18 thg 2, 2018

Bánh chưng Bờ Đậu nhộn nhịp đón Tết

Mỗi dịp cận kề Tết đến, Xuân về làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) lại thấy người người, nhà nhà tấp bật bên những nồi bánh chưng nghi ngút hương thơm nồng. Với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.

Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km, ngã ba Bờ Đậu là một trong những nơi trung chuyển, giao thương của các tỉnh miền Bắc. Theo bà Nguyễn Bích Liên- Trưởng Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu cho biết, những năm 1960, Bờ Đậu bắt đầu manh nha nghề làm bánh chưng. Trước đây do kinh tế khó khăn và người dân chưa ưa chuộng sản vật này lắm, nên người dân chỉ gói bán bắt đầu từ dịp 23 Tháng Chạp đến Tết Nguyên đán, còn ngày thường thì làm nghề trồng lúa nên cuộc sống nhiều gia đình bấp bênh do không có nguồn thu nhập. Thế nhưng, đến nay khi thương hiệu làng nghề được công nhận với hương vị thơm ngon, bánh chưng được các hộ làm quanh năm. 

Mỗi năm khi dịp Tết gần đến, các hộ đều phải thuê nhân công địa phương hoặc vùng lân cận đến để gia tăng sản xuất, kịp trả các đơn hàng của các tỉnh đặt.


Lá dong xanh và phải được rửa sạch, để ráo nước trước khi gói bánh.

Nhân bánh chưng được người dân Bờ Đậu làm bằng đỗ xanh được nấu nhuyễn và thịt lợn tươi ngon được mua từ Chợ Đồn (Bắc Cạn).

Nhân bánh chưng được làm sạch sẽ và có hương vị tươi ngon ngày càng giúp thương hiệu Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu khẳng định được thương hiệu.

Gạo nếp dùng để gói cũng được các cơ sở làm bánh chưng lựa chọn cẩn thận.

Những người gói bánh chưng lâu năm ở Bờ Đậu có thể gói bánh khá nhanh nhưng vẫn rất tỉ mỉ và khéo léo có để chiếc bánh chưng vuông đẹp mắt.

Những chiếc bánh chưng được buộc bằng lạt được tước nhỏ.

Bánh chưng được gói chặt tay để khi đem luộc không bị bung nhân ra ngoài. 

Là một trong những người đầu tiên làm bánh chưng ở Bờ Đậu, bà Phạm Thị Tâm (72 tuổi) cho biết để làm ra một chiếc bánh chưng ngon phải chọn nguyên liệu gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn tươi ngon. Nhà bà thường mua các nguyên liệu này ở vùng Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn)… Để làm được một chiếc bánh vuông thành sắc cạnh hay tròn trịa, người làm chưng ở Bờ Đậu thường gói bằng tay mà không cần khuôn. Bánh sẽ được lót từ 3-4 lớp lá và phải gói chặt tay. Điều này đòi hỏi người làm bánh làm nhanh nhưng cũng cần tỷ mỉ và khéo léo. Sau khi gói xong sẽ được cho vào thùng tôn và luộc bằng nước được lấy từ núi đá nên bánh sau khi luộc từ 8 đến 10 tiếng vẫn giữ được màu xanh của lá khá đẹp.

Hiện nay, bánh được các hộ dân làng nghề bánh chưng Bờ Đậu gói bán chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau. Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 20.000 đồng/chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 30.000 đồng/chiếc. Ngoài bánh hình vuông truyền thống, các hộ làm bánh còn còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn có giá 30.000 đồng/ chiếc.

Theo chị Nguyễn Thị Bình- chủ cơ sở bánh chưng Tâm Quang nổi tiếng nhất ở Bờ Đậu, vào dịp Tết, bánh sẽ có giá khoảng 50.000 đồng/chiếc. Những ngày gần Tết sắp đến, thì không phân biệt lứa tuổi, già trẻ gái trai trong nhà đều tham gia làm bánh chưng để kịp bán cho các đơn đặt hàng đi các tỉnh. 

Bánh chưng thường được xếp vào luộc bằng thùng tôn trong vòng 8-10 tiếng đồng hồ.

Ngoài bánh chưng vuông, người dân Bờ Đậu còn làm thêm bánh có hình giống bánh Tét Nam Bộ
để người mua có thêm sự lựa chọn.

Với việc khẳng định thương hiệu trong hơn 50 năm phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại,
bánh chưng do người dân Bờ Đậu làm đã trở thành sản vật nổi tiếng được du khách các nơi tìm đến mua. 

Cho đến nay, nghề bánh chưng không những tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển kinh tế. Với thương hiệu khẳng định bằng hương vị thơm ngon và an toàn thực phẩm, hầu hết ai đến Thái Nguyên đều ghé vào các cửa hàng dọc trên dọc tuyến phố Bờ Đậu để chọn những chiếc bánh chưng thơm ngon về làm quà.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét