17 thg 3, 2013

Tết buộc tình

Dọc đường 12A, bên dưới núi Giăng Màn, ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cổ tay người Khùa nào cũng có một sợi chỉ chắc như sợi mây rừng. Đó là sợi chỉ buộc tình dân bản với nhau, sợi chỉ buộc tình dòng họ, vợ chồng, con cái, cây cỏ, hoa lá để nhớ nhau như con chim thương núi, như con cá thương nước.

Người Khùa đi chơi Tết buộc mình

Nếu bạn đến bản làng của người Khùa vào tháng Giêng hoặc tháng Hai Âm lịch sẽ gặp Tết buộc tình, hay còn gọi là Tết buộc chỉ cổ tay mà tiếng Khùa gọi là "rít chọo aty", được hiểu theo nghĩa khác nữa là Tết của dòng họ.
Người Khùa tổ chức lễ buộc tình một lần trong năm gọi là lễ tiểu, ba năm một lần gọi là lễ đại. Mỗi lần như vậy đều có mâm cúng, thường là xôi nếp và gà trống luộc.

Cả gia đình khấn cúng thần rừng, thần ma, thần cuộc sống rồi buộc chỉ vào cổ tay cho nhau. Ông Hồ Kết, một cư dân ở Trọng Hóa kể:

“Năm nào mình cũng tổ chức lễ tiểu. Mình khấn mưa thuận gió hòa; khấn cho con người sống có nghĩa trước sau, con trai, con gái lớn lên có tình cảm thiệt thà, có cái lòng chung thuỷ; khấn cho cái rẫy được thóc, được ngô. Khấn rồi mình gọi cả nhà đến bên mâm lễ cạnh bếp lửa, mời thần lửa chứng giám lễ buộc tình cha con, buộc tình vợ chồng”.

Vào mùa buộc tình, con trai, con gái người Khùa trưởng thành hẹn hò nhau vào cổng Tình yêu trong dãy Giăng Màn. Nơi đó có sự tích rằng: Ngày xưa, ở nơi đây, vào một mùa rẫy, già làng Pa Looc tổ chức đám cưới cho chàng Thoong Ma và Dy Leng.

Thoong Ma háo hức qua sông đón nàng Dy Leng, nhưng thuyền ra giữa dòng thì gặp lốc xoáy làm chàng rơi xuống nước. Nàng Dy Leng đứng trên bờ thấy vậy, nhảy xuống sông cứu người yêu nhưng rồi cũng bị nước cuốn trôi.

Thoong Ma vật lộn với sóng nước, kiếm tìm người yêu, nhưng nàng bị một con thuồng luồng bắt vào hang đá. Chàng Thoong Ma nghe lời khuyên của già làng Pa Looc, lên núi gánh đá về lấp cửa hang để chặn đường ra của con thuồng luồng bắt mất người yêu của mình.

Chàng gánh đá về đến nơi thì đòn gánh gãy, hai hòn đá rơi xuống, cụng đầu vào nhau tạo nên một cái cổng. Thoong Ma cũng hóa đá. Về sau, để nhớ đến mối tình thủy chung của đôi trai gái ấy, người Khùa đã đặt cho nơi này cái tên là cổng Tình yêu.

Con trai, con gái đến cổng Tình yêu, hát: “Nước trên nguồn khi trong khi đục, núi Giăng Màn khi tỏ khi khuất, mây trên trời khi bay khi đứng nhưng lòng người đã yêu nhau rồi thì chung thủy không phai”. Những điệu tình phiêu diêu thâu đêm cùng gió núi mơn man. Cặp nào hợp nhau qua điệu hát, tiếng khèn, sẽ tự tình buộc chỉ cổ tay cho nhau, hẹn năm sau bỏ của cưới nhau về cùng sống thủy chung bên suối, bên nương.

Người Khùa cũng cho rằng, ngoài vong linh ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng hòa quyện với đất trời, với thế giới tâm linh, thể hiện tấm lòng nhân ái, bao dung của những người đang sống dành cho người đã khuất.

Vì thế, họ cũng có lễ “buộc chỉ cho ma”, được cử hành ba năm một lần. Chỉ một người uy tín nhất trong dòng họ được thầy cúng cho buộc chỉ với ma để giữ tình cảm với người đã khuất.

Tổ chức lễ đại thì có thêm một thủ lợn, xung quanh cắm 10 cây đăng nhỏ được làm bằng sáp ong rừng (người Khùa gọi là tiên). Trên mâm xôi có bốn lá trầu kết thành hình chóp nón (gọi là xộp pa lu), chính giữa cắm một cây đăng cái cao khoảng 40cm và xung quanh đặt các sản vật được trồng trên nương rẫy.

Mâm lễ cúng đại trong lễ buộc tình giữa người với ma

Phía dưới mâm lễ chính có hai chiếc khay, một chiếc đựng các lễ vật gồm: ba nén bạc, hai tấm vi pha khen (vải kẻ ca rô màu tím, dùng may váy cho đàn ông), hai tấm vi pha xa loong (vải sọc đen trắng, dùng may váy cho phụ nữ) và chỉ cuộn bằng sợi thô tự dệt.

Chiếc khay thứ hai gọi là khăăn, dùng để đựng các lễ vật cho thầy cúng (gọi là a loong ra vi ay), gồm: một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc, bốn cây đăng và một ché rượu cần. Lễ cúng được tiến hành trong khoảng 40 phút.

Trước khi làm lễ, từ sáng sớm, ông chủ tộc đã chuẩn bị một mâm xôi, gà để tế thổ thần đất đai và ông bà tổ tiên. Trong lễ hội "rít chọo aty" sẽ có một người khách mời ngoài dòng tộc (a nha rít) để điều hành buổi lễ.

Người già được buộc chỉ cổ tay

Họ cúng, họ khấn cho đến khi chiếc chuông của thầy cúng treo ở cửa sổ ma rung lên, giờ buộc chỉ cổ tay cho người quan trọng của dòng họ đã điểm.

Thầy cúng vừa buộc, vừa sai người xuống dưới nhà sàn đốt một điếu thuốc lá vấn thật to, như thông báo với núi rừng, với thế giới tâm linh tình cảm người sống với người đã khuất bền chặt như cây rừng, cây này già đi thì cây khác trưởng thành, thay thế và nối tiếp đời đời.

Tết buộc tình là mạch nguồn ngàn đời của người Khùa trên núi rừng miền tây Quảng Bình. Người Khùa có câu: “Con chim không quên tổ, người Khùa không quên tông”. Đó là phương châm sống của tộc người có nền văn hóa đa sắc, thấm đẫm tính nhân văn.


MINH PHONG

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét