30 thg 9, 2013

Trở lại Chư Tan Kra - di tích lịch sử trên vùng đất Sa Thầy

Chư Tan Kra, cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng đã từng là chiến trường ác liệt bậc nhất trong mùa xuân năm 1968. Là nơi chứng kiến sự quả cảm của hàng trăm chiến sỹ cũng là nơi các anh đã ngã xuống vì độc lập nước nhà. Qua gần 40 năm, Chư Tan Kra đã thay đổi nhiều, từ vùng núi hoang sơ, bốn mùa mây mờ che phủ, nay đã trở thành ngôi làng đầy sức sống, hàng năm đón cả ngàn lượt người đến thăm, tưởng niệm những chiến sĩ đã hi sinh.

Đường lên Chư Tan Kra

Từ thị trấn Sa Thầy, đi theo hướng tới xã Ya Xier, con đường nhỏ nhưng sạch đẹp, uốn vòng qua những cánh rừng trùng điệp, qua những rẫy cà phê xanh ngút ngàn và bao cánh rừng cao su mênh mông. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp một ngôi làng nhỏ với những mái nhà sàn xinh xắn giữa bạt ngàn màu xanh. Chư Tan Kra cao vời vợi hiện lên trước mắt, nhưng phải đi đường lượn vòng khá là xa mới tới được. 


Chư Tan Kra được bao bọc bởi các dãy núi xung quanh như Chư Toác, Chư Tăng An, Chư Gor Tông..., tạo lớp trùng trùng điệp điệp, mây mù che phủ suốt bốn mùa như khung cảnh thần tiên. Cách đây 45 năm, Chư Tan Kra là những cánh rừng mùa mưa sũng ướt, những cung đường đầy rẫy bom mìn với cái chết được báo trước… và cũng chính nơi đây đã diễn ra những trận đấu khốc liệt nhất giữa các chiến sĩ và binh sĩ đế quốc Mỹ. Mùa xuân năm 1968, chiến trường Kon Tum bước vào giai đoạn cao trào, hàng loạt trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và địch đã diễn ra trên ngọn núi này, điển hình như trận đánh ngày 21-3-1968 và ngày 26-3-1968. Sau những trận đấu, hàng trăm chiến sĩ (phần lớn là con em người Hà Nội) đã hi sinh anh dũng trên ngọn núi Chư Tan Kra. Những chiến sỹ tham gia trận đánh đều đang trong độ tuổi thanh xuân, có người vừa tròn tuổi mười tám, có người mới đôi mươi. Từ Thủ đô hành quân vào vùng núi ác liệt này họ ra đi với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đó chính là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội. Dù ngã xuống trước ngày đất nước toàn thắng nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hi sinh cao cả của các anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Thủ đô. 

Công trình tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh 

Đất nước hòa bình, cuộc sống đã thay đổi nhiều, nhưng kí ức về những năm tháng sống và chiến đấu trên đỉnh Chư Tan Kra chưa khi nào phai nhòa trong tâm trí những cựu chiến binh Trung đoàn 209. Mãi đến cuối năm 2010, sau gần 2 năm miệt mài tìm kiếm, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã tìm kiếm và quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ tại núi Chư Pen và Chư Tan Kra. Các liệt sĩ đã xác định danh tính thì được đưa về an táng tại quê nhà, còn một số hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính thì được làm lễ truy điệu trọng thể và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy. Để tưởng nhớ những người con Hà Nội hy sinh tại đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 209 xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường. Tổng kinh phí xây dựng khu tượng niệm gần 30 tỷ đồng, với nhiều hạng mục như: Nhà tưởng niệm, quy tập mộ liệt sỹ, khu nghĩa trang, phù điêu, nhà bia, nhà đón tiếp…Công trình văn hóa tâm linh này là món quà ý nghĩa thể hiện tấm lòng của những người đồng đội năm xưa và nhân dân Hà Nội tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tháng 7 năm 2013 UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định công nhận Di tích lịch sử Điểm cao 995-Chư Tan Kra là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Và cũng từ đây Chư Tan Kra đóng hàng trăm lượt khách với hàng nghìn người đến thăm mỗi năm. 


Trải qua bao biến động, bao tháng ngày mưa nắng, Chư Kran Ta vẫn đứng vững chãi ở đó với hình ảnh ngọn núi chót vót, bốn mùa phủ mờ sương như là biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường song cũng rất đỗi hiền hòa, nhân hậu của đất và người Kon Tum. Tuổi trẻ và máu xương của những người con Thủ đô đã nằm lại nơi đây, đó là nhân chứng sâu sắc và mãnh liệt nhất về sức sống của mảnh đất này, nhân chứng cho lòng dũng cảm và sự hi sinh vẻ vang vì độc lập tự do của đất nước.

Hà Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét