22 thg 6, 2015

Hồi sinh di sản Huế

Có một thời kỳ dài, nhiều công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn (1802 - 1945) ở Huế bị lãng quên, trở thành những phế tích hoang tàn, đổ nát vì thiên tai, bom đạn. Cho đến năm 1993, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thì công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo mới thực sự được quan tâm và đẩy mạnh. Từ đó đến nay, bằng nguồn lực trong nước và quốc tế, nhiều công trình đã được hồi sinh, trở lại với hình bóng vàng son, lộng lẫy như xưa. 

Sự gặm nhấm của thời gian

Huế là xứ nắng lắm mưa nhiều, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt triền miên, hầu như năm nào cũng có; lại thêm cái sự tàn phá khốc liệt của hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, và cả sự vô tình của con người trong cuộc sống mưu sinh đã khiến cho Quần thể Di tích Cố đô Huế bị hư hại, tổn thất không biết bao nhiêu mà kể.

Sự tổn hại ấy cứ âm thầm diễn ra từ ngày nọ sang tháng kia. Và như một nhà nghiên cứu Huế đã từng ví von: “Sự gặm nhấm của thời gian có thể khiến cho cả cung đình Huế sụp đổ”.

Còn nhớ, trận lũ kinh hoàng năm 1999, cả kinh thành Huế bỗng chốc bị nhấn chìm trong biển nước. Nhiều cung điện, đền đài bị ngâm lâu ngày trong nước lũ khiến cho gỗ, ngói mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí có những đoạn tường thành, những tòa cung điện bị nước lũ xô đổ ngả nghiêng. Hay như trước đó, vào năm 1985, một trận bão lịch sử đã khiến cho cả thành phố Huế tan hoang, xơ xác như một bãi chiến trường, nhiều công trình kiến trúc cung đình Huế cũng cùng chung số phận.

Không quân Mỹ đánh bom khu vực nội thành Huế năm 1968. Ảnh: Tư liệu

Trải qua thời gian nhiều di tích bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Việt

Di tích Phú Văn Lâu trong cơn lũ lịch sử năm 1999. Ảnh: Quốc Việt

Trận lũ lịch sử năm 1999 đã tàn phá nghiêm trọng nhiều công trình kiến trúc cung đình Huế.
Trong ảnh: Cổng Ngọ Môn của kinh thành Huế chìm trong nước lũ. Ảnh: Quốc Việt 
 
Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu m2, bao trùm lên toàn bộ diện tích của Tp. Huế cùng với 2 thị xã và 2 huyện lân cận.
Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu m2, bao trùm lên toàn bộ diện tích của Tp. Huế cùng với 2 thị xã và 2 huyện lân cận. 

Bản thân tôi là người Huế, những năm tháng còn ở quê nhà, hầu như năm nào cũng phải chứng kiến đôi ba trận lụt. Có những trận lũ nước từ ngoài sông dâng cao tràn vào qua các cổng thành An Hòa, Chánh Tây, Cửa Hữu, Cửa Nhà Đồ… cuồn cuộn như thác đổ, tưởng chừng có thể cuốn phăng cả thành quách và nhà cửa.

Hay như thời bao cấp, tức vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, cả khu vực Hoàng Thành Huế ngập chìm trong cỏ dại. Dân trong vùng vào ra kiếm củi, đào bới tìm phế liệu và chăn thả trâu bò bừa bãi. Còn trên các đoạn tường thành rộng lớn, người ta mặc sức dựng nhà, cuốc đất canh tác trồng rau, hoa màu và làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Vì thế quần thể kiến trúc cung đình Huế vốn đã xuống cấp càng trở nên hoang tàn, đổ nát hơn.

Trăm năm bia đá cũng mòn. Trải qua thời gian, sự tàn phá cứ thế gặm nhấm các công trình, khiến cho nó xuống cấp, hư hại, thậm chí có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu không được bảo vệ kịp thời.

Hành trình cứu di sản của người Huế

Trước sự xuống cấp tưởng chừng không gì ngăn cản nổi của các công trình kiến trúc cung đình Huế, ngay sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền tỉnh Thừa Thừa Huế lập tức giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lên phương án bảo tồn, tôn tạo và trùng tu nhằm bảo vệ cho bằng được quần thể di sản khổng lồ này.

Theo quy định của UNESCO, sau khi được công nhận là di sản thế giới, cứ 2 năm một lần Tổ chức này lại tiến hành một đợt thanh tra công tác bảo tồn, trùng tu di sản của Huế. Đặc biệt, liên tục từ năm 2006 đến 2012, hàng năm Huế phải có báo cáo giải trình trước UNESCO về công tác trùng tu, bào tồn di sản của mình và đều được UNESCO đánh giá cao. Vì thế, đến năm 2013 Huế đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách các di sản cần được theo dõi và khuyến cáo. Với những thành công xuất sắc ấy, UNESCO đã nhiều lần đề nghị Huế cử chuyên gia tham gia vào ICOMOS thuộc Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, nhưng vì nhiều lí do khác nhau mà cho đến nay Huế vẫn chưa cử được người tham gia vào Tổ chức uy tín này.

Nhìn lại 22 năm, kể từ ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã làm được một khối lượng công việc thực sự đồ sộ. Đó là đã tiến hành tu bổ, trùng tu, tôn tạo được hàng trăm hạng mục kiến trúc quan trọng. Trong đó có những công trình tiêu biểu thuộc khu vực Hoàng Thành như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, lầu Tứ Phương Vô Sự, hệ thống Trường Lang (hành lang dài trong Tử Cấm Thành)…

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách sa hình toàn cảnh Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Nhiều chi tiết kiến trúc cung đình Huế nay đã được tu sửa trở lại như xưa. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Di tích Triệu Tổ Miếu đang trong quá trình trùng tu. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Thợ thủ công Huế tu sửa sàn gác lầu Ngũ Phụng. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế huy động nguồn nhân lực, tài chính và đội ngũ chuyên gia, nghệ nhân giỏi của cả nước để tiến hành trùng tu cụm di tích Ngọ Môn - Lầu Ngũ Phụng, một di tích lớn của Quần thể Di tích kiến trúc cung đình Huế. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Sau hơn 90 năm, kể từ đợt trùng tu nhân dịp mừng thọ vua Khải Định vào năm 1923, đến nay công trình Ngọ Môn - Lầu Ngũ Phụng mới được trùng tu lớn. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Di tích Triệu Tổ Miếu được trùng tu, sửa chữa bằng phương pháp “Hạ giải toàn phần”, một phương pháp trùng tu hiện đại theo công nghệ của Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Các nghệ nhân người Huế phục chế hương án khán thờ tại Khu di tích Hiển Nhơn Các. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Nội cung khu Thế Miếu, nơi thờ các vị vua nhà Nguyễn, sau khi đã được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Nội điện Thái Hòa, nơi thiết triều của các vị vua nhà Nguyễn sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Điện Biểu Đắc ở Lăng Thiên Tự, nơi đặt bài vị của vua Thiệu Trị và hoàng hậu Từ Dũ, công trình này được trùng tu xong vào năm 2011. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Cổng lăng vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã được trùng tu, tôn tạo thành công. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Toàn cảnh khu đện Thái Hòa nhìn từ Lầu Ngũ Phụng. Ảnh: Hoàng Hà  

Cố đô Huế là nơi may mắn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, trong đó quần thể kiến trúc cố đô, với nhiều cung điện, lầu gác, đình tạ, hệ thống thành lũy, pháo đài phòng thủ... mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ 19. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á.

(TS. Phan Thanh Hải,
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn
Di tích Cố đô Huế)

Đặc biệt, Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng Thành, một cụm công trình bề thế, đồ sộ, được xem như biểu tượng của Huế, sau hơn 90 năm, kể từ đợt trùng tu lớn vào năm 1923 nhân dịp mừng thọ vua Khải Định (1916 - 1925) 40 tuổi, đến nay lại được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành một đợt đại trùng tu mới.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trải qua gần một thế kỷ chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và sự tàn phá của bom đạn, nhiều hạng mục, nhất là các phần cấu kiện gỗ đã xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, đợt đại trùng tu lần này không chỉ có ý nghĩa sửa chữa, bảo vệ mà còn kéo dài tuổi thọ của công trình quan trọng này.

Vì vậy, Trung tâm đã huy động một lực lượng chuyên gia, nghệ nhân, thợ thủ công giỏi nhất của Huế và cả nước, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài, kết hợp với những công nghệ hiện đại nhất để tiến hành trùng tu Ngọ Môn.

Và một trong những giải pháp được xem là tối ưu nhất theo công nghệ trùng tu hiện nay của thế giới đã được Huế áp dụng. Đó là công nghệ “hạ giải toàn phần” của Nhật Bản, một quốc gia có kinh nghiệm trùng tu các kiến trúc cổ, đặc biệt là loại hình kiến trúc gỗ giống như ở kiến trúc cung đình Huế. Nhờ công nghệ này, các chuyên gia đã tháo dỡ toàn bộ các cấu kiện cần trùng tu xuống để có thể thăm khám, kiểm tra toàn phần, nhằm đưa ra các biện pháp xử lý triệt để những hư hại tiềm ẩn ở tầng sâu bên trong các cấu kiện.

Ông Trần Văn Hướng, người phụ trách kỹ thuật trùng tu Ngọ Môn cho biết, toàn bộ các quy trình trùng tu đều được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giám sát chặt chẽ từng li từng tí nhằm đảm bảo mọi chi tiết, dù là nhỏ nhất, cũng phải đúng với nguyên bản. Vì vậy, có những chi tiết rất nhỏ như chiếc đinh tán mũ đồng dùng để lắp ghép các vì kèo gỗ, tuy nằm ở vị trí rất khuất phía trên cao nhưng do lắp ghép không đúng quy trình kỹ thuật cũng bị phía giám sát yêu cầu loại bỏ và làm lại từ đầu.

Năm 2014, triển khai thực hiện “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020” theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đầu tư trùng tu 17 công trình di tích, với tổng nguồn vốn thực hiện là 90 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2015 này, Trung tâm sẽ triển khai trùng tu tiếp 22 công trình di tích, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có công trình lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn như: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức… Đây là những công trình kiến trúc lớn, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và mang dấu ấn cá tính riêng biệt của từng vị vua nhà Nguyễn.

Khi thế giới chung tay cùng Huế

Từ sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới đến nay, nhiều chính phủ và 26 tổ chức quốc tế đã tài trợ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gần 10 triệu USD để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn.

Gần đây, Quỹ hỗ trợ Quốc tế của UNESCO tài trợ chương trình “Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế” giai đoạn 2014-2015 với tổng số tiền 29.930 USD; Quỹ Đại sứ về Bảo tồn Văn hóa Hoa Kỳ (AFCP) của Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ 2 dự án tại khu vực Hoàng Thành Huế với tổng số tiền gần 730.000 USD; Chính phủ Lào tài trợ 400m3 gỗ lim, tương đương 200.000 USD; hay như Công ty Hóa chất Rhone Polenc (Pháp) giúp bảo quản và tư vấn kỹ thuật chống mối cho các công trình Hiển Lâm Các, Đại Nội với tổng số tiền 1 triệu USD… Ngoài việc hỗ trợ vật chất, nhiều nước như Ba Lan, Đức, Nhật Bản… còn cử chuyên gia sang trực tiếp giúp Huế.

Lễ kí văn bản hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Quốc Việt

Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc tặng dàn nhạc chuông cung đình cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để đặt ở khu Thế Miếu. Ảnh: Quốc Việt

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và chuyên gia người Pháp đang khảo sát thực trạng tại Khu Di tích Hoàng Thành Huế. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Toàn cảnh khu Thế Miếu. Ảnh: Hoàng Quang Hà 

Đến nay, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị hư hỏng. 

Sự hợp tác, giúp đỡ của các chính phủ và tổ chức quốc tế không chỉ giúp Huế có cơ sở về tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ… mà quan trọng hơn đó còn là tình cảm đặc biệt của bạn bè quốc tế dành tặng cho Huế, từ đó tạo thành những cầu nối giúp Huế quảng bá hình ảnh của mình hiệu quả hơn đến với thế giới. Nhờ đó lượng khách quốc tế đến với Huế cũng ngày một đông hơn. Ví như năm 2014, Huế đã thu hút gần 1 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Để công tác bảo tồn, trùng tu các di tích một cách bài bản, chuyên nghiệp và lâu dài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lên kế hoạch xúc tiến mời các chuyên gia quốc tế giúp Huế xây dựng một chương trình quản lý mang tính chiến lược có tầm nhìn đến năm 2030.

Có thể nói, người Huế có ý thức và tình cảm rất đặc biệt đối với những di sản của cha ông để lại. Có lẽ vì thế mà họ luôn tri ân một cách sâu sắc đối với những người có nhiều đóng góp cho Huế. Chẳng thế mà họ đã dành hẳn một vị trí trang trọng trong khu di tích để lập một ban thờ nhằm tri ân công lao của kiến trúc sư Kazik, một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Ba Lan, người đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1997 khi đang miệt mài giúp Huế trùng tu, sửa chữa từng viên gạch trong Đại Nội.

Bài: Thanh Hòa, Quốc Việt - Ảnh: Hoàng Quang Hà, Quốc Việt & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét