18 thg 6, 2015

Miên man núi lửa

1.
Ghềnh Đá Đĩa là một kiệt tác thiên nhiên ở huyện Tuy An, Phú Yên. Nơi đây những cột đá, tảng đá hình ngũ giác, lục giác xếp đều đặn khít vào nhau tựa như có bàn tay của một vị thần. Có những mảng nhìn như tổ ong, những mảng khác như chén đĩa xếp chồng lên nhau.







Truyền thuyết kể rằng đây là một kho báu hóa đá. Xưa kia có một người giáu có, vợ mất sớm, không con, nguyện đem của cải phân phát cho người nghèo. Kho báu ông đặt ở ven biển Tuy An. Khi nguyện vọng chưa thành thì ông đã quy tiên. Kẻ xấu tìm đến đây để chiếm kho báu thì tất cả đã biến thành đá như ta thấy hiện giờ.

Truyền thuyết khác lại kể rằng xưa kia vùng đất này có cảnh trí rất thơ mộng, đến nỗi các vị tiên từ thiên đình chọn nơi đây làm nơi đối ẩm đề thơ, ngâm vịnh. Họ đã chuyển chén vàng dĩa ngọc từ cung đình xuống để bày yến tiệc. Khi các vị tiên này ngao du nơi khác, bỏ quên số chén dĩa nói trên, lâu ngày hóa thành những cột đá để thành Ghềnh Đá Đĩa như ngày nay.





Các nhà địa chất thì giải thích rằng cách đây 50 - 60 triệu năm, dòng dung nham núi lửa phun trào, đến đây gặp nước biển lạnh đông lại thành đá, ứng lực phát sinh khi co rút tạo thành những khối ngũ giác, lục giác.

Có lẽ không cần đến truyền thuyết, giải thích về địa chất cũng đã đẹp như một huyền thoại rồi. Hãy tưởng tượng hàng chục triệu năm trước, dòng dung nham nóng bỏng cuồn cuộn chảy tới đây rồi sững lại đứng yên giữa trời biển bao la, đó đã là bức tranh tráng lệ.

2.
Dòng dung nham ấy không chỉ tuôn trào đến ven biển Phú Yên, nó còn tuôn chảy về phía Bắc đến Quảng Ngãi, về Tây Nam đến Đắk Lắk, về Tây Bắc đến Pleiku.

Từ Ghềnh Đá Đĩa, 150 km theo đường chim bay về hướng Tây Nam là các thác Dray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ (trước thuộc Đắc Lắk, nay thuộc Đắk Nông). Nếu để ý, bạn sẽ thấy một số kết cấu đá ở đây giống như ở Ghềnh Đá Đĩa, chỉ có điều không nhiều và không tập trung như nơi đó mà thôi.


Các nhà địa chất đã xác định rằng những khối đá nơi đây cũng chính là dung nham núi lửa tạo thành như Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên.


Dray Sap. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

3.
Lại 150 km theo đường chim bay từ Ghềnh Đá Đĩa về hướng Tây Bắc là thành phố Pleiku, Các nhà địa chất đã xác định rằng quanh thành phố cao nguyên này là 15 ngọn núi lửa cổ, trong đó quen thuộc nhất là ngọn núi Hàm Rồng.

Núi Hàm Rồng nhìn từ cao ốc Hoàng Anh - Gia Lai. Ảnh Phạm Hoài Nhân

Đứng từ tầng cao tòa nhà Hoàng Anh - Gia Lai ở ngay thành phố, ta có thể nhìn thấy ngọn núi này. Bạn hãy nhìn sườn bên phải của ngọn núi trong hình, theo các nhà khoa học miệng núi là một chiếc phễu và dòng dung nham đã chảy theo triền phải này xuống dưới...

Hàm Rồng - DraySap - Ghềnh Đá Đĩa tạo thành một tam giác đều mà mỗi cạnh khoảng 150 km.

4.
Bây giờ lại nhớ tới quê hương mình, Xuân Lộc - Long Khánh. Từ hồi nhỏ, đã nghe mọi người nói rằng ngọn núi Chứa Chan ở Xuân Lộc là núi lửa đã tắt.

Núi Chứa Chan. Ảnh: Wikipedia

Theo Địa chí Đồng Nai, 1/3 diện tích của tỉnh là địa hình núi lửa, trong đó vùng Xuân Lộc là đồng bằng núi lửa chiếm diện tích lớn nhất.

Ở đây không có những khối đá như Ghềnh Đá Đĩa, nhưng có những thứ sản phẩm núi lửa rất gần gũi thân quen với người dân Xuân Lộc - Long Khánh. Đó là đá ong và đất đỏ ba-zan.

Không tạo nên thắng cảnh kỳ vĩ, nhưng đá ong và nhất là đất đỏ đã là thứ đặc trưng của Xuân Lộc - Long Khánh, là nỗi nhớ của người xa xứ. Ai đã từng sống ở đó sẽ không thể nào quên được những con đường đất đỏ, bụi đỏ khi nắng và bùn đỏ khi mưa.

Ừ, hóa ra đời mình cũng gắn bó với núi lửa ghê đó chứ!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét