26 thg 5, 2020

Là lạ củ hũ cau

Làng tôi chuối, cau nổi tiếng. Nhưng chưa thấy ai chặt cau chỉ để ăn củ hũ bao giờ. Có chăng là lúc cau bị sâu, hoặc làm đường, làm sân, bất đắc dĩ người ta mới hạ cau xuống, tiện thể thưởng thức món ngon lạ miệng.


Cây cau không hề xa lạ với chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn quanh năm nương vườn, rào giậu. Thuở nhỏ, dù là trai hay gái, chúng tôi đều biết leo trèo. Chân dẻo tay chắc thì cau, mù u, bứa. Nhỏ gan như tôi thì chỉ chăm chăm vào mấy cây ổi, cây xoài. Dạo còn bé, tôi cùng cậu em út hay đi bắt chim chột dột. Đây là loài sống trên cây cau, làm những cái tổ hình chiếc bầu vắt vẻo ở tàu cau trông rất đẹp.

Em tôi thoăn thoắt leo lên, vì gầy như cái que, nên ngọn cau nhỏ mà cu cậu vẫn lên tới tổ chim. Chẳng sợ độ cao, cậu em tôi nhìn nhìn trong tổ, thế rồi lặng lẽ tụt xuống. Thì ra chim con mới nở vài hôm, còn yếu ớt lắm. Cậu em tôi không nỡ bắt về. Nó chẳng tiếc công leo cây cau nguy hiểm, chỉ sợ chim không sống được, bắt về chăm chim hóa ra lại làm hại chim.

Sau này tôi được biết thêm một chuyện, đó là những người bắt chim. Để giữ chim, họ thắt dây vào chân chim non. Chim con lớn, nhưng do quên (hoặc nhiều lý do khác), người ta không đến bắt. Thế là dù đủ lông cánh, những con chim vẫn không thể rời tổ, chúng chết dần, chết mòn. Từ khi vô tình bắt gặp những hình ảnh ấy, chúng tôi cũng bỏ hẳn việc nuôi chim. Dù khi chúng lớn lên sẽ thả đi, nhưng nghĩ tới hình ảnh những con chim nhỏ lẻ loi, héo hắt trên ngọn cau, niềm vui chăm chim không còn trọn vẹn nữa.

Củ hũ cau so với củ hũ dừa đúng là một trời một vực, to lắm chỉ bằng cổ tay, nhiều cây củ hũ nhỏ xíu như lóng tay. Củ hũ trắng ngà, mùi cau thơm lựng. Để thưởng thức món ngon từ củ hũ cau, nhất thiết phải luộc nước sôi. Chất cau say, nếu ăn tươi hay làm vội thì sẽ dễ “ngây ngất”.

Củ hũ cau ngon nên thái mỏng hay dày đều dùng được. Lát mỏng mềm tan trong miệng, lát dày lại giòn sần sật. Đơn giản nhất là chế biến thành củ hũ xóc tỏi, luộc, cầu kì thêm chút xíu thì xào tôm thịt đều ngon.

Phi thơm xíu ném, tỏi, ớt tươi đập dập rồi cho củ hũ cau vào. Lửa thật to, nhanh tay đảo để củ hũ vừa chín nhưng cũng không mất nước. Sau đó thêm xíu nước mắm, lại cho thêm vài tép tỏi, chút tiêu xay thơm là đã có ngay món củ hũ cau đẹp mắt, ngon lành. Củ hũ bên ngoài giòn, bên trong ẩm, mềm. Hương cau khẽ thoảng nhưng sẽ lạ với người chưa quen mùi. Vị củ hũ ngọt, đọng lại khi nhai kỹ. Bẹ, tàu lá non xếp lớp giòn tan, phần thịt cau giòn rụm.

So với củ hũ dừa, củ hũ cau không ngọt bằng. Nhưng cái béo, mùi vị của củ hũ cau lại chẳng lẫn vào đâu được. Không hiếm, nhưng ít có dịp gặp, vì thế mỗi lần có củ hũ cau, mạ tôi nâng niu như tìm thấy một thức ngon thật quý. Bà đã chỉ tôi cách lấy củ hũ cau vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Và tự tay bà đã dạy tôi cách làm món ăn từ củ hũ cau, loại cây gắn bó với thời thơ ấu.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét