24 thg 12, 2017

Ăn khổ qua rừng dồn thịt ếch vừa bổ vừa ngon

Thịt ếch băm nhuyễn dồn vào trái khổ qua. Ảnh: Thiên Lộc

Trong dân gian có câu: 'Khổ qua xanh, khổ qua đắng, khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo. Anh thương em chẳng ngại giàu nghèo. Cách mấy sông anh cũng lội, mấy bưng bàu anh cũng qua'.

Khổ qua (mướp đắng) có thể chế biến thành nhiều món ăn truyền thống như khổ qua xào, nấu canh, kho mắm, nổi tiếng nhất là khổ qua dồn thịt hoặc chả cá. Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, khổ qua trái nhỏ, đặc biệt là khổ qua đèo hoặc khổ qua rừng có vị đắng, ăn rất nên thuốc.


Các chuyên gia ẩm thực cho rằng khổ qua ngon và bổ dưỡng là nhờ vị đắng. Chính vì vậy, một số bà con nông dân, phần đông ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, đã bắt đầu trồng khổ qua rừng để phục vụ người tiêu dùng. Khổ qua rừng dễ trồng, phát triển nhanh, nhiều trái, ít sâu bệnh. Nếu trồng ít, bà con tự chăm sóc, không cần đến thuốc bảo bệ thực vật.

Muốn làm món khổ qua rừng dồn thịt ếch, trước hết chúng ta bổ trái khổ qua theo chiều dọc hoặc cắt ngang rồi móc bỏ hết ruột, đem rửa sạch để cho ráo nước.

Ếch nên chọn phần thịt, bỏ xương, bằm nhuyễn, trộn chung với bún tàu, nấm mèo và gia vị gồm tiêu, hành, đường, muối. Muốn cho thịt dai, ngon miệng chúng ta có thể nhồi chung với chả cá thác lác rồi dồn vào ruột khổ qua. Tiếp theo, bắc nồi nước hầm xương cho thật sôi trước khi cho khổ qua vào, nêm nếm vừa ăn. Trước khi nhắc xuống bếp rắc thêm tiêu, rau mùi và hành lá xắt nhỏ giúp tăng thêm mùi vị. 

Khổ qua rừng tươi sống 

Thịt ếch vừa thơm vừa dai dai, ngọt, lành, nhiều đạm hòa cùng vị đăng đắng hậu ngọt của khổ qua giúp món ăn có mùi vị đặc trưng, tô nước súp ngon ngọt, đậm đà, không lẫn vào đâu được. 

Theo y học dân gian, thịt ếch giá trị dinh dưỡng rất cao, còn khổ qua rừng là một loại thực vật không độc, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giảm ho, bổ gan, tiêu độc. Người bị bệnh tiểu đường dùng khổ qua rừng rất có lợi cho sức khỏe.
Hiện nay, người trồng khổ qua rừng không chỉ cung cấp trái cho các nhà hàng, quán ăn mà còn sấy khô làm trà giải nhiệt. Ngoài công dụng của trái, lá khổ qua rừng còn dùng làm thuốc hoặc nấu canh ăn rất có lợi cho sức khỏe.

Thiên Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét