17 thg 3, 2024

Cây "nông thôn mới"

Khoảng năm 2018, dọc nhiều tuyến đường nông thôn ở Đồng Nai - nhất là ở huyện Vĩnh Cửu - xuất hiện những hàng cây hoa vàng khá đẹp mắt. Hoa mọc thành chùm, có hình chuông.


Khi một xã được quy hoạch thành xã nông thôn mới, thì chính quyền cho triển khai trồng dọc những con đường trong xã loại hoa vàng này, do đó người dân khi chưa biết tên hoa là hoa gì thì tự đặt tên cho nó là cây nông thôn mới!


Hoa "nông thôn mới" dọc một con đường ở Vĩnh Cửu

Những người từng biết đến loại hoa này gọi nó bằng nhiều cái tên khác nhau như hoa huỳnh liên, sò đo bông vàng, hoa hoàng yến, hay hoa chuông vàng (vì hoa màu vàng và có hình dạng cái chuông).

Ở đây xin tạm dùng cái tên có vẻ định danh rõ nhất là huỳnh liên, cón tên hoàng yến thì vô tình trùng với tên một loại hoa quen thuộc khác mà người ta còn gọi là hoa osaka, hoa muồng vàng... Tên chuông vàng thì trùng với tên hoa khác mà ta sẽ nói sau.

Cây huỳnh liên có tên khoa học là Tecoma stans, thuộc họ Bignoniaceae (Núc nác). Cây huỳnh liên là cây hoa kiểng thân gỗ nhỏ, thân có nhiều cành nhánh mọc từ gốc, thân giòn nên dễ gãy. Lá cây huỳnh thái dạng lá kép lông chim, mọc đối nhau. Lá cây có nhiều răng cưa, phình to ở giữa tập trung ở đầu cành và có lông nhỏ. Cây có chiều cao khoảng 5-8 m, trong điều kiện chăm sóc và khí hậu thích hợp, cây có thể cao lên đến 15 m. Hoa huỳnh liên có màu vàng giống hình chuông mọc ở đầu cành, rũ xuống trông rất đẹp mắt. Hoa có nhụy nằm giữa, hoa nở thành chùm trên nách lá ở cuối cành.

Hoa huỳnh liên

Hoa huỳnh liên đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc nên không chỉ được trồng ở... nông thôn mới như nói trên mà ở rất nhiều nơi, cả nơi công cộng lẫn nhà riêng.

Hoa huỳnh liên ở một khu phố sát đường rầy tại Sài Gòn. Ảnh: vuoncay.vn

Giờ quay trở lại với tên hoa chuông vàng. Đây cũng là cái tên rất thông dụng của hoa huỳnh liên, được mọi người đặt như vậy vì hoa màu vàng và có hình cái chuông. Ngay cả tên tiếng Anh của nó cũng có nghĩa là chuông vàng, hoặc kèn vàng (theo trang plants.ces.ncsu.edu tên thông dụng của Tecoma Stans là Trumpet Flower, Yellow Bells, Yellow Elder, Yellow Trumpet Flower, và Yellow Bignonia).

Chuyện đáng lo ngại xuất phát từ đây. Chắc mọi người còn nhớ khoảng năm 2015, 2016 rộ lên thông tin có nhiều nạn nhân bị bọn tội phạm cho hít phải hơi thở của quỷ sẽ bị thôi miên và làm theo sự điều khiển của chúng? Thuốc thôi miên hơi thở của quỷ (devil's breath) này được điều chế từ chiết xuất của hoa chuông vàngTheo các nhà khoa học, chỉ cần uống một giọt dịch chất chiết xuất từ chất scopolamine của hoa chuông, một người khỏe mạnh có thể rơi vào trạng thái vô thức. Loại này được coi là loại thuốc đáng sợ nhất thế giới mà tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức.

Hú hồn, hoa chuông vàng này là hoa chuông khác, không phải huỳnh liên hay Tecoma Stan mà ta đang nói.

Tên khoa học của cây hoa chuông là Scopolamine, đây là một loại cây thân thảo, có xuất xứ từ Borrachero. Hoa chuông hình dạng gần giống hoa loa kèn, thường có màu trắng và vàng, khi nở sẽ xòe to và rũ xuống rất đẹp mắt nên thường được trồng để làm cảnh. Hoa chuông có hình dạng gần giống hoa loa kèn

Từ xưa, hoa chuông thường được sử dụng để gây ảo giác, làm giảm sự đau đớn khi điều trị các vết thương. Tuy nhiên, mọi người không được tự ý sử dụng bởi tất cả bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong. Chính vì thế, hoa chuông còn được biết đến với cái tên "Hơi thở của quỷ".


Hoa chuông vàng.

Mặc dù là một loài hoa rất đẹp và dễ trồng, nhưng trong lá, hoa và hạt của hoa chuông chứa một số loại alkaloid, bao gồm Atropine, Scopolamine và Hyoscyamine. Cả ba chất này đều là chất kháng Cholinergic. Khi tiếp xúc với nó, hợp chất Acetylcholine chịu trách nhiệm dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh của cơ thể người sẽ bị ngăn chặn, khiến cho hệ thần kinh đối giao cảm bị ức chế, có thể ảnh hưởng đến tim mạch, hệ tiêu hóa,...

Ngoài ra, phấn của hoa chuông cũng rất độc, khi hít phải hương thơm của hoa chuông cũng có thể xảy ra tình trạng nhức đầu, choáng váng, buồn nôn. Nếu trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp như hen suyễn thì hít phải mùi hương hoa chuông có thể gây kích ứng đường hô hấp, nghiêm trọng hơn là suy hô hấp.

(theo website nhathuoclongchau.com.vn)

Điều không may mắn là loại hoa hơi thở của quỷ này không hề hiếm ở Việt Nam, nó được trồng nhiều ở Đà Lạt vì... đẹp! Tất nhiên là như thông tin ở trên, nếu bạn hít mùi thơm của hoa chuông vàng thì... sẽ có chuyện!

Hoa chuông vàng hơi thở của quỷ và hoa chuông vàng huỳnh liên khá giống nhau. Điều dễ phân biệt là hoa hơi thở của quỷ chúc xuống còn hoa huỳnh liên thì không. Theo trang plants.ces.ncsu.edu nguồn gốc của chữ Tecoma (trong Tecoma Stan),  là viết tắt của tên Mexico "tecomaxochitl", nghĩa là "đứng thẳng" hoặc "thẳng đứng", để phân biệt với loại "chúc xuống".

Mặc dù không độc như scopolamine, nhưng chắc là do có bà con họ hàng với nhau nên hoa huỳnh liên cũng có độc. Theo trang vuoncay.vn: Tất cả các bộ phận của cây Huỳnh liên đều chứa Cardiac Glycosides, chất kịch độc. Người bị ngộ độc Cardiac Glycosides có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và bị ảo giác, nghiêm trọng hơn có thể gây chết người. Vì vậy khi trồng cây huỳnh liên cần chú ý tránh xa tầm tay trẻ em để tránh việc trẻ nuốt phải cây.


Tui đang ngửi thử coi hoa huỳnh liên có độc không! Hình như sắp rơi vô trạng thái mất ý thức thì phải.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét