18 thg 5, 2020

Núi Dục Thúy, ngôi nhà bảo tàng thiên tạo lưu giữ văn thơ

I. Dục Thúy – Núi Lịch sử.

Đến thành phố Ninh Bình, du khách sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ thú của hòn núi đá nghênh bóng chênh vênh, lặng lẽ soi mình bên bờ giữa ngã ba sông Đáy - sông Vân. Đó là núi Dục Thuý (núi Non Nước), tạo nên vẻ huyền diệu, sơn thuỷ hữu tình của thành phố.

Núi có từ lâu lắm, bể dâu thay đổi, biển lùi xa và núi từ mặt đất trội lên, lặn ngụp thách thức với thời gian, như một nghệ sĩ tuyệt vời, thiên nhiên đã kiến tạo nên. Nói như Ngô Thì Sĩ, bốn chữ Hán lớn khắc ở vách núi “Vũ Trụ Dĩ Lai”, từ khi có vũ trụ, có trời đất là có núi này và bốn chữ Hán nữa cũng khắc ở vách núi, “Y Nhiên Thiên Cổ” (muôn đời vẫn thế) của Nguyễn Hữu Tường.


Núi cao khoảng 25 mét, đỉnh tương đối bằng phẳng, phía trước nhô cao hơn phía sau. Phía bắc và phía đông chân núi, lưỡi sóng đã liếm mòn quanh, bào gọt, khoét sâu hõm vào, làm cho thế núi muốn nhô ra để soi trọn mình trên tấm gương sông Đáy, tạo thành một mái hiên hình vòm cuốn, đổ bóng, che rợp một khoảng sông có chiều dài 15 mét. Dưới bóng rợp ngàn đời đó, nước sông ngả màu xanh đen mỗi khi mặt trời xế bóng hay lung linh bảy sắc cầu vồng khi bình minh chiếu sáng, những chiếc tàu thuyền lớn nhỏ chở vật liệu xây dựng tấp nập nghỉ ngơi, yên tĩnh đến xao lòng.

Chính vì vậy, có một thời, không rõ ai “đã viết một chữ “Xảo” (khéo) thật lớn ở phía ngoài cửa động (động Tam Phủ), nét bút thực cứng cáp, không thấy đề năm tháng, họ tên”, “Núi Dục Thuý chỉ duy mình là “khéo” cho nên nó là của chung để mọi người trong thiên hạ thưởng ngoạn” (Vũ Phạm Khải), với hàm ý thiên nhiên tuyệt đẹp.

Phía Bắc núi, nước biển hàng triệu năm đẽo gọt làm cho vách đá nhẵn lì như mài và mòn lõm chạy sâu vào làm thành động, gọi là động Tam Phủ (Thiên Phủ, Địa Phủ, Thuỷ Phủ). Đó là những kỳ công tuyệt tác của tạo hoá mà con người không thể nào làm được.

Cũng ở sườn núi phía Bắc, tảng đá gần dòng nước, có khắc ba chữ Hán: Khán Giao Đình (Đình ngồi xem giao long) của vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) được chạm khắc vào năm 1782. Phía tây nam chân núi có đền thờ Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Hiện nay đền Trương Hán Siêu ở đó.

Trên các vách núi, nhũ đá rêu phong, những lùm cây mọc xanh biếc, có nhiều mỏm đá như hình muôn tượng hoá thành.

Muốn đến đỉnh núi Dục Thuý, du khách phải bước lên gần 100 bậc đá ở sườn núi phía nam, nhiều bậc đá mòn lõm, nhẵn lỳ vì đã có nhiều người lên núi. Lên đến đỉnh núi, du khách nhìn thấy cảnh sông nước bao la, mây trời tuyệt đẹp và cõi lòng lắng xuống để thả bay trong gió những lo toan trần tục của cuộc sống thường nhật.

Từ ngàn xưa, núi có tên là Non Nước. Đến thời Trần, ông Trương Hán Siêu đặt tên núi là Dục Thuý, có nghĩa là con chim trả tắm mình bên dòng sông nước bạc (Dục là tắm, Thuý là con chim trả) – tên gọi rất tượng hình, đầy màu sắc mộng mơ.

Núi còn có một số tên gọi khác nữa như: Băng Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Sơn Thuỷ, Hộ Thành Sơn, Thanh Hoa Ngoại Trấn Sơn, Trấn Hải Đài, Dục Thuý Sơn Hải Khẩu,... Tên gọi nào cũng đẹp, cũng thơ. Còn nhân dân thì gọi núi là Non Nước – cái tên nôm na, giản dị bằng những câu ca dao dân dã: “Ai về qua đất Ninh Bình/ Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ/ Nước non, non nước như mơ/ Càng nhìn Non Nước càng ngơ ngẩn tình.”

Từ thế kỷ thứ X, Đinh Bộ Lĩnh đã dựa vào thế núi, tấn công tiêu diệt một cánh quân mạnh nhất của một trong mười hai sứ quân thời ấy là sứ quân Phạm Phòng Át tức Bạch Hổ.

Khi lên ngôi vua (968 – 979) Đinh Tiên Hoàng đặt tên núi là Ngự Trấn Phòng Sơn và cho xây đồn luỹ trên núi, dùng núi như một tiền đồn kiểm soát con đường bộ từ Tam Điệp ra, con đường biển vòng qua cửa Đại Ác, sau đổi là Đại An (nay là ngã ba Độc Bộ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Lê Đại Hành lên ngôi vua (980) cho quân lính thiện chiến ở núi canh gác, cũng coi núi như một tiền đồn để bảo vệ Kinh đô Hoa Lư.

Vào thời Lý, vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Quảng Hựu thứ 7, Tân Mùi (1091), dựng ở trên núi một cái tháp cao (chưa rõ cao bao nhiêu tầng). Ngoài tháp Linh Tế, trên đỉnh núi còn được xây dựng thêm chùa Sơn Thuỷ (chùa Non Nước). Ngôi chùa này còn tồn tại đến đầu thời Nguyễn. Đời vua Gia Long (1802 – 1819), nhân dân địa phương đã chuyển dời đến núi Cánh Diều (núi Ngọc Mỹ Nhân) nằm ở giữa thành phố Ninh Bình.

Sang thời Trần, vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) đã từng lên thăm núi vào năm Nhâm Tý (1312).

Thời kỳ này, núi đứng gần cửa biển, gọi là cảng Phúc Thành.

Một thời gian sau tháp trên đỉnh núi đã đổ vỡ. Đến năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu thứ 9, đời vua Trần Hiến Tông, tức là năm 1337, tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại, kéo dài trong 6 năm, mãi đến năm 1342 mới hoàn thành, người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu (người phủ Tràng An, châu Đại Hoàng), học trò Pháp Loa (đệ nhị tổ dòng phái Trúc Lâm). “Tháp xây 4 tầng, đêm toả hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ”. Tháp Linh Tế được xây dựng do yêu cầu chôn cất xá lị (tro xác) của Pháp Loa (người Chí Linh, Hải Dương).

Niên hiệu Thiệu Phong thứ ba (1343), triều vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), do yêu cầu của nhà chùa và sư Trí Nhu, khi đang giữ chức Tả ty lang trung, Tả gián nghị đại phu, Trương Hán Siêu đã viết bài “Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký” (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thuý). Trương Hán Siêu đã cho khắc bài ký đó bên sườn núi về phía bên tay phải lối đi lên núi. Trương Hán Siêu cũng cho khắc bài thơ chữ Hán “Dục Thuý Sơn” của mình (khắc theo lối chữ Lệ - lối viết như triện nhưng ít nét và hình vuông) trên vách núi Dục Thuý.

Thời Lê, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), năm Quang Thuận thứ 8 (1467), khi ở Vĩnh Lăng (Thanh Hoá) trở ra đã dừng thuyền lên thăm núi Dục Thuý. Nhà vua đã viết bài thơ “Đề núi Dục Thuý” và cho khắc bài thơ đó trên vách núi Dục Thuý.

Vua Lê Thánh Tông còn cho dựng Hành cung ở núi, gọi là cung Sơn Thuỷ.

Vua Lê Hiến Tông (1498 – 1504) cũng lên thăm núi, có đề thơ khắc ở vách núi.

Thời Lê (1428 – 1527), tháp Linh Tế vẫn còn. Nguyễn Trãi nhiều lần đến thăm núi Dục Thuý đã viết bài thơ Dục Thuý sơn, có nói về tháp Linh Tế: “Bóng tháp hình trâm ngọc/ Gương sông ánh tóc huyền.”

Đến thời Hậu Lê (1533-1778) tháp Linh Tế bị đổ vỡ.

Niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), vua Lê Hiển Tông cũng dựng Ly Cung ở núi để phòng khi vua chúa đi tuần hành lên núi. Ly Cung được xây dựng theo thế núi, quy cách rất lộng lẫy. Sau khi vạc đổi, Cung bỏ làm trường lương Tràng An, tháp (tháp Linh Tế) cũng đổ nát (Phạm Đình Hổ - Tang thương ngẫu lục).

Khi kéo quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ đặt tổng hành dinh ở dưới chân núi Dục Thuý. Sau khi đánh tan quân Thanh, trên đường trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ còn dừng chân trên núi. Tương truyền, trên đỉnh núi, có tảng đá bằng phẳng như chiếc chiếu trông rõ 3 vết lõm. Đó là dấu hai bàn chân và mũi kiếm của vua Quang Trung khi Người chống kiếm đứng ngắm vùng non nước kỳ thú nơi đây. Tảng đá này không còn nữa vì giặc Pháp đã phá huỷ khi chúng xây lô cốt trên đó.

Sang nhà Nguyễn, năm 1821, vua Minh Mạng (1820-1840), năm thứ hai, tuần du ra Bắc Hà, lên thăm núi Dục Thuý, ban sắc cho dựng lầu ở trên núi. Đến năm Minh Mạng thứ 5, tức là năm 1824, cho xây tỉnh thành Ninh Bình bằng gạch kề ngay vào núi, lấy núi làm một phần góc thành về phía hai bờ sông Đáy và sông Vân. Vì vậy, năm 1842, vua Thiệu Trị (1841-1847) cũng tuần đu Bắc Hà, khi dừng chân nơi đây, gọi núi là Hộ Thành Sơn.

Núi Dục Thúy Ảnh: ĐÀO MINH TIẾN

Nhà vua cho dựng Hành Cung và xây Bi Đình (Đình Bia), gọi là Đình Bia Ngự Thi, cao ngất, đối diện với Hành Cung ở trên đỉnh núi để che mưa nắng, gió sương, bảo vệ các bài thơ khắc trên vách núi của các vua chúa và thi nhân thời trước.

Nhà vua còn cho “xây đắp nữ tường và dựng xưởng súng ở trên núi” (Đại Nam nhất thống chí).

Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình. Từ đó núi Dục Thuý đã mất đi dáng vẻ lộng lẫy của mình.

Năm 1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng quyết định tổ chức trọng thể kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 12 (1917-1929).

Để thực hiện nghị quyết đó, Ban lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã họp vào đầu tháng 10 năm 1929, quyết định tiến hành nhiều nội dung hành động, trong đó có nhiệm vụ treo cờ búa liềm trên đỉnh núi Dục Thuý. Đây là ngọn núi có vị trí chiến lược rất quan trọng, nằm sát đường xe lửa chạy Bắc Nam và đường liên tỉnh Ninh Bình - Nam Định, địch lại đang đóng trên đỉnh núi, canh phòng cẩn mật, gần đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng càng ráo riết phòng bị suốt ngày đêm.

Anh Nguyễn Văn Hoan khi đó 23 tuổi và anh Lương Văn Tụy 15 tuổi là hai thanh niên cộng sản ở Ninh Bình đã được Ban lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ cắm cờ búa liềm trên đỉnh núi Dục Thuý. Tượng đài anh Lương Văn Tụy hiện nay đã dựng trên đỉnh núi.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc, núi Dục Thuý đã từng ghi những chiến công oanh liệt của quân và dân Ninh Bình ở chiến dịch Quang Trung năm 1951.

Anh Giáp Văn Khương, anh Xạ và anh Lục lại tình nguyện ở trên đỉnh núi chiến đấu để cho đồng đội rút lui xuống núi. Kẻ địch rất đông, tràn lên đỉnh núi, bên ta chỉ có 3 người. Các anh phải dựa vào các lùm cây, hốc đá trên đỉnh núi đánh trả rất ác liệt. Sau khi đồng đội đã xuống núi hết, anh Giáp Văn Khương, anh Xạ và Lục mới rút lui. Dây buộc trên đỉnh núi thả xuống dòng sông Đáy đã đứt. Không còn con đường nào khác, các anh đã lao người từ một điểm trên núi Dục Thuý xuống dòng sông Đáy. Dòng sông Đáy khi đó dày đặc bèo tây. Các anh lặn một hơi sang phía bên kia sông, đội bèo về căn cứ. Đây quả là một cuộc chiến đấu dũng cảm và một cuộc rút quân độc đáo, oanh liệt.

Núi Dục Thuý chính là nhân chứng muôn đời của đất nước, chứng kiến biết bao chiến tích vẻ vang theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Ngày nay lên thăm núi Dục Thúy, du khách thấy Nghênh Phong Các. Trước đây Nghênh Phong Các được Trương Hán Siêu xây dựng trên đỉnh núi nhưng đã bị đổ vỡ. Đến cuối thời Hậu Lê, nhân dân đã xây dựng lại Nghênh Phong Các, bên trong có treo bức hoành phi với 4 chữ Hán sơn son thếp vàng: Trương Công Như Tại (Cụ Trương vẫn còn đây). Sang thời Nguyễn, Nghênh Phong Các vẫn còn. Thực dân Pháp xâm chiếm Ninh Bình, xây lô cốt trên đỉnh núi, Nghênh Phong Các được chúng sử dụng như một trại lính. Rồi thiên nhiên khắc nghiệt góp phần làm cho Nghênh Phong Các không còn nữa.

Mãi đến năm 1961, Nhà nước ta tiến hành xây dựng lại Nghênh Phong Các.

Cùng với việc xây dựng Nghênh Phong Các, nhân dân Ninh Bình đã góp công sức vận chuyển theo gần 100 bậc đá, đưa lên đỉnh núi hàng ngàn khối đất, san lấp bằng phẳng đỉnh núi như một vườn nhà, rộng hơn 3 sào bắc bộ để trồng cây và trồng hoa.

II. Dục Thúy – Núi Thơ.

Trương Hán Siêu là người khai sinh ra truyền thống khắc thơ vào núi ở Ninh Bình, tạo nên một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Sau Trương Hán Siêu cho khắc bài thơ “Dục Thúy Sơn” (Hiện nay không còn), các nhà vua và các tao nhân mặc khách nổi tiếng cho khắc nhiều thơ ở núi gồm: Tiến sĩ Phạm Sư Mạnh, vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), vua Lê Hiến Tông (1461 – 1504), vua Lê Tương Dực ( 1455 – 1516), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789), Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm (1722 – 1784), Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), Tuần phủ Ninh Bình Tôn Thất Tĩnh, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805 – 1881), Phó bảng Bùi Văn Dị (1833 – 1895), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 – 1902) khắc 2 bài, Tiến sĩ Nguyễn Tái, Tuần phủ Ninh Bình Nguyễn Hữu Tường khắc 2 bài, Niết sứ Ninh Bình Nguyễn Đình Chuẩn khắc 2 bài, Tiến sĩ Từ Đạm (1862 – 1936) khắc 3 bài, nhà thơ Tản Đà (1888 – 1939), Phó bảng Từ Thiệp (1866 - ?), Tri phủ Nho Quan Trần Tâm, Nguyễn Đình Giác, Tri phủ Yên Mô Phạm Huy Toại, Tuần phủ Ninh Bình Phan Đình Hòe (1876 – 1954), Tuần phủ Ninh Bình Bùi Thiện Cơ khắc 2 bài, Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Văn Đào, đặc biệt có một người Trung Quốc sống ở đời vua Càn Long là Phạm Bá Đàn cũng có thơ khắc ở núi.

Như thế, hiện nay, trên núi Dục Thúy chỉ có 30 bài thơ (30 bút tích thơ) được chạm khắc của 24 tác giả, trong đó gồm 23 bài thơ chữ Hán, một bài thơ chữ Nôm duy nhất của Tri phủ Nho Quan Trần Tâm, 6 bài thơ chạm khắc chữ Quốc ngữ của 6 tác giả: Nguyễn Đình Chuẩn, Từ Đạm, Tản Đà, Từ Thiệp, Nguyễn Đình Giác, Phạm Huy Toại. (Một số sách và bài báo viết núi Dục Thúy, hiện nay còn 44 bia với 41 bài thơ là chưa chính xác).

Dĩ nhiên núi Dục Thúy còn có một số bài thơ chạm khắc nữa nhưng do thực dân Pháp phá núi xây dựng lô cốt trên núi, nên hiện nay không còn, chỉ còn 30 bài thơ mà thôi.

Theo một số sách chữ Hán xưa, còn ghi thì 9 tác giả có 10 bài thơ chữ Hán chạm khắc trên núi (hiện còn trên thác bản) là: Trương Hán Siêu, Nguyễn Hữu Nghi, Hoàng Quýnh Liệt, vua Thiệu Trị, Tiến sĩ Trương Quốc Dụng, Bùi Huy Tùng, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Hoàng giáp Lê Hữu Thanh, Trần phủ Ninh Bình Trần Thiện Chính có 2 bài. Trên núi Dục Thúy không tìm thấy 10 bài thơ này.

Ngoài ra, núi Dục Thúy còn được khắc bài “Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp ký” của Trương Hán Siêu viết vào năm 1343; Thánh chỉ của Thái Thượng Hoàng đế Trần Minh Tông khắc vào niên hiệu Thiệu Phong, năm Kỷ Sửu (1349) đời vua Trần Dụ Tông; các văn bản liên quan tới ruộng đất, địa giới, địa danh cổ; bia cúng tiến, ruộng đất của hai công chúa Huyền Tư và Huệ Thục; Bia “Nhất kí Thiên Long thường trụ tam bảo vật” (không còn trên núi, chỉ còn mảnh vỡ); Bia “Bắc trường thập sào…” (không còn trên núi, mảnh đá rơi xuống chân núi); Đặc biệt có tấm bia lớn ghi niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 2 Nhâm Ngọ (1342) nói về việc xây dựng và mở hội chùa mùa xuân. Như thế các bia chạm khắc văn xuôi chỉ có khoảng 8 bài.

(Một số sách và báo viết núi Dục Thúy hiện nay còn chạm khắc 16 bài văn là chưa chính xác).

Ngoài nhiều bài thơ, bài văn khắc trên núi, còn có đến hàng trăm bài thơ kim cổ khác viết vịnh núi Dục Thúy của các ông vua và những thi nhân như: Trần Anh Tông, Thiệu Trị, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Ninh Tốn, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Xuân Ôn, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Quý Thứ, Trần Thiện Chính, Lê Hữu Thanh, Nguyễn Miên Thẩm, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Đoàn Triển, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Tư Giản, Trần Văn Cận, Nguyễn Trọng Hợp, Trương Đăng Quế, Nguyễn Can Mộng, Trần Tử Mẫn, Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Bang Hành, Hoàng Tạo, Phan Đình Hòe, Nguyễn Văn Thuật, Trần Thánh Tiến, Phạm Như Khuê, Vũ Tiến Cự, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Tử Dự, Ngô Vi Lâm. Nguyễn Hữu Nghi, Hoàng Quýnh, Trương Quốc Dụng, Trần Tư Thành, Ngô Thế Vinh, Lê Danh Đề, Đặng Thạch Hà, Bùi Huy Tùng, Phạm Hy Lượng, Nguyễn Tái, Đặng Huy Xán, Lương Ngọc Dĩ, Lê Thị Tử, Ngô Thuần, Đạm Trai,… các tác giả khuyết danh.v..v.

Không một ngọn núi nào trên đất nước Việt Nam có nhiều thơ khắc như ở núi Dục Thúy. Núi được khắc 30 bài thơ hiện còn trong 07 thế kỷ qua, chính vì thế nó còn được gọi là Núi Thơ. Đó là những bức thông điệp văn học vô giá – trường tồn cho các thế hệ mai sau. Nó cũng thể hiện tài năng sáng tạo, kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân khắc chữ Hán trên đá thời xưa. Bất luận thời gian, trải qua bao độ phong sương, mưa nắng của đất trời, những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, nét chữ to, nét chữ nhỏ, được đặt trân trọng trong khung hay không, khắc trên các vách núi vẫn chưa mờ như những tác phẩm điêu khắc tạo hình hoàn chỉnh cho cái đẹp của núi, đã cuốn hút nhiều du khách đến ngoạn mục, lòng không muốn rời, chân không muốn xa, để chìm say trong cảnh núi sông tuyệt mỹ.

Mỗi bài thơ khắc ở núi đều có một nét riêng tỏa sáng như viên ngọc quý có nhiều màu làm cho núi càng tăng thêm kỳ ảo. “Con chim trả khổng lồ” ấy đã xăm đầy mình và đôi cánh những bài thơ kim cổ bất hủ. Thơ khắc kín tất cả các sườn non Dục Thúy, ở ngay cả những vách đá chênh vênh trên cao, dưới thấp. Những vách gấm này, đã vững chãi giữa trời mây, non nước bao la. Và vì vậy, con chim trả kiều diễm mang nặng thơ, vẫn đậu mãi cho đến bây giờ.

Không chỉ là nhà Bảo tàng thiên tạo lưu giữ thơ văn, núi Dục Thúy còn gắn liền với hai kiến trúc Văn hóa và Phật giáo.

Dưới chân núi ở phía Tây Nam có đền thờ Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu.

Đền được khởi công xây dựng từ năm 1998, đến cuối năm 2000 hoàn thành.

Dưới chân núi phía Đông Bắc là chùa Non Nước có từ xưa, hiện nay xây dựng lại khang trang to đẹp hoàn thành năm 2019 thờ Phật.

Hai kiến trúc này cùng núi Thơ Dục Thúy là cụm Di tích lịch sử Văn hóa độc đáo, đặc biệt của thành phố Ninh Bình, lại có thêm dòng sông Vân huyền thoại chảy dọc giữa thành phố Ninh Bình, “Núi Thúy – Sông Vân” đã tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình thơ mộng.

Ngày nay, nói như tác giả Trần Thuyết Minh vào năm 1922: “Tôi muốn rằng, ta nên tìm chỗ thanh cao thoáng đãng, thu hấp lấp không khí thuần nhất tinh lương để nuôi cho linh hồn thân thể… à, mà phải đấy, ta lên non Dục Thúy”.


LÃ ĐĂNG BẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét