16 thg 3, 2013

Giấc mơ phố xá không đông người...

Bán đảo Sơn Trà, từ cả trăm năm nay sừng sững như chiếc bình phong che chắn gió mùa Đông Bắc, mưa bão cho TP. Đà Nẵng, rộng chừng trên 60km2, ôm trọn lấy vịnh Đà Nẵng và hướng ra biển Đông luôn đóng cửa.

Chỉ mới tám năm nay, Sơn Trà được mở cửa để phục vụ các mục đích dân sự. Tám năm khám phá bán đảo này, người ta vẫn không ngớt ngạc nhiên bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, vịnh biển, mây trời trong một khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp.



Anh Đoàn Huy Giao vốn là đạo diễn phim tài liệu, tám năm trước đã lên Sơn Trà hoang vắng đón đầu cơ hội xây dựng một khu nghỉ mát nho nhỏ. Trang trại chỉ rộng 2hecta bây giờ đã ra hình dáng một resort xinh đẹp giữa khu bảo tồn thiên nhiên, với những mái nhà cổ xứ Quảng, với biệt thự đá kiểu Pháp, những nhà sàn Tây Nguyên, những róc rách suối chảy.
Mặc cho bán đảo ngày càng nhốn nháo những resort, nhà hàng hải sản, xe du lịch đầy ắp khách lên chùa thắp hương, trang trại của nhà làm phim vẫn yên tĩnh, quyết liệt từ chối những đề nghị hợp tác kinh doanh tiền về như nước!

Anh đã can đảm bước qua những ngày khó khăn nhất, bước qua những tính toán thu hồi vốn nhanh nhất để bây giờ được an nhiên tự tại với thiên nhiên, không phải sân si tính đếm đầu tư thêm bao nhiêu tỷ nữa để nơi này sẽ chảy ra tiền. Sang đến như thế là tột cùng của cái sang trọng, tôi nghĩ vậy!

Mỗi lúc ở Sơn Trà tôi lại nghĩ cái sự “sang” của nhà làm phim ấy không dễ gì có được trong một đời người, và từ khoảng không gian đẹp của Sơn Trà nghĩ về bao thăng trầm trong phát triển của thành phố ven biển này.

Mươi, mười lăm năm trước, người Đà Nẵng ngước lên bầu trời nhìn những máy bay qua lại, hình dung số phận quê mình giống như khúc giữa của cái chày giã thịt, dù người ta có giã đầu nào thì khúc giữa cũng chẳng dính chút thịt vụn, nên mãi nghèo.

Nhưng rồi nhờ có “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà 13 năm qua, kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã “hiện đại và đẹp quá”, du khách thốt lên như thế. Và lần đầu tiên ở mảnh đất nghèo miền Trung, bất động sản Đà Nẵng thu hút cả người Sài Gòn lẫn người Hà Nội.

Và để đạt được cái “sang” tương đối của ngày hôm nay, thành phố cũng phải lòng vòng trả giá cho cái sự đi lên trong cái nghèo. Anh bạn tôi bên Sơn Trà làm khu nghỉ mát cho mình mất 10 năm, vật vã trong thiếu thốn kinh phí. Đà Nẵng cũng mất hòm hòm chừng đó năm, cũng để lại bao vết thương trong tài nguyên di sản vì không đủ tiền phải đầu tư nhỏ giọt.

Một km bờ biển đẹp nhất phải “cắt” cho gần chục cái nhà hàng chiếm chỗ để thu hồi ít vốn cho con đường ven biển. Nhà hát Trưng Vương kiến trúc kệch cỡm như một trung tâm thương mại; một loạt nơi quy hoạch cho công viên ở gần khu tượng đài anh hùng liệt sĩ phải nhường chỗ cho dây chuyền kinh doanh... công nghệ cưới!

Chẳng phải vì dốt mà làm ẩu, do chưa đủ sức làm đẹp. Rất nhiều người dân Đà Nẵng có thể nhìn ra được cái chưa đẹp ấy vì thành phố chưa thật sự thoát hẳn cái khó khăn để tự đi lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng cái nghèo thì đã thoát.

Hãy quay lại bán đảo Sơn Trà, nó không còn u u tịch tịch như 10 năm trước. Một con đường dài 25km chạy quanh bán đảo cộng thêm cây cầu Thuận Phước vượt biển nối bán đảo với trung tâm thành phố đã giải thoát Sơn Trà khỏi thế cô độc.

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao

Bán đảo bây giờ là một di sản thiên nhiên ngay trong lòng thành phố, mà mỗi tấc đất có thể nhìn thấy lợi nhuận chảy ra từ bất động sản, từ kinh doanh dịch vụ, du lịch. Tháng 8/2010, UBND thành phố lệnh “đóng cửa” Sơn Trà, ngưng cấp phép dự án.

Sơn Trà cần được đối xử ở một trình độ văn hóa cao hơn. Nghĩa là chính quyền Đà Nẵng có thể chờ đợi, tính toán thật “pro” bởi các công ty tư vấn quy hoạch của Úc để bán đảo này trở thành một tài sản quý giá, để bảo vệ nguyên vẹn khu bảo tồn thiên nhiên và lên quy hoạch khai thác thật hợp lý.

Chính việc tạm ngưng cấp phép cho đầu tư vào Sơn Trà làm tôi tin thành phố này đã thật sự thoát nghèo, không phải bán rẻ tài nguyên, không để cho những thứ lố lăng chễm chệ ở “mặt tiền” như đã từng phải “cắn răng” trong quá trình phát triển.

Với nhu cầu xây dựng một trục giao thông cửa ngõ, Đà Nẵng mở hẳn một cuộc thi quốc tế về quy hoạch và thiết kế. Đó là trục giao thông mang tên Ngã ba Huế.

Một dự án như vậy không phải không có những nhóm “lợi ích” nhòm ngó, nhưng Đà Nẵng đã tự “thắng mình”, mở cửa tổ chức thi tầm quốc tế và quyết làm cho nó tử tế! Ấy cũng là một biểu hiện của sự thoát nghèo, không phải đổi chác những quyền lợi như ngày trước.

Mặc dù hiện tại Đà Nẵng vẫn thuê tư vấn nước ngoài về quy hoạch, nhưng các tiêu chí phát triển thành phố khá rõ ràng. Năm 2020 có 1,5 triệu người, không có xe máy lưu hành trên đường phố, sớm có tàu điện ngầm.

Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố không xe máy đầu tiên của Việt Nam? Ước mơ về con phố thưa vắng người sẽ không dựa vào hàng chục đô thị vệ tinh đang được quy hoạch và một phần đã xây dựng hợp lý ở các vùng ngoại ô trong không gian công cộng của các vùng có di sản thiên nhiên đẹp như sông, biển, núi?

Có thể lắm! Tương lai phát triển của Đà Nẵng không dựa vào số dân đông, mà dựa vào sự chuẩn bị đón số dân tăng lên bằng các biện pháp cụ thể về quy mô nền kinh tế, về xây dựng hạ tầng và đặc biệt là nâng chất lượng sống.

Chất lượng sống của Đà Nẵng nay đã có thể thấy qua dịch vụ phát triển, môi trường thiên nhiên được bảo vệ, giao thông hài hòa, giáo dục và đạo đức xã hội không có những bất thường nổi cộm như các thành phố lớn khác.

Vì sự phát triển toàn diện những năm qua tạo ra chất lượng sống cao, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đổ tiền vào xây dựng những đô thị mới trị giá hàng tỷ đô la sẽ hoàn thành trong vài ba năm đến.


BÍCH HỒNG

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét