9 thg 2, 2018

Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho

Nghề dệt thổ cẩm thủ công đã đi vào đời sống văn hóa từ bao đời nay của đồng bào dân tộc K’Ho dưới chân núi LangBiang (tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên, đến nay để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã phải nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp, chính sách hiệu quả giúp đồng bào tiêu thụ sản phẩm thông qua du lịch. 

Cơn mưa cuối mùa như đón chúng tôi đến với B’Nơr C, một buôn làng bình yên dưới chân núi mẹ LangBiang còn gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng của người K’Ho Lâm Đồng. Đến thị trấn Lạc Dương hỏi thăm chị Rơ ông K’Ương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn B’Nơr C, người nhiều năm qua luôn chăm lo đến công tác phụ nữ, đoàn thể, văn hóa cho buôn làng, ai cũng biết và tận tình chỉ đến tận nhà chị.

Tại đây, rất đông các mẹ, các chị đều đang tập trung và sẵn lòng cùng nhau giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Bên mỗi khung dệt, không chỉ có người dệt chính mà còn có nhiều người phụ nữ, các em nhỏ vây quanh, vừa cười đùa vui vẻ, vừa để chia sẻ kinh nghiệm dệt cho nhau. Chị Rơ ông K’Ương cho biết, người phụ nữ K’Ho từ nhỏ đã biết dệt vì đã thấy bà mình, mẹ mình dệt thổ cẩm hàng ngày. Đàn ông K’Ho đi làm rẫy, làm những công việc nặng nhọc, còn phụ nữ ngoài thời gian làm việc nhà tranh thủ lúc rảnh rỗi để dệt thổ cẩm. Họ vừa địu con vừa dệt, vừa lo nấu cơm vừa dệt… 

Dụng cụ để dệt thổ cẩm K’Ho.

Đặt khung dệt trước khi quấn sợi để xác định khổ dệt.

Quấn sợi xác định khổ dệt.

Nghệ nhân dùng Bnớ (thoi chỉ) để luồn sợi vào tấm thổ cẩm đang dệt.

Thao tác của nghệ nhân dệt thổ cẩm K’Ho luôn linh hoạt, nhịp nhàng.

Nghệ nhân luôn có sự ngẫu hứng trong quá trình dệt để tạo ra những hoa văn sinh động.

Thoi dệt để quấn sợi trong quá trình dệt.

Đã là phụ nữ K’Ho ai cũng biết dệt thổ cẩm.

Các em nhỏ, phụ nữ thường quây quần cùng nhau trong khi dệt thổ cẩm.

Hoa văn đặc trưng nhất của người K’Ho trang trí trên thổ cẩm.

Trang trí hoa văn thổ cẩm trên vai áo.

Áo và váy để dự lễ hội của phụ nữ K’Ho.

Trẻ em cũng có trang phục thổ cẩm riêng khi đến trường.

Trang phục bằng thổ cẩm là niềm tự hào của bà con dân tộc K’Ho.

Tấm ùi lớn với những thiết kế đặc trưng dùng làm lễ vật cưới hỏi.

Thổ cẩm truyền thống của người K’Ho có màu sắc đa dạng, mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được bảo tồn và phát triển ở buôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Người dân buôn B’Nơr C sống trên vùng đất này hàng bao đời không ai nhớ rõ cũng như cái nghề dệt thổ cẩm truyền thống không biết có từ bao đời. Không chỉ phụ nữ, những tác giả tạo ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống, mà cả đàn ông, già trẻ đều rất tự hào với thổ cẩm như một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bên khung cửi, bà Cơ Liêng K’Phước chia sẻ: “Mình được 60 mùa rẫy thì cũng gần như bấy nhiêu năm mình biết và gắn với nghề dệt thổ cẩm. Muốn dệt một sản phẩm thổ cẩm cần tỉ mỉ, chăm chỉ và phải khéo léo, tâm huyết với chính sản phẩm mình tạo ra…”.

Thực tế, để dệt một tấm thổ cẩm cần trải qua nhiều công đoạn. Nghệ nhân dệt đầu tiên phải quấn sợi, sau đó giăng sợi trên một chiếc khung sau khi xác định được khổ dệt. Từ khung dệt, nghệ nhân đưa ra ngoài và dùng hai chân cố định tấm vải dệt bằng chiếc Ping pong (thanh tre hình tròn đường kính khoảng 8cm dùng để căng tấm vải dệt - PV). Dụng cụ dệt gồm nhiều thanh tre nhỏ thường to bằng ngón tay (Lồ rmăng), có chiều dài khoảng 1m để giữ các đường dệt với mục đích tạo hoa văn trang trí theo ý muốn của nghệ nhân. Dụng cụ chính để dệt có tên là Bnớ được làm từ một miếng gỗ to bản khoảng 10cm nhọn một đầu để nghệ nhân có thể linh hoạt luồn sợi vào tấm thổ cẩm đang dệt.

Các công đoạn đều làm thủ công hoàn toàn nên đòi hỏi nghệ nhân phải có sự tinh tế trong quá trình dệt để có thể tạo ra những hoa văn, họa tiết trang trí đẹp mắt. Nhiều hoa văn đặc trưng và cũng có những hoa văn do nghệ nhân ngẫu hứng sáng tạo ra - tất cả đều thể hiện kinh nghiệm sống, tâm hồn của người dệt, đồng thời phản ánh những nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho trên vùng đất mình sinh sống ngàn đời nay.

Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của đồng bào K’Ho là các tấm ùi, có đủ loại kích cỡ (dài 1,2-1,5m; rộng 20-30cm) tùy theo công dụng để làm váy áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con… Giá bán mỗi tấm ùi dao động từ 600.000-1 triệu đồng. Ngoài ra, thổ cẩm K’Ho còn tạo ra nhiều sản phẩm để bán cho khách du lịch như: các loại túi xách tay, cầm tay lớn nhỏ, túi đựng điện thoại, dây đeo tay… với giá cả thường khá hợp lý, tùy theo sản phẩm từ vài chục ngàn đồng, đến vài trăm ngàn đồng. Màu sắc trên thổ cẩm K’Ho khá đơn giản, chủ yếu là các màu chủ đạo và mỗi màu đều gắn với thiên nhiên: màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho mặt trời và ánh nắng; màu xanh đậm tượng trưng cho màu của núi rừng.

Trưng bày sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người K’Ho.

Túi lưu niệm bằng thổ cẩm K’Ho.

Các loại bóp, ví bằng thổ cẩm K’Ho.

Các loại dây đeo bằng thổ cẩm K’Ho.

Du khách chọn mua sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người K’Ho. 

Bao đời nay, thổ cẩm vẫn luôn là một lễ vật quan trọng nhất mà nhà gái phải mang đến nhà trai khi bắt chồng (dân tộc K’Ho theo chế độ mẫu hệ - PV). Thường là đích thân cô gái dệt tấm thổ cẩm này và nó sẽ trở thành vật kỷ niệm quý giá để dành cho con cháu sau này. Tấm thổ cẩm là lễ vật trong ngày cưới cũng là minh chứng son sắt cho tình yêu thủy chung của mỗi cặp đôi người K’Ho, được chứng giám dưới chân núi mẹ LangBiang…

Tổ hợp tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm K’Ho ở buôn B’Nơr C thành lập từ năm 2005, hiện có 70 hộ (60 hộ người K’Ho, 10 hộ người Kinh) với 273 hội viên là phụ nữ. Huyện Lạc Dương đã có những chương trình, chính sách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm K’Ho như cung cấp dụng cụ làm nghề, xây dựng xưởng dệt thổ cẩm tập trung, mở lớp đào tạo nghề dệt, tổ chức tham quan, học tập mô hình xưởng dệt truyền thống ở Ninh Thuận…

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét