14 thg 2, 2013

Điện Biên ngày ấy, bây giờ

Điện Biên, mảnh đất ghi dấu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đã 58 năm trôi qua, chiến trường xưa nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến với miền Tây Bắc.

Từ thủ đô Hà Nội lên với Điện Biên, du khách có thể đi lại rất thuận tiện bằng ô tô hoặc bằng máy bay. Trong hành trình của mình, du khách sẽ được khám phá một Điện Biên của những năm tháng chiến tranh và một Điện Biên đầy sức sống của ngày hôm nay. 

Tượng đài chiến thắng trên đồi D1 của Điện Biên Phủ.


Mường Phăng hôm nay bình yên với những nếp nhà sàn bình dị. 

Đã 58 năm trôi qua, Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi A1, đồi C1, đồi C2, đồi D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng De Castries... Trước đây, tại những địa danh này đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội Việt Nam với quân Pháp trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, những địa điểm này đã trở thành di tích lịch sử thuộc Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong hành trình khám phá, du khách đến với đồi Him Lam, nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Him Lam nằm trên điểm cao gần 500m gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm ngay cửa ngõ Đông - Bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km. Tham quan Him Lam, du khách được chứng kiến hệ thống công sự kiên cố gồm dây thép gai, vật chướng ngại, bãi mìn có nơi rộng tới 100m, xe tăng, pháo... do quân Pháp dựng lên để hòng tạo thành một “pháo đài bất khả xâm phạm” ở Điện Biên.

Du khách tham quan Bảo tàng Điện Biên, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Du khách nước ngoài tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Lán làm việc của Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Lối vào hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.

Hệ thống hầm trú ẩn của bộ đội trên đồi A1.

Hướng dẫn viên giới thiệu hệ thống hầm trú ẩn tại Điện Biên Phủ.

Hệ thống hào trên đồi A1 còn lưu giữ dấu vết của những năm tháng chiến tranh chống Pháp.

Hố bom trên đỉnh đồi A1.

Về thăm lại chiến trường xưa.

Nghĩa trang Điện Biên, nơi yên nghỉ của nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Hôm nay, dưới chân đồi Him Lam đã có một cuộc sống mới. Đó là phường Him Lam nằm dưới chân đồi, cửa ngõ vào trung tâm thành phố Điện Biên Phủ với nhịp sống thật sôi động. Hơn 300 ha đất trống đồi trọc được phủ xanh bằng cây bản địa, các loại cây ăn quả đặc sản tạo nên một sức sống dồi dào cho Him Lam hôm nay. Phường Him Lam cũng có nhiều người dân tộc Thái sinh sống, du khách đến đây sẽ được thưởng thức nhiều món ăn bản địa độc đáo.

Rời Him Lam, du khách đến thăm đồi Độc Lập. Đồi Độc Lập thuộc xã Thanh Nưa, nằm ở phía Đông Bắc vùng lòng chảo huyện Điện Biên. Trước đây, đồi Độc Lập là một cứ điểm quan trọng (thực dân Pháp đặt tên là Gabrielle, tên một cô gái đẹp của nước Pháp). Cứ điểm Độc Lập với hệ thống phòng thủ kiên cố bậc nhất tại Điện Biên. Dù thời gian đã thay đổi nhưng đồi Độc Lập nay vẫn còn hệ thống giao thông hào, dây thép gai, vỏ đạn, pháo, bom, mìn... Dưới chân đồi Độc Lập là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái tập trung ở các bản như: Mển, Nà Nốm, Tông Khao, Nà Ten... Hoà bình đã mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Chiến trường năm xưa đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa tươi tốt quanh năm, những mái nhà mọc lên như tô thắm cho sức sống đồi Độc Lập.

Cùng với Him Lam, Độc Lập, những di tích lịch sử như A1, C2, D1, Hồng Cúm, Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng De Castries... cũng là những địa chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với mỗi du khách khi có dịp lên thăm Điện Biên. Đặc biệt, đến thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1 tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, du khách có thể khám phá 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề về tầm vóc của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Và có lẽ ấn tượng nhất trong hành trình của chuyến đi là di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía Đông. Nơi đây hiện vẫn còn chòi canh, đài quan sát, hầm thông tin liên lạc, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái...

Có thể nói, sau 58 năm, Điện Biên năm xưa nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Mảnh đất chiến trường năm xưa nay đang thay da đổi thịt từng ngày với cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.


Bài: Bích Vân - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét