20 thg 2, 2018

Vùng du lịch được mệnh danh “nàng công chúa thức dậy"

Nàng công chúa thức dậy” là tên gọi mà dân yêu thích du lịch đặt cho vùng đất Bình Liêu thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Vùng đất này còn được mệnh danh là “Sa Pa của Quảng Ninh” vì phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, núi cao nhưng đầm ấm, mà lòng người thì rộng mở. Chỉ một vòng thoáng qua, chúng tôi nhận thấy lời đồn quả không sai.

Cầu vồng theo bánh xe lăn 

Đoàn chúng tôi xuất phát muộn nên đành phải huỷ bỏ dự tính ngủ đêm ở Bình Liêu để sáng hôm sau đi sớm, chụp ánh bình minh chiếu sáng những đồi lau dọc đoạn đường tuần tra biên giới, từ thị trấn Hoành Mô (Quảng Ninh) đến Đình Lập (Lạng Sơn). Bù lại, trăng đêm rằm vằng vặc soi suốt đoạn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và theo quốc lộ 10 đến tận Hạ Long.

Đường vắng, chiếc xe như trôi đi trong ánh trăng gợi nhớ bao kỷ niệm từ thủa ấu thơ, những đêm trăng hò hẹn… mà cuộc sống ồn ào nơi thị thành đã làm chai sạn đi, làm cho nhiều người quên rằng đã từng có một “mùa trăng thề”, quên rằng đã có một thời trong đêm ta lặn lội nơi cánh đồng làng như đang rộng ra, như đang cựa mình sinh sôi dưới ánh trăng vàng.

Ra thế, đi đêm cũng có cái thú vị của việc đi đêm. Nhất là đi trong ánh trăng.

Phan Minh Quang, một tay mê phiêu lưu trên từng cây số, đưa cả đoàn đến một quán quen khi xe vừa chớm đến thành phố Hạ Long. Bữa cơm tối nóng sốt với cá tươi rán, mực tươi luộc chấm với nước mắm ngon. Một bát canh rau tập tàng với dăm quả cà nén… Dù đã muộn nhưng ăn vẫn thấy ngon. Quang xuýt xoa: Cơm thì phải ăn ở đồn biên phòng. Gạo anh em mua trong dân bản, ngon tuyệt.

Sáng hôm sau, sau bữa điểm tâm với món canh “cù kỳ” (một loại cua có đôi càng to), cả đoàn rời Hạ Long theo đường quốc lộ 18A đi Hoành Mô. Quốc lộ 18A sau khi được nâng cấp rộng rãi, phẳng phiu, uốn lượn qua vùng than Mông Dương đồi núi nhấp nhô.

Nếu không phải là người địa phương, thật khó mà phân biệt đâu là bãi thải, đâu là đồi đất vì cây xanh, cỏ dại mọc xanh um. Dọc đường, chốc chốc lại gặp một đoàn xe máy của “ dân phượt”. Xe nào cũng đèo theo một đống ba lô chăn màn nồi niêu. Lớp trẻ đổ về vùng đồi núi phía đông bắc Quảng Ninh ngày càng đông.

Ruộng bậc thang nối tiếp nhau 

Tất cả bắt đầu từ việc Bộ Quốc phòng hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới dài khoảng 80 ki lô mét, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Đình Lập ( Lạng Sơn). Tuyến đường đi qua các huyện Bình Liêu, Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh với các cửa khẩu Hoành Mô, Đồng Văn và Bắc Phong Sinh, vắt qua những đồi núi cao hơn 700 mét so với mực nước biển, với những khu rừng nguyên sinh, những thung lũng hoang sơ, những vùng ruộng bậc thang mùa nào cũng đẹp, những bản làng còn giữ nguyên gốc gác của từng dân tộc, từng vùng dân cư. Và đủ loại hoa rừng…

Đường lên cột mốc 1297 

Trong khuôn khổ hai ngày đi đường, đoàn chúng tôi không có tham vọng đi hết cả 80 ki lô mét đường tuần tra biên giới. Mọi người chọn tuyến từ Hoàng Mô đi cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) với ý định rất rõ: chụp cảnh hoa lau trên đường vào ban trưa, và chụp cảnh hoàng hôn trên những dãy núi thuộc khối núi đá vôi Bắc Sơn và buổi tối lên Mẫu Sơn ngủ một đêm.

Khỏi phải nói đường đi đẹp như thế nào. Quốc lộ 18 uốn lượn quanh những rừng tràm, rừng keo, rừng hồi, rừng sở, rừng quế, rừng trẩu… xanh mướt. Khỏi phải nói sẽ đẹp như thế khi hoa hồi, hoa sở, hoa trẩu nở trắng rừng, toả hương thơm ngát…

Qua một đoạn cong, con đường chạy thẳng vào một vùng đồi núi chập chùng. Cả đoàn ồ lên: cầu vồng. Phía trước, như một cổng chào, vầng cầu vồng hiện ra như đón chào những người đang đi vào xứ sở thần tiên.

Đường tuần tra biên giới nhìn từ cột mốc 1297 

Rất may, mới đầu tháng 11 nên còn rất nhiều, rất nhiều những ruộng lúa vàng trải dài hai bên đường. Thẳng cánh cò bay thì không có, nhưng thành những thảm lúa thì nhiều. Và lúa chín vàng trên những nếp ruộng bậc thang…

Một con sông chảy len lỏi qua những ruộng lúa, đồi lúa, tạo thành cảnh thiên nhiên hữu tình. Cả đoàn rẽ vào thị trấn Tiên Yên, qua phố đi bộ với những dãy nhà một hai tầng mái ngói lô xô, với hai hàng đèn lồng uốn lượn, trông xa như những thân rồng uốn khúc. “Ban đêm chắc đẹp lắm, như Hội An vậy”.

Huyền, cô gái duy nhất trong đoàn thốt lên. “Thôi để lần sau nhé”. Cả đoàn ủi. Vâng, để lần sau, ta còn phải thưởng thức món ‘Cà xay” Tiên Yên nữa chứ.” Cà xay” là một loại gia cầm lai giữa vịt và ngan, thịt chắc và ngon. Cùng với gà đồi Tiên Yên là hai loại đặc sản của vùng đất này. Còn ở Đồng Rui (vùng ven biển gần ngã ba Tiên Yên – Ba Chẽ) còn có món trứng vịt luộc với lá chè. Ăn ngon đáo để. Chưa được ăn “cà xay” , chúng tôi mua một con gà làm sẵn ngoài chợ Tiên Yên mang đi cho bữa trưa dọc đường.

Cột mốc 1238 sát với cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) 

Đến Tiên Yên, quốc lộ 18A bẻ nhánh. Nhánh 18A chạy thẳng ra Móng Cái. Nhánh 18C (vốn là tỉnh lộ 331 vừa mới nâng cấp) chạy thẳng lên Hoàng Mô. Đồi núi ở đây thuộc cánh cung Đông Triều, cánh cung cuối cùng của vùng Đông Bắc nước ta, lúc đầu chạy theo hướng tây – đông sát bờ vịnh Bắc Bộ, sau đó càng lên phía Bắc càng lùi dần vào đất liền.

Theo tài liệu địa chất thì các đỉnh núi lớn đều cao từ 1.300 mét đến 1.500 mét, nhưng so với những đồi núi bao quanh chỉ thấp khoảng 400 – 500 mét thì chúng trông khá đồ sộ. Đỉnh núi như chạm tới mây, giữa trưa nắng mà sương mù đùn ra cuồn cuộn. Đồi núi xanh rì một mầu. Những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp dưới thung lũng nom thật ngoạn mục. Có những đoạn đồi núi san sát như bát úp. Có dãy núi trông xa như người phụ nữ đang nằm với đôi gò ngực vun cao…

Đến thị trấn Hoành Mô, chúng tôi qua trạm gác biên phòng trình giấy tờ để đi vào đường tuàn tra biên giới. Mấy anh biên phòng trẻ măng vồn vã mời ở lại ăn cơm trưa với đồn. Cả đoàn cảm ơn, hẹn một dịp lễ hội nào đấy ở lại lâu hơn. Bình Liêu là nơi cư trú của người Tày, người Dao, người Sán Chỉ… quả là có lắm lễ hội,. Mỗi dân tộc lại có những lễ hội riêng và năm 2017, lần đầu tiên Bình Liêu tổ chức” Lễ hội hoa Sở”.

Cả đoàn đi trên đường tuần tra biên giới về hướng Lạng Sơn. Cột mốc nào cũng dừng lại thăm viếng. Gió lạnh, trời nhiều mây nên không có nắng. Dọc theo mép núi, dọc theo đường đi là những bụi lau trắng xoá. Có lúc mau mọc thành vệt dai tít tắp. Có những bông lau to, còn ánh lên màu tím biếc. Những bông lau rập rờn, rạp mình theo gió…Con đường đổ bê tông, rộng khoảng 3 mét (cấp 6 miền núi) quanh co uốn lượn theo sườn núi. Đường mới, xe tải nặng không đi, chủ yếu là xe con và xe máy nên còn êm thuận. Đây rồi…mốc 1 304.

Từ xa đã thấy một đám xe máy để bên vệ đường. Đường lên cột mốc đổ bê tông thành từng bậc, mỗi quãng lại có một chiếu nghỉ…Cứ thế mà leo, mệt nghỉ. Hết thở dốc lại leo…Quanh cột mốc là một khoảng sân rộng. Và bạt ngàn là lau…Gặp một tốp 4 cô gái, trông dáng như sinh viên…”Bọn em là sinh viên đại học ngoại ngữ, đại học kinh tế ở Hà Nội”… “Chúng em đi xe khách lên Bình Liêu, rồi thuê xe máy lên đây”… “Thế bọn con trai đâu cả…”… Bốn cô cười rũ, nhìn nhau…

Từng đoàn, từng đoàn nam thanh nữ tú í ới gọi nhau đi tiếp. Có những gia đình mang theo cả con nhỏ, bồng bế nhau lên, giở bánh mì ra ăn ngay dưới chân cột mốc…Hỏi có phần thưởng nào lớn hơn đối với những người lính Cụ Hồ xây dựng những đoạn đường này? 

Hoàng hôn trên đường 

Chúng tôi dừng xe trên một bãi cỏ ven đường, chỗ khuất gió nhưng tầm nhìn khá rộng. Lục tục mang bếp ga xuống nổi lửa. Nồi niêu bát đĩa, rau, gia vị, nước… mang sẵn từ nhà. Miến rong Bình Liêu ngon có tiếng mua ở dọc đường. Nước luộc gà nấu miến. Còn gà luộc , tay ai người ấy xé…cũng có bia , rượu đủ cả. Bữa ăn đúng lúc đói thật là ngon. Thi thoảng, một đoàn đi xe máy qua, mọi người lại vẫy tay chào thân thiện. Cũng là để bảo vệ môi trường, mọi thứ dư thừa sau bữa ăn, cho vào túi ni lông, bỏ lên xe mang đi…

Tuyến tuần tra biên giới đoạn Móng Cái – Đình Lập dài khoảng 80 ki lô mét, chạy song song với biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Riêng đoạn từ Hoành Mô đi Đình Lập dài hơn 40 ki lô mét có 41 mốc giới với 68 cột mốc. Từ ngày có đường tuần tra biên giới, các cột mốc ngày nào cũng có người tới thăm viếng.

Đối với lớp trẻ, cột mốc biên giới đánh dấu chủ quyền đất nước, và con đường tuần tra biên giới vẽ nên hình hài Tổ quốc, trở thành nơi hành hương yêu thích. Chúng tôi càng thấm thía điều này khi cùng các bạn trẻ leo lên mốc 1 297 ở trên một đỉnh đồi cao gần 1 000 mét. Con đường bê tông nhỏ lọt thỏm giữa rừng lau.

Nhiều bạn trẻ bẻ một nhành lau gắn lên mũ đội đầu gợi nhớ tới đội quân cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh khi xưa. Vẳng từ xa, tiếng hát của mấy đoàn viên thanh niên tình nguyện “ Cỏ vẫn xanh dọc theo đường biên. Đường tuần tra hôm nay đẹp quá”.

Trời cũng chiều lòng người. Về chiều, mặt trời dần dần ló ra khỏi mây mù, sáng rực cả một khoảng trời phía Tây. Chúng tôi đứng cột mốc 1 288 mê mải chụp những bông lau đen thẫm dưới chiều tà rồi lên xe đuổi theo mặt trời, chụp bằng được cảnh mặt trời lơ lửng giữa hai ngọn núi rồi lặn hẳn. Trời tối đần. Xe chạy trong bóng chiều nhập nhoạng qua cửa khẩu Chi Ma rồi rẽ lên Mẫu Sơn.

Trong bữa cơm tối muộn, nghe gió lạnh rít ngoài sân, cả đoàn hẹn nhau đầu xuân tới lại về Bình Liêu, đón mùa hoa trẩu, dự lễ hội đình Lục Nà, dự đêm hát giao duyên Soóng Cọ, và đi tiếp đoạn đường tuần tra biên giới từ Hoành Mô tới cửa khẩu Bắc Phong Sinh, nơi có cột mốc 1 305 cao nhất Bình Liêu với triền núi được gọi là” sống lưng khủng long” và ngắm con sông chạy giữa biên giới hai nước…

Còn ngày mai, trên đường về, ghé thăm động Tam Thanh, thành nhà Mạc nơi con đường thiên lý đi lên ải Nam Quan. Rồi về Đồng Mỏ thăm Làng Càng nơi có “ dền chầu Mười”, đền cô Chín. Theo quốc lộ 1 cũ thăm ải Chi Lăng và núi Đầu Quỷ…nơi ghi dấu những chiến công chống quân xâm lược của cha ông ta thủa trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét