14 thg 8, 2014

Bát Bửu Phật Đài – Chùa Phật Cô Đơn

Bát Bửu Phật Đài tọa lạc tại ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cách trung tâm thành phố gần 30km về phía Tây Nam. Để tìm đến ngôi chùa nổi tiếng này, từ TP.HCM, bạn đi theo đường Hồng Bàng hoặc đại lộ Võ Văn Kiệt để đến tỉnh lộ 10, tiếp tục đi thẳng trên tỉnh lộ 10, đến ngã 3 Lê Đình Chi – Trần Văn Giàu thì rẽ trái. Đến đây thì còn khoảng 2,5km nữa là đến chùa, bạn có thể hỏi đường bất kỳ người dân địa phương nào. 

Phật Cô Đơn ung dung tọa lạc trên ngôi Bát Bửu Phật Đài- Ảnh chụp vào tháng 2.2009 

Khuôn viên chùa có diện tích khoảng 10 ha với một cánh rừng xanh mát bao quanh, điều không thể tìm thấy ở các ngôi chùa trong trung tâm thành phố.

Điểm đặc biệt nhất của ngôi chùa chính là một kiến trúc hình bát giác cao 3m được gọi là Bát Bửu Phật Đài. Tọa vị trên Phật Đài là một pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên, với trọng lượng khoảng 4 tấn và chiều cao 7m.

Nhờ Phật tử cúng dường, nơi tọa lạc của Phật Cô Đơn ngày càng trở nên trang trọng hơn - Ảnh chụp vào tháng 1.2014 

Có rất nhiều câu chuyện truyền miệng về sự linh thiêng cũng như nguồn gốc tên gọi “Chùa Phật Cô Đơn”. Tôi xin viết theo câu chuyện từ một cụ ông tuổi ngoài 80 sống ở gần chùa.

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, có một người phụ nữ giàu có muốn xây một ngôi chùa ở vùng đất này để tích công đức. Vì tôn tượng Phật Thích Ca được bà thỉnh về quá lớn, nên những người xây dựng chùa quyết định thỉnh bức tượng về ngay sau khi hoàn thành ngôi Phật Đài, còn những phần kiến trúc khác sẽ tiếp tục xây dựng khi tôn tượng đức phật đã yên vị.

Sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, từng đoàn người nối đuôi nhau bước lên Phật đài dâng hương 

Nhưng sau khi tôn tượng được thỉnh về thì vào đúng lúc đó, phong trào Đồng Khởi diễn ra quyết liệt. Chiến tranh loạn lạc, người chống giặc, kẻ chạy giặc, việc xây cất chùa bị trì hoãn. Vậy là tôn tượng đức Phật trở nên “cô đơn” giữa cánh rừng bạch đàn bát ngát, không một mái che, không cả một “ngôi nhà” hoàn thiện. Cũng vì chiến tranh loạn lạc cùng những chính sách của đế quốc Mỹ, chẳng ai dám đến thăm viếng, không một nén nhang, không cả một cành hoa. Cái tên “Phật Cô Đơn” có lẽ bắt đầu từ đó.

Những người già đến viếng chùa nói rằng, nếu dùng tay chạm vào kim thân Phật, rồi vuốt lên đầu, sẽ được bình an vượt qua mọi bệnh tật 

Trải qua những trận bom đạn khốc liệt của chiến tranh, làng xã xung quanh gần như hoang tàn, trơ trụi. Chỉ có ngôi Phật đài và kim thân đức Phật là vẫn tồn tại bất chấp sự tàn phá của kẻ thù. Phật Cô Đơn nay lại càng cô đơn hơn…

Nhưng lẽ dĩ nhiên, trong cảnh nghèo đói, chết chóc, hơn bao giờ hết, người ta cần một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, siêu nhiên để đặt niềm tin vào. Tận mắt nhìn thấy kim thân đức Phật vững chãi trước bom đạn, người dân xung quanh muôn phần tin ngưỡng. Mặc những cấm đoán của đế quốc Mỹ, người dân vẫn đến thăm viếng Phật đài. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến cúng bái cầu xin và cả trả lễ vì tâm nguyện đã thành. Rồi họ góp tiền xây dựng, sửa sang ngôi Phật đài thành ngôi chùa Bát Bửu Phật Đài trang nghiêm như ngày nay.

Để cầu xin điều lành và may mắn, bạn cũng có thể ghi lời cầu xin của mình, dán vào chuông chùa, rồi đánh vang chuông. Người ta quan niệm rằng, tiếng vang của chuông sẽ mang những điều cầu xin của bạn đến với đức Phật 

Mùng 1 Tết, len lỏi giữa những đoàn du khách và Phật tử đến viếng chùa, tôi chợt thầm nghĩ: Phật Cô Đơn nay đã hết cô đơn…

Bài và ảnh: Phạm Như Quỳnh

Ghi chú của Phạm Hoài Nhân (theo Võ văn Tường)

Nguồn gốc thật sự của Bát Bửu Phật Đài và tên gọi Phật Cô đơn không hẳn là theo lời kể của cụ ông nêu trong bài, mà là như sau:

Tại nơi này có ngôi chùa Thanh Tâm, được xây dựng năm 1955. Trước chùa, Bát Bửu Phật đài xây dựng năm 1959, hoàn thành năm 1961. Phật đài được kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên đài, tôn trí tượng đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4 tấn do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc năm 1957 và cư sĩ Ngô Chí Bình thỉnh từ chùa Xá Lợi về. Lễ Thượng phướn và lễ An vị Phật được tổ chức vào các ngày 22 đến 25/8/1961 (Vu Lan năm Tân Sửu 1961).

Trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn đã tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả chùa Thanh Tâm. Chỉ riêng ngôi Phật đài với kim thân đức Phật vẫn sừng sững nơi hoang vắng. Do đấy, người dân địa phương đã gọi tòa di tích tôn nghiêm này là Phật Cô đơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét