16 thg 3, 2013

Đường 9 những góc khuất

Lao Bảo còn bao ngổn ngang khi đi trên con đường đến với giấc mơ "đô thị vàng"?

1. Chúng tôi lên Lao Bảo từ ngã ba quốc lộ 1A - đường 9 ở TP. Đông Hà, tỉnh lị tỉnh Quảng Trị trong cảnh mưa phùn gió bấc. Con đường vắt mình qua bao địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến giữ nước lần thứ hai, như Đầu Mầu, Tà Cơn, Làng Vây, Krông Klang...

Một góc cung đường Lao Bảo vắng bóng khách khứa

Qua khỏi thị trấn Cam Lộ, đường 9 như chạy song song với sông Dắkrông. Con sông lúc cạn lúc sâu, cứ chảy dùng dằng như không muốn rời đường 9.

Bởi vậy mà một người Vân Kiều ở thị trấn Krông Klang đã nói: “Người Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, người Kinh ở Khe Sanh rồi Hướng Hóa là anh em, vạn đời vạn kiếp là anh em như đường 9 với con sông Dắkrông này”.

Đường 9 chung thủy, con sông chung thủy, lòng người chung thủy, nhưng đời sống của bà con các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi và không ít người Kinh di dân từ đồng bằng Quảng Trị lên vẫn không mấy khấm khá, vẫn là những căn nhà lụp xụp bên các triền núi không còn rừng, lở lói, mờ ảo trong mưa dầm.

Một người Vân Kiều xin ăn ở khu chợ Ngày và Đêm

Hồ Ao, một cư dân thị trấn Krông Klang vừa gùi sắn mót được trên rẫy về, nói: “Mình phấn đấu cả năm nhưng năm nay đất trời khó tính, nhà chẳng dư dả chi để sắm Tết cho con cái. Mấy đứa nhỏ tội lắm, chỉ có mấy cái bánh tét, còn áo quần mới không có tiền mua, vì mùa vụ năm ni không ăn chung rồi”.

Những tộc người sống hai bên đường 9 luôn sống thật bụng. Được mùa, họ ăn Tết to, cuộc sống khó khăn, họ phải thích nghi để tồn tại. Lòng người như dòng chảy của sông, nước sâu chảy xiết, nước nông chảy chậm để giữ lại mạch nguồn dự trữ cho cái lúa, cái ngô được sinh tồn, cầm chừng cho cái bụng không bị quá đói.

2. Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, nằm tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo.

Khách sạn Sepon mùa cuối năm

Đối diện với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở bên kia đường biên giới là cửa khẩu Den Savanh của Lào, có khu thương mại cùng tên. Hai khu này là một nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo cuối năm đón khá nhiều du khách lên đây. Siêu thị rộng thênh thang, vào mua hàng được giám sát bởi vô số ánh mắt của nhân viên và hàng loạt camera an ninh nhằm chống mất trộm.

Tiếng là siêu thị miễn thuế nhưng các mặt hàng đắt hơn ở khu chợ Ngày và Đêm bên cạnh. Những tưởng đắt hơn sẽ thật hơn, nhưng chúng tôi ngỡ ngàng khi mua bốn chai rượu vang Mỹ đã không uống được chai nào. Vị chua lét, nặng mùi cồn. Đành phải bỏ cả bốn chai rượu với giá 254.000 đồng/chai.

Mà đâu phải mình tôi mua đồ giả. Đã có bao du khách mua phải rượu mạnh ghi nhãn bên trời tây nhưng sản xuất ở Bangkok, Chợ Lớn bằng cồn mía pha hương liệu.

Thuốc lá mang những thương hiệu nổi tiếng của Anh, của Mỹ, của Thái... cũng vậy, có khi chúng được sản xuất bằng thủ công ngay Đông Hà, Viên Chăn, chỉ có vỏ bao là thật.

Nhưng cách mà cư dân nơi khác đến trục lợi trên thương hiệu Lao Bảo mới là điều đáng ngại nhất. Gạo từ miền Nam chở ra được đánh bóng trắng sáng, người bán rao giá là gạo Thái Lan, gạo Lào, tất nhiên là giá cao hơn nhiều gạo trong nước.

Rồi những người bán dầu xả áo quần dùng ống tiêm loại lớn hút bớt mỗi lần gần nửa chai, rồi bơm nước lạnh vào để tăng phần siêu lời. Xà bông bột, bột ngọt cũng vậy, chúng bị rút ruột, thay vào đó là bột khoai mì...

Lao Bảo còn là “chợ tiền” nhộn nhịp nhất nước, đô Mỹ, đô Sing, kíp Lào, bạt Thái, kyak Myanmar, đồng Việt, đổi bao nhiêu cũng có. Dân địa phương dùng danh “con xơng” để chỉ các cô, các bà tay mang túi xách, mặt đeo khẩu trang, thường tụ tập ở hai bên cánh gà cửa khẩu, bến xe để chào mời khách du lịch, khách quá cảnh đổi tiền.

Đội quân này có đến cả trăm người, có chung một mục tiêu là “mua chín bán mười”. Có một điều dường như đã thành luật bất thành văn của những người làm nghề này là giá cả ngoại tệ so với tiền Việt được thống nhất trong ngày, tuyệt đối không một ai phá giá để giành khách của người khác.

Mức giá này sáng sớm được quyết bởi tỷ giá giao dịch ở các đầu nậu bên chợ Karol sát biên giới của Lào. Nếu ai hạ giá để giật khách, hôm sau người đó sẽ bị “cô lập” hoặc bị loại khỏi nhóm. Chính vì luật “buôn có bạn, bán có phường” này nên hành khách đổi ngoại tệ thường bị ép giá.

3. Đường 9 và “khu đô thị vàng” Lao Bảo còn là nơi nổi tiếng buôn lậu, chủ yếu là thuốc lá Jet, mỗi ngày không dưới nghìn thùng. Buôn lậu hình như tăng theo tỷ lệ thuận với người ăn xin, ngày càng có nhiều người ăn xin. Họ là những tộc người sống dọc đường 9.

Một góc đô thị vàng khác hẳn với cảnh khó của nhiều người.

Xuất nhập khẩu qua lại Lao Bảo năm 2010 đạt 365 triệu USD, thu thuế đạt 390 tỷ đồng, nhưng khoảng cách giàu nghèo của đồng bào dọc con đường chiến lược này ngày một dang rộng. Lợi ích chủ yếu vào tay các đầu nậu và những người buôn bán lớn.

Bà Hồ Lon, người Pa Cô, đã hơn 80 tuổi, từng bám núi bám rừng Hương Hóa nuôi bộ đội, du kích đánh giặc, bây giờ mỗi ngày phải ra “khu đô thị vàng” xin từng đồng bạc lẻ của du khách để sống qua ngày.

Bà nói: “Không biết sống thế nào, chỉ biết đi được thì đi xin ăn thôi”. Cùng cảnh ngộ với bà là nhiều mảnh đời khốn cùng khác, như Hồ In, Hồ Von, Pả Viu...

Nhiều phụ nữ Lao Bảo địu con trên lưng đi xin ăn. Họ chỉ biết cái lợi của khu đô thị đặc biệt này là có được những đồng tiền lẻ! Từ một vài người xin ăn, sống được, nay đội quân ăn xin đã “đông như quân Nguyên”.

Đó là hình ảnh mà ai đến đây cũng phải đặt câu hỏi vì sao. Và câu trả lời phải là chính quyền địa phương chứ không phải từng ngàn lẻ phát chẩn của du khách. Đường 9 rộng lớn, phẳng phiu không đủ giúp bao người thoát cảnh nghèo, nghèo đến mức trong từng xóm nhỏ đìu hiu, nhiều bữa không có cơm ăn.



Hành lang Kinh tế Đông - Tây (tiếng Anh: East-West Economic Corridor - EWEC) là một sáng kiến được nêu ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ tám tổ chức tại Manila (Philippines) nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.
Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006, dựa trên tuyến giao thông đường bộ dài 1.450km, nối từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanma) qua Thái Lan, Lào và TP. Đà Nẵng, trong đó gần 100km đường 9 là rất quan trọng. Vì thế, cuối đường 9, ngay biên giới Việt - Lào, Chính phủ đã cho xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, và Lao Bảo đã trở thành một “đô thị vàng”, nơi có cửa khẩu quốc tế, siêu thị miễn thuế, thu hút khá nhiều nhà đầu tư đến xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh, do được hưởng một số ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ưu đãi theo chính sách phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

HÀN THƯ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét