18 thg 8, 2014

Chùa Ấn Độ ở TPHCM

Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - TPHCM thì ở TPHCM hiện nay có 4 ngôi chùa Ấn Độ. Trong đó ngoài 3 ngôi chùa ở tương đối gần nhau nơi quận 1 (đường Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Tôn Thất Thiệp) thì còn một ngôi chùa nhỏ ở số 139 đường Thuận Kiều, quận 11.

Hồi nào giờ thường viếng các ngôi chùa Phật giáo, lần này tôi và cậu con trai Bùm quyết định bỏ ra một ngày đi thăm cho hết 4 ngôi chùa Ấn Độ này ở Sài Gòn cho... mới lạ.

Ngôi chùa Ấn đầu tiên mà cha con tôi ghé thăm là chùa Ganesh ở đường Thuận Kiều. Gì chớ Ganesh hay Ganesha thì tôi biết, đó là một biểu tượng mình người đầu voi trong Ấn Độ giáo, vì thế chẳng ngạc nhiên khi sách ghi rằng chùa này được người dân gọi là chùa Ông Voi.

Biểu tượng Ganesha thường thấy trong các kiến trúc tín ngưỡng Ấn Độ giáo

Khi tìm đến địa chỉ được ghi thì không thấy Ông Voi đâu hết, chỉ thấy... 2 tiệm bán phụ tùng xe máy (139 và 139A Thuận Kiều). Hỏi thăm ông xe ôm gần đó thì ổng nói hồi nào giờ ở đây đâu có cái chùa nào đâu! Tôi bước vào nhà số 139 hỏi thăm, mọi người lắc đầu quấy quậy nói không biết và chỉ sang một ông già (có lẽ là chủ nhà). Ông già nói: Nhà này sang lại, chủ cũ đi rồi. Tôi hỏi: Trước kia đây có phải là chùa Ấn không? Nếu sang lại thì chùa đâu, tượng đâu? Ông già có vẻ bực dọc nói: Dẹp rồi, dẹp rồi, qua bên kia hỏi đi, hỏi chủ tịch phường đó!

Bên kia là số 137 Thuận Kiều. Đó là một tòa nhà khang trang và là... văn phòng UBND phường. Dĩ nhiên là tôi không đủ kiên nhẫn bước vô ủy ban phường để hỏi thăm về một nngôi chùa Ấn Độ đã mất tiêu rồi nên... đi luôn.

Theo tư liệu thì chùa Ganesh là một ngôi chùa nhỏ do một gia đình người Ấn Độ giàu có bỏ tiền xây dựng trong khuôn viên nhà. Như vậy có thể đoán rằng gia đình người Ấn này đã bán nhà và dời đi nơi khác (có thể là về Ấn) nên ngôi chùa... đi theo luôn. Tài liệu mà tôi đọc viết năm 1998, tái bản năm 2006, có lẽ chưa cập nhật thông tin này. Xong một ngôi chùa! Vậy là TPHCM chỉ còn 3 ngôi chùa Ấn thôi.

Ngôi chùa thứ hai tôi tìm đến là chùa Administ Pagode Chetty ở 66 Tôn Thất Thiệp. Lần này quyết tâm tìm hiểu kỹ nên tôi mạnh dạn bước vô. Người phụ nữ trực ở cửa chùa hỏi tôi đi tham quan hay đi cúng? Tôi nói: Đi tham quan và cúng luôn! Nhưng mà... cúng làm sao hè? Chị ta hướng dẫn tôi mua dầu, đèn, nhang và chỉ cách thức cúng. Thấy hai cha con đứng lóng ngóng. chi ta biết ngay rằng đây là hai vị khách... ham vui chớ chẳng phải tín đồ thành tâm thành kính gì hết nên đứng dậy và nói: Đi theo tui, tui chỉ cho mà làm! 

Nói chung là khá thỏa mãn. Đi vòng vòng khắp chùa (có thắp nhang, châm dầu, thắp đèn cúng và xá đàng hoàng đó nhen), chụp hình thoải mái. Hình ảnh và chi tiết về chùa Ấn này sẽ viết trong bài khác nhé, viết vô đây dài lắm!


Ngôi chùa thứ ba là chùa Subramaniam Swami ở 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tới đây thì xui hơn. Không phải giờ cúng lễ gì hết, mà ngó mặt mình không phải... người Ấn Độ, cũng chẳng có vẻ chi thành kính nên người quản lý hổng cho vô. Tôi hỏi chụp hình được hông. Trả lời là đứng ở ngay cửa chụp thì được. Thế là đứng ở cửa lia qua lia lại, zoom tới zoom lui cũng được vài tấm. Cũng sẽ viết trong bài khác nhé.


Ngôi chùa thứ 4 là chùa Mariamman ở 45 Trương Định. Đây là ngôi chùa quen thuộc nhất vì rất nhiều người Việt và Hoa cũng tới cúng dù chẳng phải theo Ấn độ giáo. Xui ơi là xui! Chùa đang trong thời gian trùng tu (chống thấm) nên cửa đóng then cài. Nhưng không sao, về ngôi chùa này tôi có tư liệu nhiều lắm, sẽ viết sau thôi.


Vậy là tôi đã đi đủ tất cả các ngôi chùa Ấn Độ ở TPHCM. Hỏi rằng như vậy đã ngộ được điều gì về Ấn Độ giáo? Không, không có ngộ được điều gì cả. Chỉ là đến vì ham vui thôi. Già mà ham vui đó mà!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét