25 thg 3, 2013

Độc đáo trinh nữ rước kiệu xoay hội làng Thổ Khối

Trong lễ hội làng Thổ Khối, để được chọn làm người rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà, các nam thanh, nữ tú được nhất định phải là đồng trinh.

Quãng đường rước "các ngài" từ đình làng Thổ Khối ra bến sông lấy nước rồi rước ngược về đình chỉ khoảng 2km, nhưng đoàn rước phải mất tới gần 2 giờ đồng hồ mới hoàn thành bởi cứ đi một đoạn ngắn kiệu lại xoay hoặc chạy ngược. Trong trang phục truyền thống, những cô gái chân yếu tay mềm hay cả những chàng trai khỏe mạnh đã phải rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước.


Kiệu Thánh Bà do 8 đồng nữ rước.


Cứ đi khoảng vài trăm mét, kiệu "Thánh Ông" và "Thánh Bà" lại chạy ngược lại hoặc xoay kiệu.

Những người già trong làng cho biết, khi kiệu xoay là "Thánh" đang vui.

Những cô gái chân yếu tay mềm đã rất vất vả để giữ thăng bằng cho kiệu.


Đối với kiệu của Thánh Ông và Thánh Bà, người được chọn rước bắt buộc phải là các đồng nam, đồng nữ và thuộc gia đình nề nếp văn hóa. Đây cũng chính là một nét đặc biệt của hội làng Thổ Khối, bởi có rất ít làng xã cho phép con gái rước kiệu. Cũng chính bởi điều này, dù biết đi rước sẽ rất mệt, nhưng những cô gái được chọn bao giờ cũng cảm thấy may mắn và tự hào.


Những giọt mồ hôi xen lẫn nụ cười tự hào của cô gái trẻ trong đoàn rước.

Nam thanh niên tuy khỏe mạnh hơn.


Nhưng cũng "khốn khổ" bởi kiệu xoay liên tục.

Cứ 5 năm một lần, vào các ngày mùng 8-9-10 tháng 2 âm lịch, làng Thổ Khối quận Long Biên, TP. Hà Nội lại tổ chức một kỳ hội lớn để suy tôn các vị thành hoàng làng Đào Duy Trinh và 5 vị công thần. Vào mùng 9 tức ngày chính hội làng sẽ tổ chức lễ rước kiệu vô cùng độc đáo và trang trọng. Với người dân Thổ Khối, ngày hội làng có ý nghĩa chẳng kém gì ngày Tết nên những người con của làng, dù đi đâu, ở đâu, những ngày này đều có gắng tề tựu đông đủ.


Trước khi làm lễ xin rước là màn múa lân đẹp mắt.

Tổng cộng trong lễ rước của hội làng Thổ Khối có 7 kiệu bao gồm 5 kiệu công thần và 2 kiệu Thánh Ông và Thánh Bà. Theo làng truyền lại, Thánh Ông tức thành hoàng Đào Duy Trinh và nhị vị Thánh Bà tức Xuân Dung phu nhân và Tùng Hoa phu nhân - phu nhân của vị thành hoàng.

Các cao niên trong làng vào đình xin làm lễ rước.

Thành phần hội tế sẽ là các vị cao niên đức cao trọng vọng trong làng. Còn kiệu của 5 vị công thần sẽ do các người đàn ông khỏe mạnh có tư cách tốt đảm nhận.


Những người đàn ông khỏe mạnh, tư cách tốt mới được lựa chọn để rước kiệu Thành Hoàng.


Thông tin về hội làng Thổ Khối
Làng Thổ Khối (nay là phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên) cách trung tâm Hà Nội 10km vốn là vùng đất rất cổ, không rõ khai phá từ thời nào.
Đình làng Thổ Khối thờ thành hoàng làng Đào Duy Trinh và 5 vị công thần Cao Sơn đại vương, Bố Cái đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Da đại vương và Dị Mệ đại vương.
Trước kia, theo lệ cứ 3 năm làng lại một kỳ mở hội lớn nhưng ngày nay đã kéo dài thành 5 năm một lần mở hội lớn. Tổng cộng trong lễ rước sẽ có 7 kiệu bao gồm 5 kiệu công thần và 2 kiệu Thánh ông và Thánh Bà.
Theo lệ làng, cỗ cúng kiêng không dùng gà trắng bởi đình làng thờ 2 vị Bạch Da đại vương và Dị Mệ đại vương, vốn xuất thân là người miền núi.
Trong 3 ngày hội, làng Thổ Khối diễn ra rất nhiều các loại hình văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian như đua thuyền, cờ người, bơi trải, tổ tôm điếm, hát chèo, ca trù, tuồng...
Chí Toàn - TTVN


Giải mã hiện tượng "kiệu bay"


Không ít người tin rằng có nguồn năng lượng huyền bí khiến cho kiệu bay trong các lễ rước kiệu và ở các buổi "nhập đồng". 

Vậy thực hư ra sao, Báo GĐ&XH Cuối tháng sẽ cùng các chuyên gia lý giải hiện tượng này dưới góc nhìn khoa học. 

Hình ảnh tại một buổi lễ rước kiệu. Ảnh mang tính chất minh họa.

Giải mã kiệu bay

Nhà nghiên cứu vật lý, TS Văn Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe cho rằng, nhiều người loan tin tại các lễ hội có trường năng lượng siêu nhiên có thể giúp con người khỏe mạnh... là hoàn toàn bịa đặt. Bởi tại các khu vực này không hề có trường năng lượng nào đặc biệt của thiên nhiên và môi trường tạo ra. Chẳng qua vì nhiều người tu tập, trong khi đó mỗi người đều có lượng nhiệt tỏa ra riêng, vì thế sẽ tạo ra lượng nhiệt bức xạ ra môi trường khiến mọi người thấy nóng ấm lên mà thôi. Cũng vì yếu tố nhiệt bức xạ từ đám đông này khá lớn nên nhiều ý tưởng về khoa học như thu lượng nhiệt này để làm sáng bóng đèn cho khu vực lễ hội... Khoa học thực hiện có thể đo mức năng lượng bức xạ bằng máy đo.

Lễ rước kiệu ở làng Hà Trì (Hà Đông), Hòa Mục (Cầu Giấy), Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) và nhiều nơi khác thường có hiện tượng kiệu bay. Nhiều khi, kiệu tự di chuyển, rồi xoay vòng khiến cho người khiêng không kiểm soát được. 


Người địa phương cho rằng, do thần hoặc thánh nhập vào người rước kiệu. Cũng có người tin rằng, có một nguồn năng lượng huyền bí nào đó đã giúp những chiếc kiệu này bay... 

TS Nguyễn Thị Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu con người (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, hiện tượng này có thể do yếu tố không cân xứng về trọng lực của những người khi khiêng kiệu. Cụ thể, chiếc kiệu được khiêng rất nặng, trong khi đó sức khỏe, chiều cao của đội khiêng kiệu mỗi người một khác nhau, từ đó dẫn đến trọng lượng kiệu không được dàn đều và trở nên khập khiễng, liêu xiêu. Ngoài ra, vì lễ hội thường diễn ra ở nông thôn nên địa bàn chỗ cao chỗ thấp, người xem kiệu đông dẫn đến xô đẩy, còn người khiêng không phải ai cũng chịu được sức nặng và giữ thăng bằng nên cảm tưởng kiệu bay được mô phỏng từ đó. 

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết, quan niệm kiệu bay có thể chỉ là sự ngộ nhận, chủ quan riêng của một số người mà thôi. 

GS.TS Nguyễn Văn Trị, Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải, hiện tượng kiệu quay có thể được thực hiện nhờ Định luật bảo toàn mômen động lực, trong đó 8 người khênh đều thống nhất với nhau. Đây là trạng thái thăng hoa cao độ của con người, gần giống như hình ảnh những người đứng trên không trung. Nhờ sự cân bằng của chiếc gậy nên họ có thể biểu diễn nhiều động tác trên không trung, cả mấy tiếng đồng hồ mà không sợ rơi. 

Lên đồng đang bị biến tướng 

TS Nguyễn Thị Ngọc Mai là người nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ về đề tài này, cho rằng lên đồng ngày nay chủ yếu là lên đồng biểu diễn nghi lễ. Hiện tượng lên đồng xuất hiện khả năng tâm linh vẫn xảy ra đây đó với người này, người kia nhưng rất hiếm hoi. 

TS Mai khẳng định, lên đồng có nguồn gốc xa xưa mà hình thức của nó chính là những ma thuật cổ. Lên đồng ban đầu là hiện tượng xác cốt (sự gọi dậy các linh hồn tổ tiên đã ra đi hay còn gọi là sự thâm nhập của các linh hồn người đã chết). Ở thời kỳ ban đầu, lên đồng liên quan chặt chẽ đến các sư công (pháp sư) - người có khả năng tự thôi miên mình và thôi miên người khác. 

Ngày nay lên đồng rất phổ biến, các chủ thể cũng mở rộng với nhiều týp người với những căn tính và nguyên do khác nhau mà đến với nghi lễ và tham gia thực hành nghi lễ. Lên đồng ngày nay cũng chịu tác động mạnh của kinh tế thị trường vì thế biến đổi rất nhiều cả về nội dung, bản chất và hình thức diễn xướng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ kiệu bay được là do yếu tố không cân xứng về trọng lực. Ảnh mang tính chất minh họa.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu tiềm năng con người, ông Nguyễn Phúc Giác Hải giải thích, lên đồng thực chất là hiện tượng đưa mình vào trạng thái để nhận thông tin từ nhiều miền khác nhau như từ người khác, vũ trụ... Đó cũng chính là sự thôi miên một cách thụ động không có chủ định. Vì có khả năng thôi miên nên không phải ai cũng có thể nhập đồng được. 

Thu Hiền

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét