19 thg 2, 2013

Lễ Lập Tĩnh của người Dao Tiền

Theo tục lệ, con trai dân tộc Dao Tiền từ 10 tuổi trở lên phải trải qua cuộc sinh hạ lần thứ hai trong đời thông qua nghi lễ Lập Tĩnh (hay còn gọi là Lễ dặt tên) để trở thành một người đàn ông đích thực của cộng đồng.

Năm nay, anh Triệu Văn Hạnh ở thôn Suối Khem (xã Phiêng Luông – Mộc Châu – Sơn La) làm lễ Lập Tĩnh cho con trai mình là Triệu Văn Long.

Anh Hạnh cho biết, để chuẩn bị làm lễ Lập Tĩnh cho con trai, nhà anh phải chuẩn bị từ rất lâu, lợn gà phải nuôi đầy chuồng, thóc gạo phải đầy bồ để bà con dân bản đến giúp đỡ và chứng nhận.

Già bản Phiêng Luông xem ngày để tổ chức Lễ Lập Tĩnh.


Cậu bé Triệu Văn Long trong ngày làm lễ Lập Tĩnh.

Các thầy cúng thực hiện nghi lễ soi sáng tâm hồn và thể xác cho chú bé Triệu Văn Long.

Một số lễ vật trong nghi lễ Lập Tĩnh. 

Đối với người Dao Tiền, đây là lễ quan trọng nhất trong đời người. Lễ diễn ra trong vòng ba ngày đêm và cậu bé Long phải trải qua một cuộc thử thách trước bố mẹ, bà con dân bản và các vị thần linh, tổ tiên của người Dao Tiền.

Lễ là một “bài học lớn” và cậu bé Long được thầy mo, bố mẹ và bà con dân bản dạy dỗ, hướng dẫn những công việc quan trọng của vòng đời. Nhờ đó mà cậu bé Long mới tiếp nhận được truyền thống của dân tộc mình, đạo lí làm người của cộng đồng, có một cái tên mới để “trò chuyện” với tổ tiên và thần linh.

Linh thiêng nhất trong nghi lễ này là nghi thức soi sáng tâm hồn và thể xác. Lễ này thường diễn ra từ 2 đến 4 giờ sáng. Tại đây, bà con dân bản sẽ dạy cho cậu bé Long cách đi rừng, cách làm nương, dựng nhà, lấy vợ… và trao cho chú những vật dụng quan trọng để vào đời như: dao, cuốc, cày, gạo, tiền…

Cậu bé Triệu Văn Long thực hiện nghi thức mời gọi tổ tiên và các vị thần linh của người Dao Tiền về chứng kiến.

Các thầy cúng đưa Triệu Văn Long đến trước bàn thờ để trình diện các vị thần linh và tổ tiên của người Dao Tiền.

Thầy cúng truyền tù và tượng trưng cho quyền lực của người đàn ông trong bản và giao phó trách nhiệm bảo vệ bản làng cho Triệu Văn Long.

Thầy cúng dặn dò những hành vi ứng xử trên đường đời sau này.

Nghi thức truyền lửa để xua tan những điều không may mắn có thể cản trở đường đời sau này của bé Long.

Nghi thức chúc phúc của dân bản dành cho cậu bé Long.

Những người bà con trong bản đến dự cũng trao cho Long món quà tượng trưng gồm ít gạo trắng và tiền xu để làm vốn vào đời. 

Bên cạnh đó, các vị thầy mo dùng những ngọn nến soi quanh người cậu bé như dẫn đường cho những mạch nguồn đạo lí của người Dao Tiền soi sáng tâm hồn và tri thức của cậu bé Long. Sau nghi thức soi sáng tâm hồn và thể xác, Long có thêm một cái tên mới là: Triệu Văn Xiền.

Kể từ giờ phút được đặt tên mới, cậu bé Long coi như đã được thần linh, tổ tiên người Dao Tiền và bà con dân bản chứng nhận đã trưởng thành về mặt tâm hồn và thể xác. Và theo tục lệ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cậu bé Long đã có thể được lấy vợ, dựng nhà và gách vác công việc chung của cộng đồng người Dao Tiền ở bản Suối Khem.

Ở Mộc Châu, có những người đàn ông Dao Tiền đã 70 tuổi, vợ con đuề huề vẫn phải tổ chức lễ Lập Tĩnh, do ngày xưa gia đình không có điều kiện. Trải qua thời gian, lễ Lập Tĩnh vẫn có một sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Dao Tiền, bởi nó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, trong đó có việc học để thành người tốt của cộng đồng.


Bài và ảnh: Thông Thiện

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét