16 thg 3, 2013

Miên man Tam Giang

Không hiểu sao mỗi lần về phá Tam Giang lòng tôi lại rạo rực khôn tả. Hình như sông nước, đò giang nơi này gọi mình.

Mới đây, tôi cùng mấy anh bạn nhà báo ở Sài Gòn ra, đến một bến thuyền xã Quảng Lợi bên phá Tam Giang, nơi có một nhà hàng đầy gió biển và các món đặc sản đầm phá tươi rói, nhưng ăn nhậu không thú bằng ngắm Tam Giang chiều xuống.

Một góc phá Tam Giang

Sóng nước long lanh như mắt người. Đêm đi chơi trăng uống rượu với ốc nướng trên đò, dường như tất cả ánh trăng trên thế gian đều đổ xuống Tam Giang, cảm thấy mình đang trở thành “người trời”.


1. Tôi có nhiều ký ức với Tam Giang. Năm 1977, anh trai đầu của tôi, một kế toán trưởng hợp tác xã nghề cá ở làng biển Thượng Luật (xã Ngư Thủy, Quảng Bình) được điều động vào Quảng Điền để “chỉ đạo” thành lập hợp tác xã nghề cá. Anh tôi ở với bà con ngư dân xã Quảng Ngạn bên kia phá Tam Giang. Mỗi lần đi thăm anh, tôi phải đạp xe đạp mấy chục cây số ra Sịa mới tới được bến đò bờ bên ni phá.

Tôi nhiều lần qua phá Tam Giang để viết về ông tổ nghề nuôi tôm ở phá Tam Giang Phan Thế Phương, viết về nhà thơ Phan Trung Thành, hoặc đi chơi theo bè bạn rủ rê. Nhà thơ Hải Kỳ ở Đồng Hới, là bạn tri kỷ của tôi có cha ở Sịa. Trước năm 1949, cha Hải Kỳ là ông Trần Toàn làm nghề lái xe tuyến Đồng Hới - Huế, đưa vợ con vào Huế ở.

Năm 1954, ông Toàn cho vợ con ra thăm quê nội, rồi sông Hiền Lương bị chia cắt, ông kẹt lại ở Huế. Ông Toàn lui về sống ở Sịa, bên phá Tam Giang, chỉ cách Đồng Hới 150 cây số mà đành xa vợ con hơn 20 năm đằng đẵng. Sau năm 1975, Hải Kỳ mới tìm gặp cha. Mỗi lần Hải Kỳ vô thăm cha lại rủ tôi cùng đi.

Từ đó tôi hiểu biết thêm về Sịa, thị trấn có lịch sử văn hóa mấy trăm năm bên phá Tam Giang.

Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa với tôi thì về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn

Chợ Sịa (xưa là chợ Ngũ Xã) là một chợ lớn ở phía bắc Huế. Dọc phá Tam Giang - Cầu Hai có mấy chợ lớn chỉ xếp sau chợ Đông Ba là chợ Sịa, chợ Mỹ Lợi, chợ Vinh Thanh. “Sịa”, chữ Nôm nghĩa là đồ đan bằng tre, dùng để phơi cau. Không hiểu sao tên vật dụng làm bằng thủ công ấy lại thành tên một vùng đất. Có lẽ xưa kia Sịa là nơi trồng nhiều cau chăng?

Cái tên nôm na ấy nổi tiếng hàng trăm năm nay. Người ta hay nói “Nhất Huế nhì Sịa”. Các mệ Huế cho rằng, nói rứa là để chọc ghẹo dân Sịa thường hay khoe, hay nói trạng về quê mình. "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về".

Trên thực tế, mức độ sầm uất, giàu có thì “Nhất Huế nhì Sịa” thật! Cái gì ở Huế có thì Sịa cũng có, cũng hay không kém. Sịa có hò mái nhì, mái đẩy, hò giã gạo, có hội kéo co, chơi đu, đua ghe, hội vật Thủ Lễ đầu xuân hấp dẫn không kém hội vật làng Sình.

Về ẩm thực, Sịa có bánh tráng, bánh ô sa, bánh ướt, tôm chua... ngon không đâu sánh bằng. Đặc biệt, các món hải sản của phá Tam Giang với đủ thứ tươi ngon nức tiếng: Cá dìa, cá nâu, cá hanh, lệch huyết, lệch mỡ, cua gạch...

Đất Tam Giang là đất học, đất làm quan. Vùng đất sông nước phá Tam Giang nắng gió ấy là nơi sinh ra những người con lừng danh của dân tộc, như Đặng Tất, Đăng Dung, Trần Thúc Nhẫn, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu...

Năm Cảnh Thịnh thứ sáu (1797), riêng làng Thủ Lễ đã có đến 54 người được triều Tây Sơn bổ làm quan. Làng Thủ Lễ của Sịa có đền Văn Thánh, Võ Thánh sánh với hai đền này ở kinh đô Huế, đình làng Thủ Lễ có lịch sử gần 150 năm, là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nhắc chút ít lịch sử vùng đất Tam Giang để hiểu thêm rằng, đây là miền trầm tích văn hóa cần phục hồi...

2. Phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích 22.000ha, dài 70km, từ cửa sông Ô Lâu, đầu huyện Phong Điền đến chân đèo Hải Vân. Vùng đất ngập mặn mênh mông lớn nhất Đông Nam Á này là tài nguyên kinh tế - du lịch lớn.

Bia đá thời Minh Mạng cắm ở Cầu Hai khẳng định sự giàu có của phá Tam Giang

Theo điều tra, vùng đầm phá này có nguồn động vật cao nhất so với các đầm phá ở Việt Nam, gồm 921 loài thuộc 444 chi, giống và 237 họ. Riêng chim có 73 loài, trong đó có 30 loài di cư, 230 loài cá với 23 loài cá kinh tế, 12 loài tôm, 18 loài cua, cùng nhiều loại nhuyễn thể quý, như sò huyết...

Trữ lượng tôm cá hằng trăm ngàn tấn, với các loại cá quý như mú, dìa long, dìa vân, nâu, chim, đối, buôi, hanh... Thời Minh Mạng, nhà vua đã cho khắc bia đá cắm ở đầm Cầu Hai, phần cuối phá Tam Giang, khẳng định nơi đây là mặt nước giàu có. Tấm bia hiện vẫn còn.

Tam Giang là nơi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản lớn. Nhưng do quản lý không tốt nên mấy năm qua đã xuất hiện nhiều nghề tận thu, hủy diệt thủy sản như nghề rà điện, xuyệc điện, nghề lừ xếp (do Trung Quốc sản xuất) đã khiến cho vòng đời sinh học các loài bị cắt đứt, nguồn lợi đang giảm dần.

Lại thêm số ao nuôi tôm cá dày đặc, thức ăn thừa và hóa chất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực chấn chỉnh việc này.

Chỉ riêng các loài chim ở Tam Giang thôi cũng là cả một thế giới. Ở đây chim nước tập trung mật độ cao thành sân chim ở ba khu vực là cửa sông Ô Lâu, sông Truồi và đầm Sam. Vào mùa đông, số lượng chim có thể lên đến hai vạn con.

Người ta đã từng bắt gặp những đàn ngỗng trời 500 con, vịt trời 1.000 con, sâm cầm có đàn tới 3.000 con. Chim quý hiếm như diệc lửa, ó lá, cắt lưng hung, chắt đốm đen, choi choi nhỏ, choi choi khoang cổ, nhạn đen, nhạn bụng trắng, bòng chanh, chìa vôi vàng, chìa vôi trắng, sẻ đồng ngực vàng..., trong đó sâm cầm là loài chim có giá trị kinh tế cao.

Anh Hồ Xuân Bình, Phó ban tuyên giáo tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, một người rất thạo về Tam Giang, cho biết: Sâm cầm (một loài với le le, vịt trời, có nơi gọi là gà nước) ở sân chim Quảng Thái nơi cửa sông Ô Lâu không thua kém sâm cầm Hồ Tây.

Sâm cầm Tam Giang béo, mập vì có nhiều thức ăn trên đầm phá từ ba con sông đổ về. Sâm cầm là chim di cư trốn rét từ phương Bắc về. Hà Nội có năm loại đặc sản nổi tiếng là dưa La, húng Láng, ngổ Đầm, cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây.

Hồ Xuân Bình kể, ở sân chim Ô Lâu, có nhiều người đêm đêm đội bèo trôi trên phá để săn sâm cầm. Có đêm họ săn được mấy chục con. Người Hà Nội biếu tiền triệu không thích bằng được gửi tặng vài con sâm cầm. Nhưng nếu săn bắn nhiều quá, chim sợ sẽ không bay về các sân chim trên phá Tam Giang nữa!

Phá Tam Giang là tài nguyên du lịch lớn chưa được khai thác. Từ Huế, khách du lịch có thể đi đò tham quan các di tích, danh thắng trên Tam Giang như làng cổ Phước Tích ở Phong Điền; làng nghề đan lát Bao La; làng Ngư Mỹ Thạnh đan lưới, làm mắm; tham quan sân chim Quảng Thái ở cửa sông Ô Lâu; tham quan nhà chồ Tam Giang còn sót lại của ông Phan Trai ở Quảng Ngạn.

Từ xa xưa, nhà chồ là nhà ở của cư dân vạn đò trên Tam Giang, là loại nhà dựng trên nước. Sau trận lụt kinh hoàng năm 1999, tất cả nhà chồ đều bị bão lũ cuốn tơi bời, nên chính quyền không cho dựng nhà chồ nữa, phân đất cho bà con lên định cư trên bờ. Chỉ còn lại một ngôi nhà chồ duy nhất của ông Phan Trai trụ vững qua bão, gia đình nhất quyết không chuyển lên bờ.

Ngôi nhà chồ duy nhất còn lại trên phá Tam Giang

Và chính quyền cũng đồng ý để cái nhà chồ “làm chứng tích văn hóa nhà ở vùng đầm phá”. Thế là ngôi nhà thành “đặc sản”, một nét văn hóa của dân vạn đò còn lưu dấu... Du khách cũng có thể tham quan ba hồ nước ngọt tại Hải Dương, thăm tháp Chăm Phú Diên, khu lăng mộ An Bằng (Phú Vang), chùa Túy Vân, làng Mỹ Lợi (Phú Lộc) hay câu cá qua đêm trên phá Tam Giang - Cầu Hai.

3. Bây giờ thì qua phá Tam Giang - Cầu Hai có đến bốn chiếc cầu hiện đại: Trường Hà, Tư Hiên, Thuận An, Ca Cút. Tam Giang như gần lại trong mỗi bước chân người. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu để trở thành “Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, thì những chiếc cầu bắc qua Tam Giang - Cầu Hai ấy là đầu mối đưa phố thị về với phá, về với miền quê sông nước.

Tôi cứ mường tượng Tam Giang sau này sẽ thành ”biển đẹp” giữa lòng thành phố. Sẽ có những phố thị hiện đại mọc lên hai bên bờ phá. Rồi vườn hoa, vườn tượng, nhà bảo tàng các danh nhân vùng Tam Giang, khu vui chơi giải trí, siêu thị... Lúc đó sẽ không còn cảnh nò sáo chằng chịt như ma trận bây giờ.

Cư dân Tam Giang sẽ làm việc trên các hồ nuôi trồng thủy sản, trong các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong các khu du lịch. Tam Giang sẽ xanh trong mênh mông trở lại, cá tôm sẽ sinh sôi trở lại.

Trên phá người ta sẽ xây dựng những cụm tượng đài, những hòn non bộ, những cụm nhà chồ như những bảo tàng Tam Giang thu nhỏ để phục vụ khách du lịch. Lướt trên phá là những con thuyền phụng, thuyền rồng chở khách du lịch...

Những sân chim, những khu rừng ngập nước sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, làm cho mênh mông sóng dữ Tam Giang trở nên thân thiết, gần gũi với con người.

Không biết tôi có mơ mộng quá không, hay vì gió nước Tam Giang thầm thì với tôi như vậy...


MINH KHÔI

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét