20 thg 5, 2020

Thơm ngọt quả gùi trên Cao nguyên M’nông

Cây gùi có tên khoa học là Willughbeia cochinchinensis, là loại thực vật có dây leo hóa gỗ mọc hoang dại trong rừng. Ở Việt Nam, cây gùi phân bố chủ yếu một số tỉnh ở vùng Đông Nam bộ và vùng phía Nam Tây Nguyên. 

Vào mùa gùi, bắt đầu từ tháng 4, 5 dương lịch, đi qua các bon làng chúng ta không khó để bắt gặp từng nhóm người M’nông rủ nhau vào rừng tìm hái những quả gùi chín vàng. Cũng từ đó những người đi buôn tập trung đón mua quả gùi của đồng bào dân tộc thiểu số đem bán. 


Gùi khi chín có kích thước to nhỏ khác nhau, có vỏ màu vàng, mỏng 


Thân cây gùi thường to bằng bắp chân người, tỏa ra nhiều nhánh với chi chít cành nhỏ quấn chặt lên các thân cây khác để vươn mình tìm ánh sáng của rừng. Lá gùi mọc đối, chóp nhọn; gân lá nổi rõ ở mặt trên, hoa tập hợp ở nách lá, màu trắng và thường trổ bông vào tháng 2, 3. Quả gùi phát triển từng chùm hoặc đơn lẻ, những quả đơn lẻ thường có kích thước to bằng nắm tay.

Để tìm hái được quả gùi không phải là một việc đơn giản, người ta phải lặn lội vào rừng sâu và phải đối diện với kiến, muỗi vằn và cả con vắt hút máu mới mong hái được nhiều gùi. Vì cây gùi là loài thân dây leo, thường quấn bám vào các thân cây lớn, cao hàng chục mét nên người ta phải trèo lên những cành cao, đu người ra các cành nhánh hoặc dùng móc kéo cành vào gần người hái từng quả, từng chùm một để tránh làm rụng những quả xanh.

Đặc biệt, người hái quả gùi phải có kinh nghiệm đi rừng, giỏi leo trèo mới có thể hái được những quả ưng ý, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể rơi từ trên cao xuống đất. Khi đi hái gùi, người ta thường mang theo sợi dây thừng ngắn, một đầu cột ở thắt lưng và đầu còn lại buộc ở thân, cành cây chắc khỏe để bảo đảm an toàn khi thu hái.

Quả gùi non màu xanh nhạt, có rất nhiều nhựa và vị chát, đắng, không ăn được. Quả gùi chín thoạt nhìn người ta có thể nhầm lẫn với quả trứng gà (Lê ki ma) vì hình dáng và màu sắc y hệt. Gùi khi chín có kích thước to nhỏ khác nhau, có vỏ màu vàng, mỏng, khi bẻ ra phần ruột bên trong có những múi như múi mít chứa hạt bên trong. Gùi sau khi hái không giữ được lâu vì chỉ khoảng 4-5 ngày quả sẽ bị hư.

Quả gùi sau khi hái thường được rửa sạch, ăn trực tiếp, có thể ăn cả vỏ hoặc lột vỏ tùy theo sở thích của người ăn, mỗi kiểu ăn có một cách cảm nhận hương vị khác nhau, khi ăn tránh cắn phải hạt vì hạt rất đắng. Khi ăn, cảm giác đầu tiên là vị chua ngọt, nhưng để lâu một chút ta sẽ thấy vị chua tan biến, còn lại vị ngọt lạ và mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, người dùng có thể xay sinh tố gùi, bỏ thêm một chút đường, hòa quyện cùng đá là sẽ có ngay một ly nước uống thanh mát, sảng khoái cơ thể trong những ngày nắng nóng.

Hiện nay, do diện tích rừng bị giảm nên số lượng cây gùi cũng đã giảm đáng kể. Thay vì chặt cây để dễ hái như trước đây, bà con dân tộc M’nông đã có ý thức hái giữ gìn cây, không chặt phá, khi hái tránh làm gãy thân, cành và chỉ hái những quả gùi đã chín. Người dân luôn tuyên truyền cho con cháu và mọi người trong bon biết giữ gìn và phát huy những lợi ích từ rừng, trong đó có quả gùi.

Giá quả gùi lúc đắt nhất vào khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, chính vụ giá chỉ còn 30.000 ngàn đồng/kg, có lúc chỉ bán được với giá 20.000 đồng/kg. Gùi được thu mua để bán ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo người M’nông ở xã Quảng Trực (Tuy Đức), tranh thủ lúc mùa vụ nông nhàn, họ mới rủ nhau lên rừng hái quả gùi về bán kiếm tiền nâng cao thu nhập cho gia đình vào thời điểm giáp hạt. Một ngày nếu chịu khó tìm một người cũng hái được từ 10 -15 kg gùi.

Theo kinh nghiệm của người M’nông, quả gùi có công dụng bồi bổ sức khỏe, thanh lọc cơ thể rất tốt. Rễ và thân cây còn được dùng để làm thuốc sắc uống tốt cho gan, hệ tiêu hóa hoặc dùng ngâm rượu làm thuốc cho phụ nữ mới sinh uống cho khỏe. Cũng theo người dân, không vì lợi ích thế mà họ chặt phá cây gùi, thay vào đó chỉ khi thật sự cần thiết thì họ mới lấy cây gùi về làm thuốc.

Bài, ảnh: Y Krăk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét