18 thg 2, 2018

Cây cầu nhỏ đất Gia Định xưa bao phen binh lửa

Cầu Sơn hiện nay là cây cầu nhỏ bắc ngang qua rạch Cầu Sơn, nối liền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua quốc lộ 13, thuộc địa bàn 2 phường 25 và 26 của quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Cầu Sơn ngày nay, vẫn bắc ngang con rạch cùng tên, không còn thấy cây sơn mọc trên bờ rạch nữa, thay vào đó là những căn nhà phố cao rộng, giàu có - Ảnh: HỒ TƯỜNG (chụp ngày 8-1-2018)

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cho biết cầu Sơn dài 5 trượng, tương đương 20 m, được làm dưới triều vua Minh Mạng.

Lai lịch tên gọi của Cầu Sơn được Trịnh Hoài Đức giải thích rằng trên hai bờ rạch nơi đây ngày xưa có nhiều cây sơn, cho nên mới có tên gọi như vậy. Cây sơn còn gọi là tất thụ, một cây công nghiệp cho chất sơn. 

Cổng và tường rào mặt tiền của đình Cầu Sơn (Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Sách Gia Định Thành Thông Chí, tập hạ, trang 249, của Trịnh Hoài Đức ghi: năm Bính Tí (1756), Đô úy của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc là Nguyễn Trấn đã chọn khu vực Cầu Sơn để dựng binh trại, lập phố chợ, lệnh dân chúng đến cư ngụ.

Tuy nhiên, tháng 6-1787, Nguyễn Huệ mang quân vây đánh Nguyễn Nhạc. Nguyễn Trấn phải giao Gia Định lại cho Tham đốc Trần Tú, kéo binh về Quy Nhơn ứng cứu Nguyễn Nhạc.

Thừa cơ hội quân Tây Sơn đóng ở Cầu Sơn đã rút bớt quân, trong cùng năm 1787, các cánh quân ủng hộ Nguyễn Ánh, như: Võ Tánh ở Định Tường (nay là Tiền Giang), Nguyễn Văn Tuyết ở Biên Hòa, Nguyễn Văn Nghĩa ở Hiệp Lâm, Hản Vân (?), Lê Công Tấn, Phạm Điền hội quân đánh úp. Trần Tú tử trận. Đất Gia Định về tay Nguyễn Phước Ánh từ đó...

Cây cầu nhỏ không yên tĩnh trước 75
Cầu Sơn là khu vực nằm trên con đường nối liền Sài Gòn, Gia Định với Bình Dương, Biên Hòa khi chưa có xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội). Đây là khu vực buôn bán sầm uất chỉ sau vùng chợ Bà Chiểu vốn là trung tâm của tỉnh Gia Định ngày trước.

Những người có vốn từ nhiều nơi đã đến Cầu Sơn mở cửa hiệu buôn bán, làm ăn, làm cho khu vực Cầu Sơn sớm trở thành khu vực phát đạt.

Một trong hai bàn thờ liệt sĩ cách mạng được thờ trong đình Cầu Sơn (Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG (chụp ngày 8-1-2018)

Cầu Sơn là khu vực chiến sự ác liệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Từ Cầu Sơn lên đến Hàng Xanh là một trong những mặt trận lớn của phía đông Sài Gòn với thương vong lớn của cả hai bên. Nhà cửa trong khu vực Cầu Sơn hầu như đều đạn bom phá nát. Dân chúng tản cư hoàn toàn khỏi khu vực để tránh chiến sự.

Ngay trong năm 1968, từ rằm tháng 7 âm lịch năm 1968, sau khi 2 đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân kết thúc, ban quản trị đình Cầu Sơn (218 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Bình Thạnh, TP.HCM) đã làm lễ cúng cầu siêu cho chiến sĩ trận vong của cả hai bên và những đồng bào xấu số đã tử nạn trong chiến trận diễn ra tại Cầu Sơn trong Tết Mậu Thân 1968.

Sau 1975, bên cạnh lễ cầu siêu tổ chức thường niên vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, đình Cầu Sơn cũng đã là nơi đầu tiên tổ chức lễ cúng anh hùng liệt sĩ vào ngày 27-7 hằng năm, để tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng đã vị quốc vong thân. Hai lễ cúng này còn duy trì cho đến ngày hôm nay (2018).

Bên cạnh những cư dân lương thiện, khu vực Cầu Sơn đã sớm có nhiều người sống với nghề "bảo kê" Một trong những tay du đảng bảo kê cho khu vực Cầu Sơn những năm 1960 là Chà Và Hương.

Chà Và Hương tên thật là Ngô Văn Hương, sinh năm 1940 ở An Giang, trong một gia đình lao động nghèo, bỏ nhà đi bụi từ năm 9 tuổi; có hai dòng máu Ấn Việt, da ngâm đen, nên từ nhỏ mọi người đã gọi là Chà Và Hương.

Thoạt đầu, Chà Và Hương đánh giày ở khu vực Đa Kao, Tân Định và kết thân với một đứa trẻ khác, cũng lai Ấn, tên là Cà Na vừa là đồng nghiệp, vừa là tay anh chị của khu vực Đa Kao, Tân Định. Cả hai người: Chà Và Hương và Cà Na đã liều lĩnh đấu võ đài để kiếm tiền và nhờ vậy mà đã gặp được thầy võ thứ thiệt nhận làm môn sinh.

Qua huấn luyện của Mousetaza, rồi của các thầy võ Lê Quang Đại, Nguyễn Nhiều và Kid Dempsey, Chà Và Hương đã trở thành võ sĩ Phi Hoàng nổi tiếng Sài Gòn trước 75 với đôi cùi chỏ sát thủ trên khắp võ đài từ miền Trung, miền Đông và Tây Nam Bộ.

Hiện Chà Và Hương sống với nghề chữa bệnh Đông Y tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi), bỏ lại sau lưng những tháng ngày ngang dọc giang hồ…

TS HỒ TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét