2 thg 3, 2020

Gùi của người Gia Rai

Cũng như các dân tộc tại chỗ khác ở Tây Nguyên, chiếc gùi rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai. Với người Gia Rai, chiếc gùi được tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người đàn ông lớn tuổi trong làng. Ngày nay, người Gia Rai đan gùi vừa để góp phần gìn giữ nghề truyền thống, vừa để bán nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Hàng ngày, ngoài công việc giữ cháu, ông A Dót (62 tuổi) ở làng Điệp Lốc, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) tranh thủ những lúc nhàn rỗi để đan gùi. Đây là việc làm yêu thích của ông A Dót từ khi còn nhỏ. Khi A Dót biết đi rừng, ông đã được cha của mình - ông A Lết dẫn vào rừng tìm kiếm các vật liệu và truyền dạy cho ông cách đan gùi. Dần dần những đam mê với việc vót từng cọng nan và tỉ mẩn đan lát lên những chiếc gùi làm vật dụng trong gia đình thấm vào máu thịt A Dót lúc nào không biết. Ở tuổi ngoài 60, A Dót không thể nhớ hết có bao nhiêu chiếc gùi được bàn tay khéo léo của mình làm nên.

Đến nay, ông A Dót đan gùi được hơn 40 năm. Ông chỉ còn 1 chân phải (do tai nạn lao động hồi trẻ), việc đi lại khó khăn nên vật liệu để đan gùi đều do các con của ông đi rừng kiếm được.


Đến nay, ông A Dót đan gùi được hơn 40 năm. Ảnh: ĐT 


Khi tôi tìm hiểu về chiếc gùi trong đời sống của đồng bào Gia Rai, ông A Dót nhiệt tình kể: Trong gia đình của mỗi người Gia Rai đều có chiếc gùi để làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trở nên rất gần gũi. Gùi của người Gia Rai có nhiều loại: Reo (gùi lớn), Ro (gùi để củi, bắp, mì, để bầu chứa nước), Reo Bơ Nga (gùi nhỏ có hoa văn), Reo Bơ Lông (gùi nhỏ không có hoa văn).

Để làm nên một chiếc gùi, với người Gia Rai không chỉ tốn thời gian mà cần cả sự khéo léo, tỉ mẩn của những bàn tay tài hoa; bởi với người Gia Rai thì mỗi chiếc gùi làm ra không chỉ để sử dụng lâu bền mà cần phải đẹp đẽ. Trước đây, chàng trai nào khéo tay, giỏi giang thường lọt vào “mắt xanh” của các thiếu nữ Gia Rai trong làng và được chọn “bắt chồng” (người Gia Rai theo tục mẫu hệ và phụ nữ chọn người con trai mình yêu để cưới về làm chồng).

Gùi có 3 bộ phận chính: Pang (chân gùi), Rơi Zéng (thành gùi) và Grạ Reo (miệng gùi). Phần chân gùi cao hơn 1 ngón tay được làm từ thân cây chao, đây là loài cây dai và dẻo. Để làm được phần chân gùi, thân cây chao được chẻ mỏng, ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt lên rồi uốn thành hình vuông.

Gùi của người Gia Rai có hoa văn với 2 màu chủ đạo đỏ và đen. Ảnh: ĐT 

Thành gùi được đan bởi các thanh ngang và thanh dọc. Thanh ngang làm từ cây giang, thanh dọc làm từ cây lồ ô. Thành gùi có hoa văn đặc trưng của người Gia Rai với 2 màu đỏ và đen. Để có thanh ngang màu đỏ, người Gia Rai dùng hạt lấy từ hoa của cây sút chà lên, sau đó phơi nắng 1 buổi cho khô màu. Để có thanh ngang màu đen, người Gia Rai lấy cây giang hơ khói trên bếp lửa được đốt bằng củi cây chày.

Miệng gùi được làm từ phần vỏ của 2 cây lồ ô (kẹp thành gùi ở giữa). Miệng gùi hình tròn nên để uốn và tạo hình cho 2 cây lồ ô, người đan gùi phải rất tinh mắt và khéo tay.

Phần phụ của gùi là hai dây đeo được làm từ cây mây. Hai dây đeo được đan giống như tết tóc của phụ nữ nhưng phức tạp hơn. Do vậy, người đan gùi cần 1 ngày mới đan xong 2 dây đeo.

Gùi của người Gia Rai có 2 kích cỡ, lớn (đường kính 30cm, cao hơn 50cm) và nhỏ (đường kính 20cm, cao hơn 40cm).

Ông A Dót chia sẻ, việc đan gùi được thực hiện theo thứ tự: Đan phần đáy, phần trên đáy, phần thành không có hoa văn, phần có hoa văn, phần giữa hoa văn, phần đỡ miệng gùi, phần miệng gùi, làm chân gùi, đan 2 dây đeo, đan nối các bộ phận lại với nhau.

Công đoạn đầu tiên của đan gùi là đan phần đáy. Ảnh: ĐT 

Vì phần chân gùi hình vuông nhưng miệng gùi hình tròn, do vậy, trong quá trình đan từ đáy gùi lên, người đan gùi sẽ dùng chiếc vòng Ne Reo để hỗ trợ việc tạo hình cho chiếc gùi. Chiếc vòng này giúp cố định các thanh dọc. Khi đan gần đến miệng gùi, người đan gùi sẽ tháo chiếc vòng này ra.

Ông A Dót cho biết, đan gùi rất khó, cần nhiều công sức và thời gian nên hiện tại trong làng Điệp Lốc chỉ có ông, ông A Klyk và ông A Te làm việc này. Việc đan gùi không chỉ giúp các ông gìn giữ được nghề truyền thống do cha ông để lại, tạo ra những chiếc gùi để đi rẫy mỗi ngày mà còn giúp có thêm thu nhập cải thiện đời sống. “Trung bình 1 tháng tôi đan được 2 - 3 chiếc gùi. Mỗi chiếc tôi bán với giá 500.000 đồng”, ông A Dót nói.

Ở xã Ya Tăng, ngoài các ông A Dót, A Klyk, A Te ở làng Điệp Lốc còn có ông Puih Jới và ông A Nhang ở làng Trấp, họ là những người đang góp phần gìn giữ và phát triển việc đan gùi.

Vòng Ne Reo, chiếc vòng hỗ trợ người đan gùi cố định các thanh dọc. Ảnh: ĐT 

Ông Puih Jới (68 tuổi) được mọi người trong làng Trấp biết đến là người đan gùi lâu năm. Ngoài đan những chiếc gùi truyền thống, ông còn đan những chiếc gùi “cách tân”, đủ kích cỡ và màu sắc. Những chiếc gùi ông đan được rất nhiều người tìm mua để phục vụ việc sinh hoạt, lao động hàng ngày cũng như việc biểu diễn trong các lễ hội.

Ông Puih Jới cho hay, cha ông là người truyền nghề đan lát, trong đó có nghề đan gùi của người Gia Rai cho ông. Từ khi ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) qua làng Trấp lấy vợ và định cư, ông làm nghề đan gùi để kiếm sống, bên cạnh việc làm rẫy.

Ông chia sẻ, trước đây khi làng Trấp ở vị trí cũ (dưới lòng hồ thủy điện Ya Ly bây giờ), các loài cây dùng để đan gùi mọc xung quanh làng nên việc đan gùi có nhiều thuận lợi. Ngày nay, để tìm các cây như cây chao, cây giang, cây chày… phải đi vào tận rừng sâu, mất nhiều ngày mới tìm thấy.

Ông Puih Jới giới thiệu chiếc Ro - gùi người Gia Rai hay dùng để chứa củi. Ảnh: ĐT 

Trong đan gùi, đan thành gùi là một trong những công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Lúc đan, 2 ngón tay trỏ phải lật các thanh dọc đều và cẩn thận. Đối với đoạn thành gùi có hoa văn, các thanh ngang phải vừa xỏ vừa xoay (lật màu) và vừa kéo. Bên cạnh công đoạn này, việc đan gia cố các bộ phận của gùi với nhau cũng cần nhiều thời gian.

“Chính vì việc đan gùi cần tỉ mỉ nên những chiếc gùi nhỏ cần nhiều công sức để hoàn thành hơn so với những chiếc gùi lớn. Gùi nhỏ nhiều hoa văn bán với giá trên 1 triệu đồng/cái. Còn gùi lớn ít hoa văn tôi bán với giá từ 500.000 - 700.000 đồng/cái”, ông Puih Jới nói.

Ngày nay, ngoài những chiếc gùi được làm theo kiểu truyền thống, người Gia Rai còn sử dụng những chiếc gùi (Ro) được đan bằng những sợi thép, màu được tạo bởi sơn, có độ bền và sử dụng được lâu hơn. “Dù được chế tạo bằng vật liệu khác nhưng những chiếc gùi vẫn không mất đi hình dáng và hoa văn truyền thống của dân tộc Gia Rai”, ông Puih Jới chia sẻ.

Đức Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét