27 thg 12, 2017

Di tích lịch sử Cốc Lùng

Di tích Cốc Lùng, xã Bành Trạch (Ba Bể) là một trong số 13 di tích lịch sử ghi dấu ấn về Bác Hồ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong chuyến hành trình lịch sử từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). 

Di tích lịch sử Cốc Lùng tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể đã được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận và đang được tiến hành khảo sát để đầu tư tôn tạo. 

Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Phát xít Đức đã thất bại thảm hại trên mọi mặt trận. Lúc này tình hình diễn biến trong và ngoài nước ngày càng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định tận dụng cơ hội “ngàn năm có một” để phát động một phong trào quần chúng rộng rãi trên cả nước, đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Để thực hiện quyết định đó: Bác đã cho di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang).

Ngày 10/5/1945 đoàn đi vào địa phận tỉnh Bắc Kạn đến và ngủ đêm ở Lủng Sao- một bản người Dao thuộc xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Sáng ngày 11/5/1945 đoàn tiếp tục lên đường, tối hôm đó đoàn đến và ngủ tại nhà ông Đồng Phúc trưởng thôn Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Sáng ngày 12/5/1945 đoàn rời Hoàng Phài qua xã Trung Hòa, tối hôm đó đoàn đến và ngủ tại nhà ông Đàm Ngọc Hải thôn Khuổi Mản, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể.

Gần trưa ngày 13/5/1945, đoàn đến địa điểm dừng chân tiếp theo như dự kiến, đó là địa điểm Cốc Lùng (cây đa), thuộc thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể. Trong đoàn có khoảng gần 100 người, trang phục không đồng đều, quần xắn cao quá đầu gối, chân ai cũng được bôi vôi để chống vắt cắn. Trong đó có một ông cụ già đội nón lá địa phương, mặc bộ quần áo nâu như người nông dân thực thụ, mái tóc bạc, chòm râu dài, mắt sáng, dáng đi nhanh nhẹn hoạt bát, (sau này nhân dân mới biết đấy chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta). Ngoài ra còn có 2 người ngoại quốc là điện báo viên của quân đội Đồng Minh đi theo để phục vụ Bác.

Trước đó chính quyền cách mạng lâm thời đã được thông báo là có đoàn công tác thượng cấp đi qua và nghỉ trưa tại đây. Khi đến địa điểm Cốc Lùng theo dự kiến, địa phương đã chủ động tiếp đón chu đáo, cả đoàn được phân thành từng tốp nhỏ và theo sự hướng dẫn của những người bảo vệ đưa về từng nhà dân trong bản để nghỉ tạm cho đỡ mệt. Do đã được báo trước, nên trưa hôm đó xã đã chuẩn bị một con lợn khoảng 50kg mổ để làm cơm tiếp khách quý, khi đã chuẩn bị xong, các đồng chí lãnh đạo địa phương mời đoàn công tác tập trung ăn cơm tại nhà ông Chu Đức Nông. Khi mọi người đã ngồi vào mâm đầy đủ, ông cụ già vẫn trong bộ quần áo nâu giản dị, đứng dậy đi qua hết các mâm. Thấy chỉ có mâm của mình là có một bát to thịt nạc băm, ông liền lấy chia đều cho tất cả các mâm rồi mới ngồi vào mâm và mời mọi người cùng ăn cơm. Trong bữa cơm Bác tranh thủ hỏi thăm về tình hình cuộc sống của nhân dân địa phương, về tình hình phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân, về hoạt động của chính quyền cách mạng lâm thời ở địa phương… Không khí bữa cơm diễn ra thật đầm ấm, mọi người ai nấy đều tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, thể hiện tinh thần đoàn kết. Bữa cơm thắm đượm tình đoàn kết và hết sức khẩn trương giữa các đồng chí địa phương với đoàn công tác.

Trong khi đoàn đang ăn cơm trưa, theo chỉ thị của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo địa phương xã đã cho tập hợp quần chúng nhân dân tại dưới tán cây đa cổ thụ (di tích Cốc Lùng ngày nay), để nghe Bác nói chuyện. Ăn cơm trưa xong Bác cùng các thành viên đoàn công tác ra nơi nói chuyện. Tại đây quần chúng nhân dân đã tập trung rất đông, ai cũng náo nức chờ đợi những lời huấn thị của thượng cấp cách mạng. Bác xuất hiện trước quần chúng nhân dân với bộ quần áo nâu giản dị, tác phong đi đứng hoạt bát. Bác vẫy tay chào, và nói với mọi người về tình hình trong nước, thế giới. Bác nhận định, Nhật đảo chính Pháp, quân đội Đồng Minh đang chuẩn bị tiến vào giải giáp quân đội Nhật, đây là “cơ hội ngàn năm có một” để nhân dân ta đứng lên giành chính quyền. Bác điểm qua tình hình phong trào cách mạng của nhân dân ta trên mọi miền đất nước, từ đó động viên tất cả quần chúng nhân dân ở đây tùy theo khả năng của mình hăng hái tham gia vào các tổ chức đoàn thể của Việt Minh để góp sức, góp của cho cách mạng, cùng nhau đoàn kết đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân…

Sự kiện dừng chân nghỉ và nói chuyện của Bác với nhân dân địa phương chỉ vẻn vẹn khoảng hơn một giờ đồng hồ, nhưng đã để lại cho nhân dân các dân tộc xã Bành Trạch một kỷ niệm sâu sắc về vị lãnh tụ của dân tộc. Đây là một dấu ấn lịch sử, một mốc son chói lọi trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc địa phương và của lịch sử Đảng bộ xã Bành Trạch nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung trong thời kỳ đầu đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân tháng 5 năm 1945.

Hiện trên vị trí của di tích này, ngày nay là nhà họp thôn của nhân dân thôn Bản Hon, còn cây đa cổ thụ đã không còn. Ngày 23/6/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 880/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử Cốc Lùng. Di tích Cốc Lùng là một điểm di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là niềm vinh dự tự hào của nhân dân các dân tộc xã Bành Trạch nói riêng mà còn là của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét