3 thg 9, 2013

Bún đỏ: nét đặc sắc của ẩm thực đường phố Buôn Ma Thuột

“Đến Buôn Ma Thuột mà chưa ăn bún đỏ thì coi như chưa đến!”, nhiều người đã đúc kết như thế sau khi thưởng thức món ăn quen mà lạ này.

Chẳng ai biết bún đỏ ra đời từ khi nào và ai là tác giả của sự sáng tạo đó. Chỉ biết rằng bún đỏ là sự biến tấu, pha trộn hài hòa của nhiều món ăn, tạo nên cái sự đặc sắc, duyên dáng của riêng mình. Người ăn lần đầu, khi nhìn tô bún được bưng ra có thể thốt lên: "A! Bánh canh". Khi hít một hơi mùi thơm đặc trưng của bún đỏ lại thấy phảng phất hương vị của một tô bún riêu. Giống thì giống thế thôi, nhưng bún đỏ có cái riêng, khó mà lẫn được.

Bún đỏ cũng có riêu cua tương tự như cách làm riêu của Miền nam. Riêu được làm từ thịt cua, thịt heo và tép xay nhuyễn. Nước dùng của bún được ninh từ xương heo, xương bò và nước cua nên tạo được vị ngọt đậm đà. Ngoài ra còn có thêm trứng cút, huyết heo, điểm thêm ít hành phi, tóp mỡ. 

Bún đỏ là sự biến tấu, pha trộn hài hòa của nhiều món ăn, tạo nên cái sự đặc sắc, duyên dáng 
của riêng mình - Ảnh: Linh Nga 


Bún dùng để nấu là loại bún sợi to như sợi bánh canh. Để sợi bún mềm và ngấm các gia vị, người nấu phải khéo léo canh thời gian bỏ bún vào nồi. Bún được nấu trong nồi nước dùng khoảng 10 phút cho hơi nở là vừa miệng nhất. Vì vậy, khi múc bún đỏ cho thực khách, người bán phải dùng một cái vá thật to để gạn bún từ trong nồi nước dùng. Rau ăn kèm không phải là rau, giá sống như những món bún khác mà là rau đã chần sơ gồm cải ngọt, giá và đặc biệt không thể thiếu cần nước.

Điều làm nên cái tên bún đỏ chính là màu của sợi bún. Sợi bún ban đầu trắng tinh, sau khi được nấu trong nồi nước dùng, thấm đẫm các gia vị, màu điều, màu gạch tôm thì khoác lên lớp áo màu đỏ. Đây cũng là một cách hình tượng hóa rất hay của người sáng tạo ra món bún, làm cho món bún bắt chước món này một tí, món kia một tí nhưng lại rất riêng, mang đậm dấu ấn của vùng đất bazan.

Bún đỏ không như cà phê Buôn Ma Thuột, muốn uống lúc nào trong ngày cũng được. Muốn ăn bún đỏ, phải biết canh giờ. Buổi sáng có tìm khắp thành phố cũng không thấy nơi nào bán món ăn đặc trưng này. Thế nhưng chỉ cần khoảng độ 3, 4 giờ chiều, đi đâu cũng gặp bún đỏ. Từ những con đường lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, đến những con đường nhỏ hơn, rồi cả trong hẻm, trong chợ… Bán bún đỏ cũng không cần nhiều vật dụng. Quan trọng nhất là có một nồi bún và một bếp để giữ nóng. Còn người ăn cũng chẳng cần bàn ghế cầu kì, chỉ cần đôi ba chiếc ghế nhựa là đủ để bưng tô bún nóng hổi, vừa xì xụp húp vừa xuýt xoa vì cay và ngon.

Trước đây, địa điểm có món bún đỏ ngon nổi tiếng nằm ở góc đường Lê Duẩn và Phan Đình Giót. Tuy nhiên qua một thời gian, món bún đỏ ở đây không còn hương vị đặc trưng của ngày trước. Muốn ăn bún đỏ ngon thì chỉ có chịu khó đi vào các chợ như chợ Tân An, chợ EaTam. Nếu không có người giới thiệu thì ăn được tô bún đỏ ngon đúng điệu là chuyện “hên xui”.

Đặc biệt hơn, bún đỏ chỉ ngon khi ăn tại Buôn Ma Thuột trong cái nhàn tản của một buổi chiều hay không khí se se lạnh khi màn đêm buông xuống. Khi mang đi những vùng đất khác, bún đỏ như bị lạc mất hồn. Vì vậy, nếu đặt chân đến Buôn Ma Thuột, đừng quên thưởng thức món ăn đường phố nức tiếng này nhé.

Đinh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét