3 thg 9, 2013

Phố núi Pleiku

Nằm trên độ cao trung bình 300 - 500m, quanh năm sương mù bao phủ, thành phố cao nguyên Pleiku (tỉnh Gia Lai) từ lâu được biết đến với tên gọi đặc trưng “phố núi Pleiku”. Đến với Pleiku, du khách như được trở về với thiên nhiên còn khá hoang sơ, được hít khí trời mát lạnh và cảm nhận trong gió thoang thoảng mùi hương của những nhánh lan rừng và hoa cà phê.

Cảm giác được thưởng thức một tách cà phê hay tô phở khô trong không khí se lạnh của phố núi Pleiku luôn mang lại những cảm xúc thú vị cho du khách khi khám phá vùng đất này. Có những ngày tiết trời ở phố núi Pleiku có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông hội tụ. Sáng sớm trời se se lạnh, buổi trưa, không khí trở nên oi bức như mùa hè. Khi chiều vừa tắt nắng đã có những cơn gió thoang thoảng của mùa thu làm dịu mát cái nắng gắt mùa hè. Và khi màn đêm xuống nghĩa là đông đã về. Trong cái lạnh của phố núi cao nguyên, du khách sẽ có cảm nhận về một bầu không khí trong lành và sự bình yên của cuộc sống nơi đây. Không gian, cảnh quan với đường phố là những triền dốc uốn quanh mang đặc trưng phố núi tạo một cảm giác khác biệt dễ khiến con người ta xua tan những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.


Thăm phố núi Pleiku, không thể không nhắc đến vẻ trong trẻo, tĩnh lặng của “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ đầy vốn đã đi vào thi ca, huyền thoại. Từ trên cao, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm phong cảnh thơ mộng của hồ Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên. Mặt nước hồ xanh biếc, phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ trên cao nguyên cho mây trời soi bóng. 

Phố núi Pleiku mến khách và thân thiện ngay ở cửa ngõ của thành phố.

Trục quốc lộ 19 đi qua phố núi Pleiku là trục giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ.

Sân bay Cù Hanh nằm không xa trung tâm thành phố với thời lượng các chuyến bay từ 8 đến 13 chuyến trong tuần.

Phố núi Pleiku về đêm lung linh, yên bình và gần gũi.

Những con đường dốc mang đặc trưng địa hình của phố núi Pleiku.

Tượng đài Bác Hồ nổi bật giữa quảng trường Đại Đoàn Kết.

Tháp đá ở quảng trường Đại Đoàn Kết, biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Bảo tàng Gia Lai ở Pleiku là bảo tàng lịch sử - văn hóa lớn nhất các tỉnh Tây Nguyên.

Một góc cà phê phố núi Pleiku.

Khung cảnh đậm chất Tây Nguyên trong khu du lịch Đồng Xanh. 

«
    Để đến phố núi Pleiku, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Sân bay Cù Hanh (hiện nay là cụm cảng hàng không Pleiku) chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5km, cung cấp từ 8-13 chuyến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đi Pleiku và ngược lại mỗi tuần.
              »
Du khách cũng không thể bỏ qua địa điểm được ví như một bảo tàng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên là công viên Đồng Xanh. Công viên rộng 14ha này trải dài trên một cù lao xanh trên cánh đồng lúa An Phú, ngoại ô thành phố Pleiku. Tại đây có đầy đủ nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, đàn T'rưng nước... thể hiện qua các truyền thuyết, hoa văn, hoạ tiết được tổng hợp và cách điệu bằng biểu tượng đài cảnh Tây Nguyên, qua tiếng nhạc của buôn làng, cối giã gạo, cồng chiêng.

Ở ngay trung tâm phố núi thì có Bảo tàng Gia Lai, nơi trưng bày các hiện vật về lịch sử - văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tất cả đều mang đậm bản sắc trong không gian văn hóa Tây Nguyên.

Chiều về trên phố núi Pleiku, du khách cũng có thể cùng người dân phố núi dạo chơi trên quảng trường Đại Đoàn Kết, một quảng trường rộng 12ha được xây dựng với mục đích phục vụ nhân dân phố núi. Giữa khuôn viên mênh mông của quảng trường Đại Đoàn Kết, tượng đài Bác Hồ hiện lên với dáng vẻ uy nghi nhưng thật dung dị, tay phải giơ cao trong tư thế vẫy chào. Tượng đài làm bằng đồng nguyên chất, lớn nhất Việt Nam với chiều cao 10,8m đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4,5m. Phía sau tượng đài Bác là dãy phù điêu bằng đá uốn cong như vòng xoan Tây Nguyên bất tận với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây, tạo sự gần gũi, thân thương của vị Cha già dân tộc với con cháu các dân tộc Tây Nguyên.

Cách đó không xa, giữa các loại cây xanh trong khuôn viên quảng trường là một cụm 54 khối đá bazan hình trụ tạo thành Tháp đá 3 lớp cao dần lên, gắn liền với 54 thảm cỏ xanh, biểu thị sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…


Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét