8 thg 3, 2024

Bí ẩn tháp cổ núi Bút

Núi Thiên Bút ở phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi (xưa gọi là núi Bút) ghi dấu câu chuyện cổ xưa từ cách đây hàng nghìn năm của người Chăm. Điều đó được chứa đựng trong ngôi tháp cổ, cần được khám phá, bảo tồn.

Núi Thiên Bút. ẢNH: MINH HOÀNG

Năm 1909, trong tác phẩm Inventaire descriptif des monuments Cams de l'Annam (Kiểm kê mô tả đền tháp Chàm ở An Nam) của Henri Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp, trong đoạn viết về cuộc khai quật khảo cổ ở tháp Chánh Lộ năm 1904, ông đã nhắc đến một phế tích đền tháp Chămpa trên đỉnh núi Bút đã bị sụp đổ, hiện trạng là gạch tháp đổ phủ lên trên nền phế tích không còn nhận ra hình dạng. Cuộc khai quật phế tích tháp núi Bút vào năm 2017 đã làm lộ rõ hình dạng tháp núi Bút là tháp thờ Shiva, nằm trên đỉnh cao nhất của núi Bút.

Núi Bút có mỹ danh Thiên Bút phê vân (Bút trời viết lên mây), là một trong 10 danh thắng của Quảng Ngãi do Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh thi vịnh khi ông làm quan tại Quảng Ngãi vào năm 1750. Nếu đặt chân lên đỉnh núi sẽ thấy núi có kiến tạo địa chất với hai đỉnh nhô cao tựa như ngọn bút lông, trong đó đỉnh cao nhất 58m được người Chăm chọn để xây dựng tháp. Núi Bút còn có tên là Quy Sơn (núi Rùa), nếu đứng ở hướng tây hoặc chụp ảnh từ trên cao, nhìn hình thể núi giống như con rùa đang thong thả đi về dòng sông Bàu Giang, phần mình là núi Bút, đầu của nó là quả đồi thấp ở hướng đông nam có độ cao khoảng 10 m (so với mực nước biển), nay là vị trí Công ty Truyền tải điện 2. Dưới chân núi về phía nam có chùa Quy Sơn (Quy Sơn tự) của dòng họ Nguyễn xây dựng từ xưa. Phía đông núi Bút là núi Yàng, cạnh đó là gò Yàng có dấu bàn chân khổng lồ khắc trên đá, đây là nơi thờ cúng của người Chăm xưa.

Tháp núi Bút gồm có tháp chính và tháp phụ, mặt tháp chính quay về hướng đông. Nền móng tháp xây bằng đá ong, dưới đáy móng gia hạ là lớp cuội sông. Kỹ thuật xây dựng móng vỉa bằng đá ong ở tháp núi Bút giống với kỹ thuật xây dựng đá ong tương tự ở các ngôi đền Koh Ker ở Campuchia dưới thời Khmer có niên đại thế kỷ X. Người Chăm đã cải tạo đỉnh núi Bút bằng cách đào đắp đất gia cố dầm nện tạo thành mặt bằng để xây dựng công trình kiến trúc tháp. Đất đắp lấy từ phía đông của núi, nay dấu tích hố lấy đất đắp nền tháp vẫn còn. Người Chăm đắp đất tạo thành con đường hành hương lên tháp, con đường này bắt đầu từ phía đông, nơi bến thuyền từ sông Bàu Giang vào. Từ đây các tín đồ hành hương đi theo con đường đắp đất lên tháp. Dấu tích con đường, bến thuyền nay vẫn còn. Giếng tháp nằm dưới chân núi về phía nam, miệng giếng rộng khoảng 1m, nước xanh trong mát quanh năm. Giếng cung cấp nguồn nước thiêng dùng cho việc cúng tế thần linh ở tháp. Bên cạnh giếng còn có ngôi miếu thờ Bà.


Tháp núi Bút có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh trung bình 9 m, thân tháp xây gạch, cửa tháp quay về hướng đông, phòng thờ ở trung tâm lòng tháp là nơi đặt tượng Linga Yoni. Đáng chú ý vị trí đặt tượng Linga Yoni là điểm cao nhất của đỉnh núi Bút. Tượng Linga Yoni rời, có kích thước lớn, chất liệu đá sa thạch. Linga có đường kính 0,40 m, cao 0,43 m; Yoni dài 1,68 m, rộng 1,24 m, dày 0,25 m. Tượng Garuda hình người, chất liệu gốm nung, phần đầu bị mất, đôi cánh mở rộng ra theo chiều ngang. Tượng Naga chỉ còn phần đầu. Hai tượng người chỉ còn lại phần đầu, chất liệu gốm nung, chế tác rất đẹp, có mắt xếch, mũi dài, cằm thon, tai lớn.

Tháp núi Bút nằm trong quần thể thánh đường Chánh Lộ, đây là các cụm đền tháp quy mô của Chămpa nằm ở bờ nam sông Trà Khúc, có niên đại ở thế kỷ XI. Trên bản đồ Google Earth, nếu đặt tháp Chánh Lộ ở vị trí trung tâm, ta kéo một đường thẳng từ tháp núi Bút về tháp núi Ông thì cả ba tháp núi Bút, tháp Chánh Lộ, tháp núi Ông đều nằm trên một đường thẳng trục tây bắc - đông nam. Từ tháp Chánh Lộ đến tháp núi Bút là 3km, từ tháp núi Chánh Lộ đến tháp núi Ông là 2 km. Trong sơ đồ hình học thiêng liêng Mandala của khu đền tháp Hindu luôn có 8 vị thần bảo vệ 8 phương, trong đó phương tây bắc được bảo vệ bởi thần gió Vayu, phương đông nam được bảo vệ bởi thần lửa Agni. Đối với khu đền tháp Chánh Lộ, phương tây bắc đó là núi Ông nằm sát bờ nam sông Trà Khúc, trên núi là đền tháp Chămpa; phương đông nam đó chính là núi Bút và đền tháp Chămpa trên đỉnh núi. Từ đó cho thấy rằng, tháp núi Bút xây dựng đồng thời với tháp Chánh Lộ, ở khoảng cuối thế kỷ XI. Niên đại này phù hợp với nghệ thuật tạc tượng ở tháp núi Bút, đặc biệt là các tượng đầu người với nét mặt thanh tú, cằm nhỏ thon thả mang phong cách Chánh Lộ. Đồng thời, gốm sứ tìm thấy trong lòng tháp là đồ nghi lễ dâng cúng, là chỉ dấu quan trọng trong việc xác định niên đại tháp. Ở đây tìm thấy khá nhiều mảnh gốm sứ ở các niên đại khác nhau, trong đó có các mảnh sứ celadon màu xanh ngọc thuộc giai đoạn Bắc Tống.

Thiên Bút phê vân là danh thắng linh sơn của vùng đất Quảng Ngãi, trong ngũ hành thuộc về hành hỏa ở phương Nam, là Quy sơn trong tứ linh tượng trưng sự vững bền, nhân tài, đất học. Tháp núi Bút là di sản Chămpa quý giá nằm trong lòng TP.Quảng Ngãi cần được bảo tồn, phục dựng để trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

ĐOÀN NGỌC KHÔI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét