6 thg 3, 2020

Hấp dẫn, thơm ngon món mọc rêu đáy sông gói lá chuối ngày Tết

Từ nhiều đời nay, rêu đá ở dưới đáy các sông, suối trên thượng nguồn sông Lam được người dân miền núi xứ Nghệ xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết. 

Với người Thái, rêu có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau và cách chế biến khác nhau như canh rêu, rêu xào, rêu nướng. Nhưng mọc rêu là đặc sản thơm ngon của đồng bào vùng cao Nghệ An. Ảnh: Lữ Phú 

Theo chân chị Vi Thị Xoa, và nhiều chị em phụ nữ ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn ra sông Nậm Nơn, chúng tôi cùng được trải nghiệm một ngày mò rêu của người dân nơi đây. 

Để lấy được rêu sạch và ngon, người dân phải lội ra giữa dòng nước chảy xiết. Ảnh: Lữ Phú 

Các chị em bản Xiềng Tắm cho hay, muốn lấy được nhiều rêu non, ngon và ít cát sạn thì phải ra những vùng nước sâu, dòng chảy xiết. “Chỉ có ở đó rêu mới sạch và ngon” - chị Xoa cười chia sẻ. Nói rồi chị đầm mình giữa dòng nước chảy xiết đến ngang ngực, dùng một thanh cật tre không ngừng cạo những mảng rêu đang bám trên các tảng đá dưới đáy dòng Nậm Nơn.

Rêu được người Thái phân chia thành 2 loại: “cay khướng” là loại rêu mọc thành những búi sợi dài, màu sẫm; “cay hín” là loại rêu có màu xanh mơn mởn và mềm như nhung. 

Công đoạn làm sạch rêu cũng chẳng kém phần mệt nhọc so với công đoạn lấy. Ảnh: Lữ Phú 

Lấy rêu đá là công đoạn vất vả nhất nhưng kỹ hơn lại là lúc làm sạch chúng. Để làm sạch mảng xanh non ấy, những người phụ nữ cần mẫn dùng đá cuội để giã rêu, sau đó rửa lại với nước nhiều lần để cát sạn không thể dính vào. Nhờ thế mà loại thức ăn dân dã trở nên mềm mại hơn và ngon hơn.

“Trước đây khi chưa có lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, thì đoạn sông gần bản Xiềng Tắm ta rêu này nhiều lắm, cả bản, cả xã xuống đoạn sông này lấy cũng không hết, còn giờ ít nên đi lấy vất vả lắm, sau nhiều giờ đồng hồ lấy cũng chỉ đủ một bữa ăn thôi, muốn lấy được nhiều hơn thì phải lặn sâu lạnh lắm” 

Chị Vi Thị Xoa - bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) 

Rêu đá có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau và cách chế biến khác nhau như: canh rêu, rêu xào, rêu nướng, nhưng món ngon và hấp dẫn nhất là mọc rêu.

Đối với món mọc rêu thì người ta sẽ cắt rêu thành từng đoạn nhỏ, giã các gia vị như tấm gạo, ớt cay, mặc khẻn (tiêu rừng), sả và một ít thịt mỡ lợn tạo độ bóng cho món ăn. Sau đó là gói lại bằng lá chuối thành từng đùm rồi hông cách thủy trên bếp lửa, đến lúc có mùi thơm hấp dẫn tỏa ra là món rêu đã đủ độ chín.

Trong mâm cơm đãi khách ngày Tết của người Thái không thể thiếu món rêu. Ảnh: Lữ Phú 

Khoảng thời gian rêu mọc và phát triển là từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Khoảng thời gian này trùng với Tết Nguyên đán. Nhưng hiện nay, do yếu tố môi trường nhất là tác động từ các công trình thủy điện, nên môi trường sống của rêu ngày càng bị thu hẹp và ít dần, hiện nay rêu chỉ mọc ở các bản làng vùng cao, nơi đầu nguồn nước ít có sự tác động của con người.

Cũng vì số lượng có hạn nên rêu đá ngày càng có giá và trở thành hàng hóa bán ra thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân ở các bản làng còn giữ được môi trường nước sạch.

Với 1 kg rêu tươi đã làm sạch cát, sạn có giá bán từ 15 đến 20 ngàn đồng. Có ngày một người dân ở trên địa bàn xã Mỹ Lý có thể thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng từ bán rêu. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. 

Với giá bán từ 15 đến 20 ngàn đồng, rêu đã trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cho người dân vào dịp Tết. Ảnh: Lữ Phú 

Với tập quán sống gần sông suối, từ bao đời nay người Thái vùng cao đã biết sử dụng các nguồn lợi do sông suối ban tặng, như tôm, cua, cá, ốc và rêu để về chế biến ra các món ăn truyền thống trong bữa cơm hàng ngày cũng như để tiếp đãi khách quý đến nhà vào ngày Tết. 

Trước đây người dân trên địa bàn xã Mỹ Lý chỉ hái rêu về chế biến món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, bây giờ do môi trường, rêu chỉ mọc ở các đoạn sông thuộc địa phận của các bản dọc biên giới Việt - Lào, như bản Xốp Dương, bản Chà Nga. Do đó tận dụng rêu từ tự nhiên ban tặng, người dân ở các bản đã khai thác về làm hàng hóa bán kiếm thu nhập, nhất là vào dịp Tết này khi nhu cầu thực phẩm tăng cao”. 

Ông Vi Khăm Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. 

Lữ Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét