13 thg 3, 2013

Ta nhớ xứ Cùa...

Không hiểu sao khi đọc câu thơ Ta nhớ xứ Đoài mây trắng lắm trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, tôi hay liên tưởng đến xứ Cùa của Quảng Trị. 

Đường Cùa dáng mẹ - Ảnh: Lê Bá Dương 

Xứ Đoài đất Bắc nằm ở phía tây, xứ Cùa cũng nằm ở phía tây, xứ Đoài đất Bắc có đất đá ong khô óng sắc nâu đỏ, xứ Cùa của Quảng Trị cũng óng đỏ màu đất bazan. Và xứ Cùa, “kinh đô kháng chiến” gần 130 năm trước của vua Hàm Nghi, căn cứ chiến khu của một thời kháng Pháp, là một miền cây trái ngọt lành giữa cằn khô của đất Quảng Trị vốn chỉ nổi tiếng với gió Lào cát trắng.


Con đường ký ức

Khách du lịch xuyên Á dập dìu trên quốc lộ 9, qua cửa khẩu Lao Bảo rồi sang Lào ngược lên Vientiane, Luang Prabang hay qua cầu Hữu Nghị 2 ở biên giới Thái - Lào xuyên lên vùng đông bắc Thái Lan, qua Myanmar... ít người biết rằng mình đã đi qua một con đường lịch sử. Từ Đông Hà, chạy đến km14, theo con đường phía tay trái uốn lượn như dải lụa mềm vắt qua những sườn đồi thoai thoải chỉ 7km là đã đặt chân tới vùng Cùa.

Cùa là tên gọi từ xưa, nghe âm vang chất dân dã và hoang vu, còn trên bản đồ hành chính, đây là địa bàn hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Từ ngã ba quốc lộ 9 vào Cùa, ngày xưa là con đường đất đỏ giữa lúp xúp sim mua. Tôi nhớ mãi tấm hình của nhà báo Lê Bá Dương chụp quãng đường cong eo thắt hình chữ S này. Trên eo thắt là hình ảnh một người mẹ xứ Cùa đội chiếc nón lá trĩu nặng quang gánh trên vai. Một khúc đường thôi mà chất chứa trọn vẹn câu chuyện tảo tần xứ sở.

Thật lạ kỳ khi giữa cằn cỗi gió nắng, đất xứ Cùa lại mỡ màu với những vườn cây trái sum suê ngọt lành, những con đường rợp bóng cây, đặc biệt những cây mít chi chít, lúc lỉu trái. Mít, một ấn chỉ xứ Cùa xưa, những cây mít cổ thụ vài trăm năm tuổi đã góp sức cho một “đặc sản kiến trúc” xứ Huế: nhà rường! Những ngôi nhà rường còn lưu dấu đến nay ở một số phủ đệ hay những làng cổ nổi tiếng Phước Tích, Mỹ Xuyên... hầu hết được cất từ thứ gỗ mít trồng trên đất bazan xứ Cùa. Màu gỗ mít ấy làm tôn lên vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc nhà rường, cổ kính và đậm chất “quý tộc”.

Đầu thế kỷ 20, nhiều “quan Tây” đã chọn vùng đất này để xây dựng đồn điền trồng cà phê, hồ tiêu. Trên con đường từ ngã ba quốc lộ 9 vào Cùa, sau mấy quãng đèo, khách sẽ bất ngờ với một bình nguyên đất đỏ rộng lớn. Bên tay trái là những ngôi nhà lầu đã hoang tàn vì đạn bom thời chiến tranh khốc liệt. Những căn nhà lầu mang đậm dấu ấn thời thuộc địa nằm chơ vơ giữa miền đất bazan này cũng của chính những nhân vật đã từng được nhắc đến trong lịch sử như ngôi nhà của bà Cả Lễ, chị cả của ông Ngô Đình Diệm. Đây cũng là một đồn điền xưa của gia đình bà Cả Lễ.

Hương vị đất Cùa

Vào tới trung tâm vùng Cùa sẽ thấy bóng tán mít vây bọc những vuông vườn dâu da, cam, bưởi, ổi... Dưới nữa là những khóm dứa trái mập căng, ngọt lừ. Còn gì sung sướng hơn khi giữa trưa nóng rát, ngả lưng dưới bóng rợp vườn xưa và thưởng thức những cây trái ngọt lành chắt chiu từ vị đất đỏ xứ Cùa.

Tuy số lượng không nhiều nhưng chất lượng hồ tiêu xứ Cùa được xếp vào hàng bậc nhất VN. Hồ tiêu ở đây cay và thơm không chỉ vì trồng trên đất đỏ mà có một thứ phân bón làm chất lượng hồ tiêu đạt đẳng cấp, đó là nguồn phân dơi từ những lèn đá vùng Tân Lâm cạnh bên. Những hang động phân dơi lưu cữu ngàn năm qua trở thành nguồn phân bón khiến chất lượng tiêu xứ Cùa được xếp vào hàng “thượng thừa” về độ nồng cay và thơm.

Chè xanh xứ Cùa cũng là một đặc sản, nhưng mấy năm gần đây chè “vằng” mới thật sự lên ngôi. Vằng là một loại cây leo, trong nam dược gọi là “hoàng đằng”, mọc nhiều ở vùng này. Xưa người dân vẫn lấy về nấu nước uống, công dụng mát gan, tiêu mỡ, tốt cho hệ tiêu hóa, gan thận... Khi đã chán chê với những thức uống quen thuộc, thứ lá vằng bỗng thành “đặc sản”. Không thể bán nguyên cả cây lá, người dân nơi đây lại khéo léo mở những lò nấu “cao lá vằng”, vài tạ lá thân cành rễ... được sắc cô đặc lại thành tấm, thành bánh, gọi là “cao”.

Thay vì nấu nướng phiền phức, chỉ cần cắt một mảnh nhỏ cao này, cho vào một ấm nước sôi là có ngay một ấm chè lá vằng. Vừa thuốc thang cho cơ thể, vừa thưởng thức cái vị đắng nhân nhẫn nhưng khi trôi qua cổ họng lại có dư vị ngọt thanh của cây rừng. Cao lá vằng hay “chè vằng” xứ Cùa giờ lại nức tiếng, mỗi năm hàng tấn thức uống cao lá vằng tỏa đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Người quê tha xứ, bôn ba góc bể chân trời, có một ấm chè vằng, nghe cả một miền ký ức đồi bãi hoang sơ nơi miền quê gió cát vọng về...
“Thủ đô kháng chiến” của vua Hàm Nghi 

Những đồn điền một thời với những căn lầu chứng tích - Ảnh: Lê Đức Dục

Đến Cùa không thể không đến Tân Sở, khu thành xưa vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương. Qua bao dâu bể, thành quách xưa chỉ còn dấu tích những lũy tre bảo bọc vây quanh, những viên gạch vồ xây thành cũng đã hoang tàn vì bom đạn, vài nhà dân ở quanh đó nhặt về để ở góc sân như nhắc nhớ một quá vãng oai hùng của xứ sở.

Tôi cúi xuống bên những viên gạch vồ với kích thước không lẫn vào đâu được đã xanh sắc rêu im lặng trong góc vườn. Một kinh đô kháng chiến được nhắc nhiều trong sử sách nay chỉ còn lại vài viên gạch lẻ loi thế này thôi ư?

Nhìn ra mênh mông bình nguyên, chập chùng đồi núi vây bọc bốn bề, chốn hiểm địa chở che cho Tổ quốc buổi sơn hà nguy biến. Ngước lên cao xanh, thấy như đắc tội muôn vàn với tiền nhân...



LÊ ĐỨC DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét