18 thg 2, 2018

Hoa đá Đồng Văn

Cứ mỗi độ xuân về, nhìn những xe hoa cúc, hoa ly, hoa mai, hoa đào ngập tràn các ngõ phố Thủ đô, lòng lại rộn ràng nhớ Lũng Cú, Đồng Văn. Có phải vì hoa không, hay vì xuân về trên cao nguyên đá Đồng Văn có gì đặc biệt. Mùa xuân thì ở đâu chẳng có hoa, ở đâu chẳng rộn ràng, sao lại nhớ Lũng Cú, nhớ Đồng Văn đến thế?!

Đá biết nở hoa


Người ta bảo đá ở cao nguyên Đồng Văn biết nở hoa, có thật thế không? Hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn nở từ đầu thu tháng 10, hoa ngũ sắc, hoa cúc cam vàng, hoa thun tu đỏ, hoa tam giác mạch tím hồng nối tiếp nhau nở rộ.

Loài hoa này nở nối tiếp loài hoa kia, hoa nối hoa như mùa nối mùa, hoa nở từ trong những khe đá nhỏ, phủ lên trên đá, phủ lên màu xám xanh của đá những sắc màu rực rỡ. 


Sắc xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn. 


Đã bao lần đến cao nguyên đá Đồng Văn, đi trên con “Đường hạnh phúc” giữa những mùa hoa, nhưng đẹp nhất là vào mùa xuân, mùa Tết, mùa của hội hè, của những đôi trai gái yêu nhau.

Mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn thắm sắc hoa đào núi phớt hồng bên những hiên nhà cổ, chen lên bờ rào đá. Hoa cải vàng từ chân núi đến mỗi khu vườn. Hoa tam giác mạch càng vào đông càng tím thẫm, sắc tím ấm áp như để xua đi cái lạnh cắt da, xua đi sắc màu quan tái của dải đất biên cương.

Đẹp nhất vẫn là sắc hoa trên váy áo của những cô gái người Mông, người Lô Lô, người Dao đung đưa theo nhịp bước chân thoăn thoắt trên những con đường mòn như dải lụa mềm vắt lên sườn núi đá. Các cô gái tụ thành từng nhóm, rộn ràng không khí đi chơi hội ngày xuân trong những bộ váy áo đẹp nhất, những bộ váy áo do mình tự thêu, tự may để làm duyên với bạn tình.

“Anh ném quả pao, nào em có tình, đừng để pao rơi xuống đất. Quả pao anh ném, quả pao em ném, đem cả lòng mình cho nhau. Mắt không rời mắt, tay không ngừng tay, mà trao cuộc tình đã nói...”. Người con gái vùng cao có đôi tay khéo léo, ai cũng biết làm pao, biết tự may váy áo cho mình, bộ váy áo đẹp nhất sẽ để dành cho ngày cưới.

Đến cao nguyên đá Đồng Văn, được nhìn thấy những sắc hoa trên váy áo thiếu nữ vùng cao hòa nhịp bước cùng sắc hoa xuân trên đá, sẽ hiểu vì sao ở cao nguyên đá Đồng Văn, đá cũng biết nở hoa.

Trộm lộc đầu năm
Vùng đất nào con người ấy. Trưởng bản Lô Lô Chải, ông Sìn Gỉ Gai vừa xoay xoay ly rượu trong tay, vừa kể chuyện: Người Lô Lô hiền lắm, chả biết giận đâu. Ngày Tết, người ta đến nhà “lấy trộm” lộc đầu năm mà cũng chả giận nhau được, vẫn mời nhau vào nhà uống rượu. Mùa xuân uống rượu mới vui. Lộc mình không biết giữ, người ta lấy được rồi, phải uống rượu mừng nhau thôi.

Câu chuyện của trưởng bản Sìn Gỉ Gai về ngày Tết truyền thống của người Lô Lô đen ở cực Bắc Lũng Cú có nhiều điều đặc biệt. Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, náo nhiệt cả bản.

Sắc hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn. 

Ông Gai kể: Cũng giống như người Kinh có tục hái lộc đầu năm để lấy may, người Lô Lô có tục “trộm lộc” từ bếp của nhà khác. Sau thời khắc giao thừa, nếu gia đình nào có người đi “lấy trộm” được “lộc” của nhà khác mang về thì cả năm đó gia đình sẽ may mắn, khỏe mạnh, mùa màng, gia súc đủ đầy.

Những thứ “lấy trộm” chỉ là thanh củi, bông hoa, củ khoai hay hạt muối... chứ không phải đồ có giá trị, lộc chỉ mang ý nghĩa tâm linh, hình thức nên những gia đình bị “trộm lộc” cũng không bị thiệt hại gì về kinh tế. Có một điều đặc biệt nữa khi “trộm lộc” thì dù lộc là gì cũng phải lấy cho đủ 12 cái giống nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Khi “lấy trộm”, nếu bị chủ nhà phát hiện thì những thứ đã cầm trên tay sẽ được giữ lại, rồi cứ trừ đi 12 tháng, những tháng nào còn thiếu, chưa lấy được thì đến đầu tháng ấy, gia đình người đi “lấy trộm” sẽ phải làm lễ cúng, gọi là “làm lý”, giải xui cho cả gia đình.

Ngẩn ngơ sắc hoa tam giác mạch. 

Chủ nhà bắt được người “trộm lộc” cũng “xử” bằng cách rất tình cảm, ấy là yêu cầu kẻ trộm cúi xuống, hơ mông bên bếp lửa để đuổi vía và đá nhẹ vào mông kẻ trộm vài cái, tương ứng với số lượng đồ bị lấy đi, việc này là để “làm lý”, những món “lộc” đã bị trộm thì người trộm lộc vẫn được mang về. Sau khi “làm lý” xong, chủ nhà sẽ mời “kẻ trộm” vào nhà cùng uống rượu mừng năm mới cho đến sáng mới thôi.

Đón xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn, nơi tình người ấm áp mà gần gũi, nơi những khe đá xám quanh năm thiếu nước vẫn nở hoa mỗi dịp xuân về, nơi cái “lý” tưởng như nghiêm kỵ, khó hiểu nhưng lại thấm đẫm một chữ “tình”.

Mùa Xuân tiếp nối
Lại một mùa xuân đang về trên cao nguyên đá. Một người quen đang công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú gọi điện hỏi: “Tết này chú có lên Lũng Cú ăn Tết với đồn, với đồng bào không?”.Câu hỏi như thúc giục bước chân. Nhớ một ngày đầu xuân như thế tại Đồn Biên phòng Lũng Cú, trong cái rét cắt da, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng làm lễ rước cờ lên đỉnh núi, thay cờ đón năm mới giữa khí trời còn mờ mịt sương sớm và vun vút tiếng gió mùa.

Cọc thép trên đỉnh cột cờ bị băng đóng cứng, không thể hạ cờ cũ xuống. Trong không khí trang nghiêm, cả đơn vị chào cờ buổi sáng đầu tiên của năm mới rồi trở về trạm, ai cũng thoáng chạnh lòng bởi cái khắc nghiệt vùng cao, bởi việc thay cờ, đón xuân dưới cờ Tổ quốc nơi cực Bắc là một việc làm thiêng liêng.

Bước trên những bậc thang xuống núi, nhìn bốn bề núi non trùng điệp đang hiện rõ dần giữa màn sương, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: “Cột cờ Lũng Cú hiện nay được xây dựng năm 2010, Chính phủ cho phép Hà Giang xây dựng cột cờ mới to đẹp hơn, bề thế hơn để khẳng định vị thế của đất nước ta trong công cuộc đổi mới, và khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc.

Ngày 8/3/2010 khởi công và hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh, ngày 2/9/2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang.

Sắc hoa Xuân trên cao nguyên đá. 

Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa để nhớ đến tiếng trống đồng của vua Quang Trung khi xưa đã trao cho đồng bào Lô Lô xã Lũng Cú để đánh cầm canh, cũng là để truyền tin mỗi khi kẻ thù xâm phạm biên cương, để con cháu ngàn đời sau nhớ đến công dựng nước của ông cha ta ngày trước”.

Sử sách có ghi, di tích Cột cờ Lũng Cú ra đời từ thời Lý, khi Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta.

Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, nhà vua cho xây dựng một trạm gác nơi đây, giao cho đồng bào Lô Lô ở bản Lô Lô Chải ngay sát chân núi trông coi, lại cho đặt một trống đồng, mỗi một canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Sắc hoa Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn. 

Thượng tá Phạm Ngọc Thủy cho biết, đến năm 1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ tại đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ. Lúc đó, cột cờ chỉ bằng cây sa mộc, cao 12m, lá cờ rộng 1,2 m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đỉnh núi Rồng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú đóng chốt ở đó. 

Trong suốt những năm tháng chiến tranh và đến mãi sau này, nhiệm vụ bảo vệ lá cờ Tổ quốc được giao cho cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú. Khi lá cờ bạc màu hoặc bị rách, các chiến sĩ thay thế bằng một lá cờ mới. Những lá cờ Tổ quốc trên Cột cờ Lũng Cú, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã phai màu, rách vì nắng mưa được đơn vị giữ lại, làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đến thăm Lũng Cú, là kỷ vật thiêng liêng mà rất nhiều người mong muốn có được.

Hân Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét