18 thg 2, 2018

Thác Philieng - Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu


Mùa trekking Philieng đẹp nhất là tháng Chín đến tháng Ba hằng năm, đó là mùa khí hậu vùng Đam Rông không quá nóng, không mưa nhiều và có chút lạnh. 

Với nhiều người trẻ, các cung đường hoang sơ, hoang dã để có thể thực hiện những chuyến chinh phục bằng đi bộ đường dài (thường gọi là trekking) là một trải nghiệm rất thú vị. Các cung đường trekking đẹp luôn được các bạn trẻ chuyền tai nhau: Cung Tà Năng Phan Dũng (xuyên Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận), núi Tả Liên Sơn (Lai Châu), núi Lảo Thần, Fansipan (Lào Cai), đỉnh Lùng Cúng thuộc cung Mù Cang Chải (Yên Bái), Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế), cung Chư Yang Sin – Chư Yang Lak (Đăk Lăk)…

Philieng không nên đến vào mùa mưa
Nhưng nếu ở TP.HCM, chọn một chuyến trekking vào cuối tuần cho hai đêm ba ngày thì chinh phục thác bảy tầng Philieng (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) sẽ là một lựa chọn tốt. Và hiện chỉ có duy nhất một nhóm có thể dẫn bạn khám phá núi rừng Philieng, đó là Philieng Jungle Trekking.

Từ TP.HCM, chúng tôi đến với Philieng trên chuyến xe duy nhất về xã này là xe Anh Chương (gần sân bay Tân Sơn Nhất), khởi hành lúc 17 giờ ngày thứ Sáu. Xe chạy ngang Định Quán thì ghé đón người dẫn đoàn của chúng tôi là anh Nguyễn Nho Kiên cùng nhóm hướng dẫn của anh. Xe đến Philieng tầm 1 giờ sáng và chúng tôi có sáu tiếng nghỉ đêm tại nhà nghỉ Quốc Sang – nhà nghỉ duy nhất tại Philieng nằm sát quốc lộ 27.

Mùa trekking Philieng đẹp nhất là tháng Chín đến tháng Ba hằng năm, đó là mùa khí hậu vùng Đam Rông không quá nóng, không mưa nhiều và có chút lạnh để người thành phố được đổi gió. Bởi nếu trước chuyến đi Philieng có mưa kéo dài thì hành trình chinh phục thác bảy tầng vô cùng nguy hiểm. 

10 km đường rừng trên xe máy cày 

Sáng sớm đầu tiên tại Philieng, ngay sau ô cửa của nhà nghỉ bạn sẽ thấy bình minh trên những ngọn thông xanh. Đi bộ ra đầu đường là một chợ nhỏ của Philieng với đủ thức ăn sáng, cà phê nóng.

Sau ly cà phê, những tưởng sẽ bắt đầu trekking với hình thức đi bộ, nào ngờ chúng tôi được lên hẳn xe… máy cày. Xe máy cày chở toàn bộ đoàn đi xuyên các làng dân tộc, các con đường đồi dốc, bùn lầy suốt 10 km. Hành trình đầu tiên với máy cày, với độ xóc đủ tung người trên xe sẽ kéo dài khoảng 90 phút. Sở dĩ không thể đi các loại khác bởi đường 10 km này bùn lầy và đất đỏ, ngay cả xe máy muốn đi cũng phải quấn thêm dây xích ở bánh xe để tăng độ bám.

Suốt hành trình bằng máy cày, bạn sẽ được chứng kiến đời sống thường nhật của người dân Philieng. Philieng vốn là một trong 60 xã nghèo nhất của cả nước với 90% người dân tộc Mông. Từ năm 2000, Philieng mới bắt đầu được đầu tư điện, đường sá, trường học và nông dân ở đây bắt đầu chuyển sang trồng cà phê. Dọc hành trình của chúng tôi là nhấp nhô một vài mái nhà xen kẽ giữa rừng cà phê, giàn chanh dây, giàn su su… Màu hoa dã quỳ vàng xen lẫn với những gốc ổi, cây cà ri, thi thoảng lại bầy gà, bầy heo, đàn bò chắn ngang đường. 



Lựa lá rừng để ăn

Xe máy cày dừng ở bìa rừng cách thác khoảng 3 km. Đây cũng là 3 km băng rừng bởi không xe nào có thể chạy vào được. Từ điểm này, sóng điện thoại cũng mất hẳn.

Hành trình đi trong rừng, chúng tôi được anh Nguyễn Nho Cương (em trai anh Kiên), sống tại Philieng hướng dẫn những loại cây ăn được và cây độc. Chúng tôi cũng tranh thủ hái một ít lá nhiếp (có nơi gọi là lá nhíp hoặc lá bép) để mang theo phòng khi đói giữa chừng hoặc để dành chiều tối làm rau cho bữa ăn.

3 km đi bộ xuyên rừng với dốc, đường hẹp, có những đoạn phải dùng gậy, dây bám…, khi cảm thấy mệt mỏi thì âm thanh của tiếng thác đổ ngày càng gần sẽ giúp bạn thêm động lực. Và chúng tôi đã đến điểm dừng tạm nghỉ ngơi có thể ngắm thác bảy tầng Philieng. Chứng kiến cảnh thật của thác Philieng mới thấy tất cả ảnh chụp chỉ là một phần rất nhỏ so với sự hùng vĩ ngoài đời của thác.

Thác bảy tầng Philieng có tầng đầu ở Philieng và dòng chảy dài 8 km xuyên rừng với tầng cuối cùng (tầng bảy) tại Đăk Nông. Hành trình chinh phục Philieng của chúng tôi chỉ dám dừng ở tầng hai và ba của thác thuộc xã Philieng. Nếu muốn đi được hết bảy tầng tháp, người đi rừng chuyên nghiệp cũng mất đến hai ngày hai đêm ngủ trong rừng. Và xuyên thác như thế buộc lòng người đi phải biết thêm các kỹ năng tự bắt cá, chọn rau rừng… để sinh tồn được trong rừng sâu.

Chỉ còn tiếng thác cùng bếp lửa
Điểm dừng để dựng trại của chúng ngôi có tầm nhìn ra tầng hai của thác với chiều cao 120 m, nước tung trắng xóa. Chúng tôi bắt đầu dựng trại vào khoảng 12 giờ trưa với lều, tăng, bạt, dây chuẩn bị sẵn. Khi hai, ba người trong nhóm dựng trại thì các thành viên còn lại sẽ đi kiếm củi, bùi nhùi, lá khô, đá để làm bếp. Một bếp lửa giữa thiên nhiên hoang dã chính là sự sống còn của bạn. Bởi ngoài chức năng đơn thuần để giúp bạn nấu nướng, giữ ấm, hong khô đồ vật, nó còn là tín hiệu cứu hộ, thậm chí là vũ khí chống lại các loài động vật bất ngờ. Bếp lửa sẽ được giữ cho đến khi đoàn rời khỏi núi rừng.

Sau công đoạn dựng trại, thắp lửa, chúng tôi bắt đầu leo dây xuống vị trí giáp tầng hai và ba của tháp để ăn trưa bên bờ suối và tắm suối. Một điều cần lưu ý là dù bạn sức khỏe tốt cỡ nào, trước khi tắm suối bạn nên uống một ly trà gừng nóng để cân bằng thân nhiệt khi xuống nước.

Tắm suối đã đời, chúng tôi lại leo dây trở lại phía đồi dựng trại để chuẩn bị bữa tối với các món nướng tự ướp mang theo trên bếp lửa giữa rừng. Không như ở biển hay thành thị, ở rừng đêm xuống rất nhanh. Giữa núi rừng hoang sơ, không còn ánh đèn điện, không sóng điện thoại chỉ có tiếng gió, tiếng suối và côn trùng nỉ non đôi khi làm người ta vừa sợ nhưng lại vừa thu hút.

Những lúc như thế, tiếng của con người nói với nhau, dù nhỏ thôi, câu chuyện bâng quơ thôi cũng trở nên quý báu… 

QUỲNH TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét