19 thg 3, 2024

Lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An

Trong ngày lễ, mọi người sẽ tập trung làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, đan tấm phên nhỏ bằng tre nứa có cài lông gà xung quanh treo trước nhà…

Trong ngôi nhà nhỏ, ông Lô Văn Đức (71 tuổi, trú bản Đồng Kho – Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đang tỉ mỉ đan tấm phên nhỏ bằng tre nứa, xung quanh có cài thêm ít lông gà. Phía sau nhà, vợ và anh em trong gia đình của ông đang tập trung, sửa soạn mâm cơm gồm xôi, thịt gà,… để dâng lên tổ tiên.

“Ngày 9/9 âm lịch hằng năm, người dân tộc Thái họ Lô ở bản Đồng Kho – Đồng Thờ lại làm lễ Làu Khà. Trong ngày này, con cháu trong nhà sẽ tập trung làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, đan tấm phên nhỏ bằng tre nứa có cài lông gà xung quanh treo trước nhà. Ngoài ra, chặt thêm một ít cây tre nứa, gói thêm ít gạo, tiền để trong đôi quang gánh nhỏ”, ông Đức chia sẻ.

Người dân tộc Thái họ Lô ở bản Đồng Kho – Đồng Thờ đan tấm phên nhỏ bằng tre nứa, xung quanh có cài thêm lông gà.


Việc treo tấm phên nứa có cài lông gà trước nhà có ý thông báo rằng ông bà tổ tiên đã đi lên trời làm nhà cho Ngọc Hoàng.

Tương truyền, vào ngày 9/9 âm lịch, người đầu tiên của dòng họ Lô qua đời lên thiên đàng đúng ngày Ngọc Hoàng đang xây dựng cung đình. Vì người họ Lô này lên không mang theo đồ đạc gì nên Ngọc Hoàng đã cho trở về hạ giới để lấy tre, gỗ lên xây nhà.

Xuống hạ giới gặp lại gia đình, được con làm bữa ăn xôi, thịt gà, người cha kể lại việc trở về lấy gỗ lên làm nhà cho Ngọc Hoàng. Từ đó, cứ đến tháng 9 âm lịch hằng năm, dòng họ Lô nơi đây lại làm lễ Làu Khà.

Ông Lô Văn Đức làm mâm cơm cho ông bà tổ tiên dịp lễ Làu Khà.

Ông Lô Văn Đức cho biết thêm, đôi quang gánh chứa ít tre gỗ, còn thức ăn và tiền đem đi đường, đói khát thì nghỉ chân ăn uống. Sau khi gia đình ăn uống xong, đôi quang gánh sẽ được treo ở một góc nào đó trong nhà hoặc đem ra ngoài vườn. Trước nhà sẽ treo tấm phên nhỏ cài lông gà để báo hiệu rằng ông bà tổ tiên đã lên trời xây nhà cho Ngọc Hoàng.

Một điểm đặc biệt là trong vòng một tháng từ ngày 9/9 đến ngày 9/10 âm lịch, những gia đình nào làm lễ Làu Khà sẽ không được xây dựng bất cứ công trình nào như nhà cửa, chuồng trại,... Còn công việc mưu sinh khác vẫn diễn ra bình thường.

Sau khi gia đình ăn uống xong, đôi quang gánh sẽ được treo ở một góc nào đó trong nhà hoặc đem ra ngoài vườn.

Anh Lô Văn Pháp, Trưởng bản Đồng Kho - Đồng Thờ cho biết, bản có hơn 350 hộ, trong đó có khoảng 70 hộ họ Lô làm lễ Làu Khà. Lễ này được hiểu đơn giản là dịp con cháu họ Lô làm mâm cơm, sắm đồ cho tổ tiên lên trời làm nhà cho Ngọc Hoàng. Các gia đình thường mời anh em, bạn bè đến nhà ăn uống hát hò dịp lễ Làu Khà nhằm thắt chặt thêm tình cảm họ hàng, láng giềng. Đây là một phong tục, một nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.

Ông Trần Văn Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho hay: “Làu Khà là lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái họ Lô ở bản Đồng Kho – Đồng Thờ. Có nhiều dòng họ Lô nhưng chỉ có họ Lô Cáu mới có lễ Làu Khà.

Theo đó, đúng ngày 9/9 âm lịch hằng năm, con cháu trong dòng họ lại tụ họp, quây quần làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, đan tấm phên nhỏ bằng tre nứa có cài lông gà xung quanh treo trước nhà, làm thêm đôi quang gánh…. Truyền thống ấy được lưu truyền từ xưa đến nay và trở thành một phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái họ Lô nơi đây”.

Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét