10 thg 5, 2020

Làng nghề đan lát M’nông

Đan gùi tuốt lúa

M’Nông là một trong ba nhóm dân tộc bản địa ở tỉnh Đắk Nông và là cư dân sống lâu đời nhất trên vùng đất này. Văn hóa M’nông nổi bật, có tầm ảnh hưởng lớn và lan tỏa trên khắp vùng đất Đắk Nông nên các nhà nghiên cứu đặt tên cho khu vực này là “Cao nguyên M’nông”. Cuộc sống của người M’nông gắn bó mật thiết với rừng, họ cư trú cả trên vùng đồi núi cao lẫn nơi trũng thấp nên biết dựa vào thiên nhiên để sinh tồn và chiến đấu với kẻ thù bảo vệ bon làng, lãnh thổ trong suốt chiều dài lịch sử. Rừng vừa là mái nhà che chở, vừa cung cấp nguyên vật liệu tự nhiên giúp người M’nông tạo ra những vật dụng phục vụ đời sống.

Bon Kon Hao có diện tích 963,5ha, cư dân bản địa là người M’nông (gần 5000 người), ngoài ra người Mạ, Kinh, Dao… cùng cộng cư sinh sống. Người M’nông nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như đan lát, dệt thổ cẩm.

Nghề đan lát truyền thống được lưu giữ bằng trí nhớ, truyền từ đời này sang đời khác và do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm để đan các vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, săn bắn hái lượm như: gùi, nia, nơm…Chất liệu chủ yếu được làm từ cây tre, nứa và mây (để buộc các góc, dây đai và đan hoa văn sản phẩm) và được lựa chọn theo kinh nghiệm (cây không quá non, quá già, dây mây dài có màu vàng hoặc xanh để khi buộc đảm bảo vừa vặn, mượt mà cho sản phẩm.

Kỹ thuật đan chủ yếu là cài lóng mốt, đôi, ba hoặc cài nan hình lục giác kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo,… Có nhiều dạng hoa văn đơn giản như hình xương cá, quả trám, hình lượn sóng đan xen xung quanh thân và theo mảnh. Tông màu chủ yếu là màu da lươn qua xông khói bếp (màu nâu nhạt), màu đen từ ngâm bùn, chà than củi bên ngoài tạo độ bóng. Tất cả các sản phẩm khi hoàn thiện đều được đặt trên dàn bếp lửa để hun khói tạo thêm độ bền cho sản phẩm. Hiện nay trong bon còn hơn 10 nghệ nhân đan giỏi cùng lớp thanh niên cận kề. Sản phẩm đan lát đã trở thành những vật dụng hết sức cần thiết của người M’nông xưa và nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét