18 thg 5, 2020

Nguyễn Viết Chất- Nhà khoa bảng đầu tiên của Bắc Giang

Năm Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long để tôn thờ Khổng thánh và làm nơi các Hoàng tử đến học. Sau đó 5 năm, niên hiệu Thái Ninh thứ 4, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi Minh kinh bác sĩ đầu tiên để kén chọn người giỏi văn, thông tỏ kinh sách ra làm quan, phò vua giúp nước.
Ngoài Văn Miếu, sử cũ không ghi về hệ thống trường học khác ở Kinh kỳ và các lộ, châu nhưng chắc rằng ở chốn thiền lâm, các nhà sư là người trực tiếp tham gia đào tạo, tuyển chọn nguồn nho sinh ưu tú cho các kỳ thi cao cấp mà thời kỳ đầu nhà Lý khai mở nền khoa cử.

Xã Trí Yên, huyện Yên Dũng quê hương của nhà khoa bảng Nguyễn Viết Chất. Ảnh: Văn Vĩnh

Miền quê Bắc Giang, từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, năm Mậu Thìn đã có nho sinh ưu tú đỗ đại khoa, đó là Nguyễn Viết Chất, người xã Phượng Nhãn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) và trở thành danh nhân khai khoa cho nền khoa cử của quê hương Bắc Giang thời phong kiến.

Đến nay, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa để tâm tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Viết Chất nhưng tất cả đều không đạt được tâm nguyện, bởi tư liệu lịch sử văn hóa ghi chép về ông vô cùng ít ỏi. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075- 1919” do Giáo sư Ngô Đức Thọ (chủ biên) cũng căn cứ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đại Việt Lịch đại đăng khoa lục, Tam khôi lục giới thiệu về Nguyễn Viết Chất như sau: “Nguyễn Viết Chất, người huyện Phượng Sơn - Nay thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Hà Bắc. Đỗ thứ hai Đệ nhất giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh 3 đời Lý Huệ Hoàng”.

Sau nhiều biến cố của lịch sử dân tộc, tư liệu về Nguyễn Viết Chất đã bị mai một. Quê hương ông ở xã Phượng Nhãn (thời Lý - Trần là huyện Long Nhãn (Nhỡn), thời Minh thuộc đến thời Lê sơ, Mạc là huyện Phượng Sơn, sau đổi thành huyện Phượng Nhãn, nay là huyện Yên Dũng). Xã Phượng Nhãn xưa có tên Nôm là làng Nhạn, tọa lạc cạnh ngã ba sông, nơi hội tụ hai dòng sông Thương và sông Lục Nam. Phượng Nhãn là làng cổ được hình thành từ thời Bắc thuộc, cách trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm hơn một cây số đường ven bờ sông Lục Nam.

Khi tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Nguyễn Viết Chất, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề: Tại sao ngay từ những năm cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII miền quê xa xôi như Phượng Nhãn đã có người đỗ đại khoa? Người đỗ đại khoa khi đó phải là những người thông tỏ kinh sách thánh hiền, vậy Nguyễn Viết Chất được học tập trau dồi tri thức Hán học ở đâu? Ai là người thầy đã truyền thụ kiến thức cho ông? Và rất nhiều vấn đề khác nữa như: Thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của ông với đời vẫn chưa được sáng tỏ.

Thế kỷ XI - XII, để tạo sức mạnh chống thù trong giặc ngoài, vương triều Lý đã thực hiện chính sách “cơ mi” nhằm củng cố tình đoàn kết dân tộc, nhà Lý đã gả các công chúa cho các Tù trưởng miền biên ải, trong đó có các tù trưởng Lạng châu (vùng Bắc Giang và miền hạ đất Lạng Sơn ngày nay). Sử cũ đã ghi chép về ba đời Tù trưởng họ Giáp (sau đổi sang họ Thân) quê ở Động Giáp, châu Lạng được vua Lý kén làm Phò mã (Giáp Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc).

Các Công chúa khi sống cùng các Tù trưởng đã đem văn hoá miền Kinh kỳ giao thoa cùng văn hoá bản địa. Chính vì thế, trên vùng đất ven bờ sông Lục (Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng ngày nay) còn nhiều dấu tích các ngôi chùa cổ thời Lý như: Chùa Bạch Vân (Phượng Sơn - Lục Ngạn), chùa Nhạn Tháp, chùa Cao, chùa Tòng Lệnh (Lục Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). Với sự xuất hiện các đại danh lam cổ tự ở đôi bờ sông Lục do nhà Lý xây dựng đã thu hút nhiều vị cao tăng đến trụ trì.

Họ là những người thầy đảm nhận việc dạy chữ Hán kết hợp với việc tuyên truyền giáo lý, kinh điển nhà Phật và tri thức cho sĩ tử đương thời. Và chắc hẳn Nguyễn Viết Chất đã được luyện rèn, trau dồi tri thức từ những ngôi trường của những chốn thiền lâm đó chăng?

Nguyễn Văn Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét