12 thg 3, 2024

Đăk Pek - miền “đất lửa” một thời

Đã nhiều năm trôi qua, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek (huyện Đăk Glei) - chứng tích về tinh thần yêu nước, bất khuất của quân và dân ta - trở thành niềm tự hào của người dân địa phương và cả nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Dù đã đến với Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek nhiều lần, tuy nhiên, trước đây tôi chưa có cơ hội được tìm hiểu cặn kẽ về những thông tin lịch sử, quá trình đấu tranh của quân và dân ta. Thật may mắn khi vào cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học thông qua hồ sơ Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek (huyện Đăk Glei) đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Được tham gia Hội thảo này, tôi có dịp tiếp cận những thông tin xác thực nhất về Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek. Đồng thời, tôi được gặp gỡ nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia vào trận đánh hào hùng, giành thắng lợi vẻ vang, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trao đổi, chia sẻ những thông tin về cuộc chiến tại Đăk Pek. Ảnh: T.T

Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, tuy mấy chục năm trôi qua, nhưng ông Phạm Huỳnh Công vẫn nhớ như in: “ Ngày 20/4/1974, tôi cùng đồng đội rầm rập xuôi về hướng Nam, đi đánh trận tại Đăk Pek. Các đơn vị xe, pháo, hỏa lực tham gia chiến dịch cũng lần lượt tiến quân. Đoàn xe nối đuôi nhau hiên ngang giữa “thanh thiên bạch nhật” tạo cho tôi một cảm giác cực kỳ hưng phấn. Suốt đời lính chiến, chưa bao giờ chúng tôi đi chiến đấu lại có cảnh “chính quy, hiện đại” đến thế”.

Theo ông Phạm Huỳnh Công kể lại, thời điểm đó, cuộc hành quân bằng cơ giới, vận chuyển cả một trung đoàn cùng các phương tiện, vũ khí được diễn ra thật oai hùng. Bộ đội vận tải của Binh đoàn Trường Sơn đã chuẩn bị phương tiện, hiệp đồng rất chặt chẽ, toàn diện.

Từ đài quan sát trên đỉnh núi nhìn xuống, Đăk Pek là một thung lũng rộng, trong lòng là những ngọn đồi thấp, nhấp nhô. Qua ống nhòm, ông Phạm Huỳnh Công nhìn rõ đồn địch san sát, nối với nhau bằng những thông hào, hình thành một vùng cứ điểm liên hoàn, vững chắc nằm lẫn trong khu vực dân cư, thôn làng.

Những hoạt động về nguồn được tổ chức tại Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek. Ảnh: T.T

Theo thông tin từ phía địch, chúng khẳng định, căn cứ Đăk Pek là một “chiếc đinh thép” đóng chặt vào con đường 14. Đây là một tiền đồn không thể lay chuyển. Căn cứ này chặt đứt đường vận chuyển, tiếp viện vũ khí, lương thực của “Việt cộng” từ Bắc qua Tây Nguyên vào Nam.

Căn cứ tình hình chiến trường, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Đoàn 260 thực hiện nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pek nhằm hoàn chỉnh vùng giải phóng Bắc - Tây Bắc Kon Tum, mở thông đường hành lang chiến lược Đông Trường Sơn. Đoàn 260 gồm Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn bộ binh 10), Trung đoàn bộ binh 3 (Sư đoàn bộ binh 324), cùng các đơn vị pháo binh, bộ binh, phòng không, thông tin và lực lượng vũ trang địa phương. Mục tiêu tiến công chủ yếu là sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trận địa pháo trong cụm cứ điểm chính - do Tiểu đoàn 88 biệt động quân của quân đội Sài Gòn chốt giữ; mục tiêu tiến công thứ yếu là khu hành chính quận lỵ

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, đến ngày 15/5/1974, các đơn vị thuộc Đoàn 260 hoàn thành nhiệm vụ hành quân chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng tiến công địch. Sáng 16/5/1974, trận đánh chính thức mở màn. Theo kế hoạch, lực lượng pháo binh, xe tăng nổ súng tiến công sở chỉ huy, các lô cốt, công sự, hỏa điểm, nhất là trên các khu vực đột phá của bộ binh.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt và không có quân cứu viện, một bộ phận lớn quân đội Sài Gòn tại quận lỵ Đăk Pek đã đầu hàng. Đại đội 11, Trung đoàn bộ binh 3 vào quận lỵ tiếp nhận hàng binh và sử dụng bộc phá diệt nốt lực lượng địch còn ngoan cố chống cự trong hầm ngầm.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công địch ở cụm cứ điểm Đăk Pek, đội công tác vũ trang của huyện và tỉnh đánh vào các ấp của địch (Đăk Ven, Đăk Poi, Đăk Chung, Đăk Rao, Đăk Tum…) kêu gọi quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Các lực lượng ta vừa vận động quần chúng trở về với cách mạng, vừa tách dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, thiết lập chính quyền cách mạng.

Số hóa địa chỉ đỏ tại Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek. Ảnh: T.T

Lục lại ký ức hào hùng về trận đánh cứ điểm Đăk Pek, cựu chiến binh A Cham - thôn Măng Rao, xã Đăk Pek kể: Khi diễn ra trận đánh, tôi làm Trung đội trưởng dân quân tự vệ, thuộc Huyện đội H40. Sau hơn 4 giờ giao tranh ác liệt, quân ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei. Để giành được chiến thắng, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã nằm xuống. Bản thân tôi cũng bị nhiều mảnh đạn găm vào tay, chân, thương tật đến 44%. Tuy nhiên, trước chiến thắng của quân và dân ta, ai ai cũng rất vui mừng, dường như mọi người đều gạt đi nỗi đau, sự mệt mỏi để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Kết thúc trận đánh, quân và dân ta đã đập tan bộ máy chính quyền của địch ở một quận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, xóa sổ Tiểu đoàn 88 biệt động quân, giải phóng 3.000 dân trong 8 xã, 10 ấp chiến lược. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, tác động đến cục diện chiến trường Tây Nguyên cũng như chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Thắng lợi của trận tiến công cụm cứ điểm Đăk Pek đã góp phần mở rộng vùng giải phóng Tây Nguyên thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh từ Bắc Kon Tum đến Nam Đăk Lăk. Đồng thời, cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, củng cố lòng tin của nhân dân, làm thất bại âm mưu kìm kẹp, giành dân, chiếm đất của chính quyền, quân đội Sài Gòn.

Cụm cứ điểm Đăk Pek bị tiêu diệt - chốt chặn cuối cùng của quân đội Sài Gòn trên đường số 14 (Bắc Kon Tum) bị xóa sổ, tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn được khai thông, rút ngắn được tuyến vận chuyển đường xe cơ giới từ Bắc vào Nam. Trên cơ sở đánh giá sự trưởng thành của lực lượng vũ trang, cuối tháng 6 năm 1974, Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên ra Nghị quyết về xây dựng khối chủ lực Tây Nguyên thành binh đoàn tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đây là những điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hành những chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày nay, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek đã trở thành một địa điểm lịch sử đánh dấu về một thời bom đạn, máu lửa, nhưng cũng đầy kiêu hùng của dân tộc ta. Cứ mỗi dịp tháng 7 hằng năm, địa điểm này lại chào đón từng tốp người đến tham quan, đặc biệt là lớp trẻ đến tri ân, tưởng nhớ về công ơn của những thế hệ đi trước. Có lẽ từ sâu thẳm trái tim, mỗi người đều dâng tràn niềm tự hào với những chiến công đã đi vào huyền thoại của cả dân tộc, đặc biệt là với con người và vùng đất nơi đây.

Tất Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét