3 thg 3, 2020

Khám phá hình tượng các loài hoa trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn

Các loài hoa là một phần không thể thiếu để tạo nên hương sắc mùa xuân. Cùng điểm qua các loài hoa xuất hiện trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - 9 chiếc đỉnh chạm khắc những hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự giàu đẹp của nước Việt.

Cao đỉnh là chiếc đỉnh đầu tiên trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Trên chiếc đỉnh này có hình tượng "Tử vi hoa", nghĩa là hoa tường vi. Đây là một loài hoa mọc thành chùm màu tím rất đẹp


Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong Cửu Đỉnh có hình tượng "Liên hoa", là hoa sen, loài hoa tượng trưng cho sự cao quý bất chấp nghịch cảnh, đồng thời cũng là một loài hoa của đạo Phật

Chương đỉnh, chiếc đỉnh thứ ba có hình tượng "Mạt lị", nghĩa là hoa nhài, loài hoa thơm màu trắng được trồng phổ biến trong các khu vườn của người Việt

Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư có hình tượng "Mai khôi hoa" là cây hoa hồng, loài cây cho hoa thơm và đẹp, được trồng phổ biển trong các khu vườn xưa.

Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ năm có hình tượng "Mai", nghĩa là cây hoa mai, loài cây nằm trong bộ Tứ quý Tùng, Cúc, Trúc, Mai theo quan niệm truyền thống của người Việt.

Trên nghị đỉnh còn có hình tượng một loài hoa khác là "Hải đường hoa" - hoa hải đường. Đây là loài hoa tượng trưng cho phú quý, thường được trưng trong nhà vào dịp Tết theo văn hóa truyền thống của người Việt.

Thuần đỉnh, chiếc đỉnh thứ sáu có hình tượng "Quỳ hoa" là cây hoa hướng dương, loài cây được trồng để lấy hoa làm cảnh và lấy hạt làm thực phẩm, dược liệu

Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh thứ bảy có hình tượng "Trân châu hoa" là hoa sói trắng, loài hoa nhỏ mọc thành chùm như chuỗi hạt trân châu, mùi thơm dịu, thường được dùng để ướp trà

Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ tám có hình tượng "Thuần hoa" là cây hoa dâm bụt, loài cây có hoa đỏ rất đẹp thường được trồng làm hàng rào ở nông thôn Việt xưa

Huyền đỉnh là chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Trên Huyền đỉnh có hình tượng "Ngũ diệp lan", nghĩa là cây hoa ngọc lan, một loài cây thường được trồng trong vườn lấy bóng mát, có hoa rất thơm

1 nhận xét:

  1. Tử Vi Hoa là hoa Tử Vi, không phải là Tường Vi, Tường Vi là một loài Hồng, Hồng Leo.
    Tên gọi khác bằng tiếng Việt của Hoa Tử Vi là Bá Tử Kinh, Bằng Lăng Sẻ (sẻ có nghĩa là nhỏ, Wikipedia tiếng Việt ghi sai là bằng lăng xẻ)

    Trả lờiXóa