4 thg 6, 2015

Những chiếc giếng ở quê hương Thánh Gióng

Theo truyền thuyết, Thánh Gióng sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngày nay, nơi đây vẫn còn những giếng nước thiêng gắn với nhiều câu chuyện lý thú.

Đầu tiên phải kể đến giếng Miếu Ban (xóm Ban, Phù Đổng). Giếng nằm sau miếu, nơi thờ Thánh Mẫu. Giữa giếng có một gò đất nổi lên rộng chừng 30m2, xung quanh có rất nhiều cây lộc vừng xòe tán xuống mặt nước. 


Hiện nay, người dân vẫn tổ chức thờ tự tại gò giữa giếng. Theo truyền thuyết đây là nơi Thánh Gióng ra đời và tắm trong giếng này. Giữa gò là một chõng đá, đằng trước bàn thờ là thống, liềm và một khúc rốn bằng đá - tương truyền của mẹ Thánh Gióng để lại. Vào những ngày hội, người đến đây lễ rất đông. 

Bà Thắng, 74 tuổi, người xóm Ban cho biết: "Theo các cụ xưa kể lại, Thánh Gióng sinh ra lớn lên ở xóm này, nên khi có Hội Gióng chỉ có dân xóm Ban mới được đóng vai tướng Đốc. Giếng này cung cấp nước ăn cho cả xóm. Hồi trẻ tôi thường gánh nước giếng về ăn. Bên cạnh giếng, dân làng có đào thêm một giếng khơi nhỏ nữa để lọc lại nước từ giếng này”. 

Hai giếng mắt rồng trong khuôn viên đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Gióng, đền Thượng. Ông Đinh Minh Tỉnh - Phó ban quản lý di tích cho biết: "Xưa đền Thượng được xây trên nền đất là trán của một con rồng. Hai giếng là hai mắt rồng. Một giếng đã được xây gạch từ lâu, chiếc còn lại như một ao nhỏ. Hiện chúng tôi đã vận động khách thập phương, Phật tử đóng góp tôn tạo giếng". 

Ông Tỉnh còn nói thêm: "Vị trí của đền Thượng là một thế đất linh thiêng, phù hộ cho quốc thái, dân an". 

Lễ rước nước mở màn hội Gióng (8 - 9/4 âm lịch). Vào ngày lễ, tất cả quân, tướng đều tham dự đám rước từ đền Thượng đến giếng đền Mẫu (cách khoảng 2 km) để lấy nước. 

Đội quân phù giá dàn thành hai hàng trên các bậc tam cấp xuống giếng. 

Nghi lễ bắt đầu với đôi chum "thiêng" đặt lên bệ bên bờ giếng. Người đứng gần giếng nhất cầm giáo đồng múc nước và chuyển đến cho người đứng bên chum. Sau đó nước được rót vào chum qua miếng vài đỏ. Tất cả đều được biểu diễn theo lệnh trống, chiêng và sênh của người xướng suất. 

Sau đó, người ta rước đôi chum trở về đền Thượng. Lễ rước nước rộn ràng với tiếng trống, chiêng đánh lên từng hồi. 

Nước được rước về đền Thượng đặt trước bàn thờ. 

Đoàn rước nước đi thành hàng một cách long trọng. 

Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét