúc cổ kính, trang nghiêm giữa cảnh thiên nhiên thoáng đãng tạo nên cảm giác thanh tịnh, nhẹ nhàng.

Trong đầu tui có chút lăn tăn khi nghĩ đến một số ngôi chùa làm kinh doanh ở ngoài kia, nhưng mà tui tin và mong rằng ở đây không phải vậy. Nghĩ bậy tội chết!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét