15 thg 2, 2013

Sài Gòn ăn vặt

Sài Gòn không có đặc sản? Đừng lầm, lịch sử đã kiến tạo cho Sài Gòn một thứ đặc sản không thể mang đi, không thể trao tặng... nhưng lại là thứ đặc sản gợi nhớ, không thể quên: ăn vặt.


Từ lâu, sở thích ăn vặt, thưởng thức thực phẩm trên vỉa hè, trong những quán nhỏ trên đường phố... đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn. Rất nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch đều bị thu hút bởi những quán ăn hè phố.

Không ít tờ báo nước ngoài coi đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt mà hiếm nơi nào trên thế giới có được. Trang báo CNNgo từng viết: “Nước Mỹ đã sinh ra những nhà hàng di động, nhưng Việt Nam mới là thiên đường đồ ăn đường phố. Không đâu lại có văn hóa đồ ăn đa dạng như nơi này”.



Ngọn nguồn của một thói quen...

Xuất phát điểm của “đặc sản” ăn vặt ở Sài Gòn phải kể đến thói quen và tập tục ăn uống của người Việt. Không kể ba bữa chính, văn hóa ẩm thực Việt Nam còn có khoảng không gian cho những món ăn vặt vô cùng phong phú. 


Ăn xế, ăn lỡ bữa, ăn dặm... là chính danh của khoảng thời gian người Việt Nam thưởng thức các món ăn nhẹ. Nó tạo điều kiện cho bánh, chè, bún... và hàng trăm thức nhắm khác ra đời.

Tuy nhiên, khác với nông thôn, mật độ dân số tập trung đông ở đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, đã tạo điều kiện để nơi này trở thành thiên đường, tập hợp cơ man nào là hàng quán.

Sài Gòn, nơi tập trung dân cư tứ xứ, món ăn theo chân người đến ngụ cư, làm nên khối văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng cho vùng đất này. Văn hóa ăn vặt vỉa hè của Việt Nam được biết đến với những thứ đồ ăn thơm ngon, độc đáo.

Từ bánh mì kẹp thịt, các món xôi, món bánh... phục vụ nhanh gọn cho tới những món phải tìm tới tận nơi như các loại bún, cháo, phở... Người bán hàng không thiếu khách bởi dòng người hằng ngày đổ ra đường là bất tận và chắc chắn trong số đó có không ít những cái dạ dày đang đói, muốn thưởng thức các món ngon.

Không còn những khó khăn ngày xưa, Sài Gòn bây giờ tràn đầy những quán ăn sang trọng. Thế nhưng, ai cũng dễ dàng bị hấp dẫn bởi những gánh hàng, quán sá vỉa hè.

Với người địa phương, trong đó có tôi, hàng quán vỉa hè gắn liền với quá khứ khó khăn. Ngày trước, khi số lượng nhà hàng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và phương tiện giao thông phổ biến nhất là đi bộ thì phương thức kinh doanh ẩm thực thích hợp nhất là những hàng quán bên đường cùng các gánh hàng rong.

Các bậc phụ huynh đưa con em đi ăn hàng cũng đến những điểm này để rồi từ đó, qua nhiều thế hệ cha mẹ, con cái..., đó vẫn là chốn quen. Sài Gòn bây giờ nhiều lựa chọn về quán ăn nhưng người ta vẫn dừng chân ở những quán ven đường là vì vậy.

...Và một không gian văn hóa cần lưu giữ

Sinh trưởng trong một gia đình gốc Bắc di cư vào Nam, ngày còn nhỏ, gia đình tôi không thích con cháu mình ăn hàng ngoài đường vì nghĩ rằng đây là một thói quen không tốt. Tuy nhiên, hòa mình vào nhịp sống Sài Gòn, tôi cũng như các cô nàng cùng trang lứa, mê mẩn hàng quán: quán bột chiên trên đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), quán yaourt trên đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai), quán bò bía ở đường Sư Thiện Chiếu, quán chè chuối trên đường Lê Quý Đôn... là những địa chỉ đã lưu giữ ký ức của tôi cùng các bạn.

Với rất nhiều người Sài Gòn, đến với hàng quán quen từ quá khứ đến tận bây giờ là cách để họ nhìn thấy những thay đổi của chính mình. Bởi, quán là nơi chứng kiến họ khi còn là nữ sinh, rồi những lần hẹn hò, hờn giận đến tận khi họ có gia đình, có sự nghiệp... 


Quán vẫn như xưa, nhưng khách thập phương thì thay đổi nhiều rồi. Có một chị bạn đã rơi nước mắt trong một lần đến lại quán chè chuối quen của mình, nghe bà chủ quán reo nhắc: “Cô với chú ngày xưa đến đây ăn từ lúc mới thương nhau nè...”. Lời nhắc mang về cho chị ấy cả một quá khứ mộng mơ, trong trẻo của những ngày đầu biết thương, biết nhớ... Vậy ra, chủ nhân của những quán hàng lại là người giữ gìn ký ức dùm khách thập phương. Người bán cũng đầy kỷ niệm...

Những ngày căng đầu với công việc, tôi hay cho phép mình nhín thời gian đến một quán bún của hai vợ chồng già. Bún họ làm rất ngon nhưng suốt bao nhiêu năm, hai vợ chồng vẫn bán đúng một lượng bún nhất định, không có ý định mở rộng kinh doanh.


Làm trong ngành truyền thông, lúc nào tôi cũng bị áp lực phải làm sao cho kinh doanh lớn lên, phát triển..., sự thong dong, tĩnh tại của đôi vợ chồng bán bún nhiều lần giúp tôi “tĩnh” cùng họ.

Cũng như tôi, rất nhiều lần đến những quán ăn xưa, thực khách Sài Gòn đã giật mình vì chất lượng lẫn hương vị món quen không còn nữa. Chạy theo số lượng, rất nhiều quán hàng đã đánh mất cái tinh túy của mình.

Hoặc là, đến lại chốn xưa, khách tìm mãi mà không thấy quán vì lý do nào đấy, chủ quán xuất ngoại chẳng hạn. Vì điều này mà tôi quyết tâm thực hiện tập sách Ăn vặt Sài Gòn. 


Với tôi, đây là một cách lưu giữ ký ức, cũng là cách hàm ơn những chủ quán đã gắng giữ gìn tinh hoa của nghề nấu nướng, để khách hàng có thể sung sướng khi thưởng thức sản phẩm của mình... Cảm ơn họ, vì chính họ đã làm nên và đang giữ gìn một mảng không gian văn hóa đặc sắc cho Sài Gòn hoa lệ.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, có tới 95,5% người dân đang sử dụng thức ăn đường phố, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hằng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng. Những con số đã nói lên được nhiều hơn bản thân chúng, rằng ăn vặt, ăn hàng, ăn vỉa hè... đã là một phần trong đời sống của cư dân thành phố.

Giữ thế nào để phần đời sống này tinh tươm, đủ chất và không bị ám ảnh với nỗi lo an toàn thực phẩm, có lẽ, cần đến cái tâm của chủ nhân những quán hàng...


CHU THỊ HỒNG ANH

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét