25 thg 2, 2013

Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 ở Hà Nội

Nằm trong con phố nhỏ Nam Tràng, khu Ba Đình (Hà Nội), không nhộn nhịp, cũng không đài loa "hết cỡ", Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 thu hút thực khách bởi nét hoài niệm về một "thời xa vắng", cái thời khách mua hàng như kẻ đi xin, người bán như "phụ mẫu". Cửa hàng mậu dịch này hấp dẫn thực khách nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau, cả những khách đi xe bốn bánh bởi sự tò mò, muốn hiểu được những thứ thuộc về “ngày xửa, ngày xưa”, cái thuở mà nay người lớn kể lại, con cháu không tin là có thật.

Nằm gần hồ Trúc Bạch, đi hết đường Ngũ Xã theo hướng từ Phó Đức Chính, sẽ gặp con phố Nam Tràng nhỏ bé, lặng lẽ. Từ Ngũ Xã, rẽ trái, đi khoảng vài nhà là tới cửa hàng mậu dịch 37. Phía trước cửa hàng luôn có một xe đạp (ngày xưa gọi kiểu xe này là xe nữ) màu xanh được treo trên cao, trông rất ấn tượng


Vật dụng trong cửa hàng cũng như nhiều đồ vật trang trí (vật dụng sinh hoạt gia đình thời bao cấp) đều gợi nhớ một thời đã qua; những thứ thân quen một thời gian dài nay trở nên lạ lẫm với giới trẻ hiện đại. Đến đây, khách gặp lại một khẩu hiệu quen thuộc nhưng rất trái ngược với thực tiễn cuộc sống thời bao cấp: "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"!


Dòng chữ thông báo “Hôm nay có bia hơi…” cũng là một sự gợi nhớ về cái thuở bia hơi là của quý, của sang. Nhưng bên dưới, thực đơn ghi những món không thể thấy ở cửa hàng ăn uống quốc doanh thời bao cấp

Trong quán cũng có những cuốn “Sổ mua lương thực thực phẩm”, nhưng bên trong chính là menu (thực đơn) đầy đủ hơn. Với dụng ý tạo nên một không gian ấn tượng về thời bao cấp, chủ nhân đã vận dụng mọi biện pháp trực quan để tạo hiệu quả.

Ngoài những vật dụng treo khắp lối đi, trên tường quán còn có những bức ảnh về cửa hàng lương thực thời trước và những thông tin mô tả về hoạt động của hệ thống mậu dịch, thương nghiệp quốc doanh thời bao cấp

Nhân viên phục vụ với trang phục áo phin trắng, quần đen trông y như các "quý cô" mậu dịch viên thời trước. Nếu có khác chăng là họ không có được cái vẻ khinh khỉnh, hách dịch với khách như "đồng nghiệp" thời trước.

Khách vào cửa hàng mua tem phiếu (các món ăn, cơm, đồ uống...) rồi đưa cho nhân viên phục vụ.

Quán có nhiều món ăn bình dân mà ngon miệng như dưa xào tóp mỡ, ốc xào chuối đậu, thịt kho trám, cá rô ron chiên giòn…

Bên cạnh cửa ra vào có treo một cuốn sổ góp ý. Thuở trước, cửa hàng làm sổ theo quy định nhưng chỉ mang tính hình thức; sổ góp ý cửa hàng mậu dịch số 37 đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của thực khách.

Không chỉ hấp dẫn người Việt, cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 thường tiếp đón khá nhiều khách nước ngoài.

Bài và ảnh: Hạnh Thư

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét