3 thg 3, 2020

Chợ Lớn xưa và nay

Ngoài một số công trình kiến trúc vẫn nguyên vẹn thì những con đường, dòng kênh, tòa nhà... ở Chợ Lớn đã thay đổi.



Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19, khi cộng đồng người Hoa đến định cư, xây dựng một đô thị sầm uất. Vào thời Pháp, Chợ Lớn là một thành phố tách bạch với Sài Gòn trước khi được hợp nhất năm 1956. Ngày nay, khu vực chợ Lớn tương ứng với quận 5, 6.

Khu chợ nhộn nhịp nhất mang tên Bình Tây (Chợ Lớn mới) do thương gia người Hoa - Quách Đàm xây dựng năm 1928. Chợ rộng 25.000 m2, kiến trúc hình bát quái, gồm 12 cổng, bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ. Không ảnh chụp vào năm 1950 và hiện nay cho thấy kiến trúc chợ vẫn giữ nguyên. Cuối năm 2016, chợ được nâng cấp, sửa chữa toàn diện và hoạt động trở lại sau hai năm. Hiện, chợ có hơn 2.300 sạp hàng, mỗi năm có khoảng 120.000 khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm. 



Bức ảnh chụp đầu thế kỷ 20 là khu chợ trung tâm cũ trước khi chợ Lớn mới được xây dựng. Chợ cũ, nằm ở vị trí tương đương với Bưu điện quận 5 ngày nay, được mô tả có vị trí thuận tiện, tấp nập ghe thuyền chở lúa gạo miền Tây. Chợ cũ tuy là trung tâm buôn bán sầm uất, nhưng kiến trúc xập xệ, mặt bằng nhỏ hẹp nên chính quyền xây Chợ Lớn mới (tức chợ Bình Tây) rộng, khang trang hơn. 



Tòa nhà được chụp năm 1895 là Bưu điện đầu tiên của thành phố Chợ Lớn nằm tại góc đường Hồng Bàng - Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) ngày nay. Đến khoảng năm 1930, bưu điện được dời về vị trí của chợ Lớn cũ, là trụ sở của bưu điện quận 5 ngày nay. Công trình này hiện không còn, thay vào đó là toà nhà của một ngân hàng. 



Tòa Hành chánh Chợ Lớn (ảnh trái), nằm trên khu đất ngày nay là đại học Y được TP HCM, mặt chính tòa nhà nhìn thẳng ra đường Jaccaréo (ngày nay là đường Tản Đà). Tòa nhà được người dân địa phương gọi là Dinh xã Tây, do quan trưởng xã đều là người Pháp. Khi tòa nhà bị phá bỏ, ở gần khu đất công trình này người ta dựng chợ Xã Tây vào năm 1925, còn tồn tại đến ngày nay. 



Hội quán Tuệ Thành hay chùa Bà Thiên Hậu (đường Nguyễn Trãi, quận 5) trong ảnh chụp năm 1866. Chùa được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu) di dân sang Việt Nam xây dựng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này. 



Nhà thờ Cha Tam (đường Học Lạc, quận 5) trong ảnh chụp đầu thế kỷ 20 của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Dieulefils. Nhà thờ có tên chính thức Saint Francisco Xavier, xây dựng năm 1900 và hoàn thành sau hai năm. Nhà thờ được xây dựng cho người Hoa theo Công giáo ở Chợ Lớn có nơi hành lễ. Người đứng ra xây dựng là linh mục Pierre d’ Assou, cũng là vị cha xứ đầu tiên của nhà thờ. Ông có tên Hoa là Đàm Á Tố - phiên âm là Tam An Su. Vì vậy mọi người quen gọi là nhà thờ Cha Tam. 



Nhà hát của người Hoa tại đường Rue de Paris (đường Phùng Hưng, quận 5). Công trình này những năm 1970 chuyển đổi công năng thành kho bạc và nay là chi cục thuế quận 5. 



Góc đường Đồng Khánh - Tổng Đốc Phương (tức Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm) trong ảnh trái chụp năm 1950 của tác giả Carl Mydans. Thời điểm này, khu Chợ Lớn vẫn thuộc quản lý của chính quyền Pháp. 



Cầu Ba Cẳng bắc qua kênh Hàng Bàng là địa chỉ quen quen thuộc với người dân Chợ Lớn. Ba Cẳng xây đầu thế kỷ 20, là cầu đi bộ đầu tiên của Sài Gòn. Cầu có 3 chân là các lối đi lên, xây bằng bêtông cốt thép, có một vòm nhịp, tạo khoảng không cho ghe thuyền qua lại. Đây cũng là nơi giao thương đường thủy tấp nập của khu Chợ Lớn xưa.

Ba Cẳng sập năm 1990, vị trí lùm cây trong ảnh phải là điểm giữa của cầu ngày xưa. Con kênh Hàng Bàng ngày nay đã bị lấp đến 90%, trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khỏe (quận 6).



Kênh Hàng Bàng dài khoảng 1.800 m, một thời là con đường thủy tấp nập. Dọc hai bờ, dân địa phương trồng cây bàng nên gọi là Hàng Bàng.

Trong ảnh năm 1950, con kênh vẫn đông đúc thuyền ghe ra vào. Tác giả bức ảnh đứng trên cầu Palikao (nay là đường Ngô Nhân Tịnh), chụp theo hướng về phía mặt sau của chợ Bình Tây.

Khoảng năm 2000, kênh Hàng Bàng bị lấp để làm cống hộp. Năm 2015, TP HCM khởi công dự án khôi phục lại dòng kênh nhằm giải quyết hệ thống thoát nước, chống ngập cho khu vực, trả lại dòng kênh “trên bến dưới thuyền”. Kênh Hàng Bàng đang được đào lại như cũ, hai bên trồng cây xanh, dự kiến hoàn thành trong năm nay. 



Đường Triệu Quang Phục năm 1925 và ngày nay là khu chuyên bán thuốc Bắc. Con đường có tên Pháp là Rue de Canton, được coi là trung tâm sinh hoạt thương mại và văn hóa chính của người Hoa đầu thế kỷ 20. 



Tàu Hủ là con kênh quan trọng trong khu Chợ Lớn xưa. Tàu Hủ nối với kênh Bến Nghé chảy ra sông Sài Gòn là tuyến đường thủy trọng yếu. Hai bên bờ kênh đông đúc người Hoa sinh sống, nhiều nhà máy được xây dựng. Ảnh trái chụp năm 1925 cho thấy cảnh tàu ghe tấp nập.

Ngày nay, kênh Tàu Hủ dù không còn nhộn nhịp thuyền bè như trước kia nhưng vẫn là tuyến đường thủy quan trọng. Sau một thời gian ô nhiễm, con kênh được cải tạo, làm bờ kè, trồng cây xanh. Dọc theo kênh là đại lộ Võ Văn Kiệt, nối liền cửa ngõ phía Đông - Tây thành phố.

Quỳnh Trần
Ảnh xưa: Tư liệu, Manh Hai/Flickr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét