19 thg 3, 2024

Làng nghề đan lát lớn nhất của người K’Ho

Hiếm nơi nào ở Lâm Đồng có làng nghề truyền thống với sản phẩm đan lát phong phú, bắt mắt như ở cao nguyên Di Linh, cái nôi của người K’Ho Sre.

Lớp dạy nghề đan lát ở xã Đinh Lạc

Nét đẹp trong đời sống của người K’Ho

Hướng dẫn chúng tôi tham quan nơi chứa hàng chục sản phẩm mới chế tác thời gian gần đây, nghệ nhân Ka Ẹp (53 tuổi, ngụ xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết sở dĩ đường nét hoa văn trên các sản phẩm của người dân thôn Duệ rất đa dạng, phong phú vì gắn với tâm linh, phong tục của người K’Ho Sre, tộc người sinh sống lâu đời nhất trên vùng đất này.


Trước đây, người K’Ho chủ yếu làm nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy. Để đấu tranh sinh tồn, người K’Ho làm ra các loại vũ khí như lao, nỏ và vật dụng sản xuất như dao, rìu, xà gạc, nong nia… Đặc biệt là chiếc gùi, vật dụng rất gần gũi, không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, trở thành nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên.

Mỗi loại gùi được dùng vào những mục đích và công dụng khác nhau. Gùi to dùng để đo lường, có thể đựng được 50kg thóc. Những loại gùi có kích thước trung bình để lên nương rẫy, đi gùi củi, nước… Đẹp nhất là những chiếc gùi dùng để "bắt chồng" hoặc dự lễ hội cúng Yàng, mừng lúa mới...

Gùi hoa được chế tác tại thôn Duệ

Theo già làng K’Tiếu, không đơn thuần là dụng cụ để mang vác, gùi còn là người bạn, vật trang sức, niềm kiêu hãnh và cả số phận của cô gái. Chiếc gùi được đan và trang trí đẹp mắt. Đan xong, không dùng ngay mà treo trên gác bếp để hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun cho chiếc gùi săn chắc, bền đẹp.

Loại gùi này khá nhỏ gọn, được đan công phu, trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Gùi là một trong những lễ vật để sơn nữ “bắt chồng”, là của hồi môn cho chàng trai về ở rể bên nhà vợ.

Bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Lạc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, làng nghề đan lát ở thôn Duệ được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống vào cuối năm 2022 và được hỗ trợ 100 triệu đồng trong năm 2023.

Lâu nay, người dân thường đan lát lúc nông nhàn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nhưng gần 10 năm nay, phong trào đan lát phát triển mạnh và các sản phẩm đã trở thành hàng hóa. Bên cạnh nghề nông, người K'Ho làm thêm nghề đan lát để vừa có thêm thu nhập, vừa giữ gìn nghề truyền thống của ông bà.

Các sản phẩm đan lát của người K'Ho Sre

Chế tác công phu

Với kinh nghiệm mấy mươi năm trong nghề, già làng K’Tiếu cho hay, không phải lúc nào cũng có thể vào rừng chặt tre nứa để đan lát. Muốn có chiếc gùi đẹp, bền chắc, vào các tháng 6 và 7, dân làng vào rừng sâu để chặt tre nứa. Đó là lúc những cây nứa mới mọc trong năm phát triển ở mức vừa phải, không quá non, cũng không quá già, để làm nguyên liệu đan lát.

“Nên chọn những cây mắt dài, thân thẳng và có ngọn cong vút. Sau khi chặt tre nứa mang về nhà, nên phơi nắng khoảng một tuần là có thể đan được”, già K’Tiếu chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới, thích hợp với thị hiếu xã hội. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Là một trong những người có tay nghề đan lát khéo nhất vùng, nghệ nhân Ka Ẹp được giao nhiệm vụ truyền nghề tại các lớp tập huấn này.

Bà Ka Ẹp kể đã gắn bó với nghề gần 40 năm, ban đầu chỉ đan các vật dụng để sử dụng trong gia đình, dòng họ, sau đó trao đổi với các hộ dân trong làng. Nhiều làng khác hay tin người dân thôn Duệ đan lát giỏi nên tìm đến trao đổi, mua bán.

Niềm đam mê của nữ nghệ nhân lan sang các thành viên trong gia đình nên hiện nay chồng, con gái và cả con trai của bà cũng giỏi nghề. Mỗi năm bà dạy nghề cho từ 20-30 người, trong đó có những sơn nữ từ 14-17 tuổi.

Đến thăm lớp dạy nghề, chúng tôi chứng kiến hàng chục người lắng nghe bà Ka Ẹp hướng dẫn từng công đoạn: Từ chuyện đi lấy lồ ô, tre, nứa trên rừng, chẻ thành nhiều nan nhỏ, vót cho trơn láng, đến việc tỉ mẩn đan gùi, nong nia, dụng cụ bắt cá...

Vót nan cho trơn láng

Hàng chục cặp mắt nhìn chăm chú vào đôi tay đang thoăn thoắt đan chéo những sợi nan với nhau một cách thuần thục của bà.

“Đối với những chiếc gùi đẹp có hoa văn thì khâu chuẩn bị phải tốn nhiều thời gian hơn và thường được đan xen các loại sợi len bông. Tùy vào trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mỗi người sẽ cho ra những sản phẩm độc đáo khác nhau”, nữ nghệ nhân chia sẻ.

Bà K’Thủy, một học viên của lớp cho hay, đến nay, 4 người trong gia đình bà được học và làm nghề. Nhờ có nghề đan lát mà vợ chồng bà có tiền cho 2 con học đại học và cao đẳng.

Các sản phẩm từ nghề đan lát thường được bán với giá từ 350 ngàn -1,5 triệu đồng, gùi hoa văn trên dưới 800 ngàn đồng. Khách hàng là người dân địa phương và du khách đến từ các thành phố Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM...

Theo bà Nguyễn Thị Gái, hiện có hơn 100 hộ người K’Ho làm nghề đan lát. Trong thời gian tới, xã Đinh Lạc sẽ xây dựng những sản phẩm trên thành sản phẩm OCOP của địa phương vừa để khôi phục làng nghề truyền thống lâu đời vừa giúp người dân nâng cao thu nhập.

Quế Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét