Hiển thị các bài đăng có nhãn Cổng TT-ĐT Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cổng TT-ĐT Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 3, 2022

Kiêng kỵ trong khai thác thiên nhiên của người Xơ Teng ở Tu Mơ Rông

Hiện nay, trong đời sống của người Xơ Teng - một nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng, cư trú chủ yếu ở huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông, việc khai thác và sử dụng các nguồn lợi phẩm chủ yếu từ thiên nhiênvẫn được duy trì nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, họ không được tự ý khai thác một cách bừa bãi mà phải tuân theo những điều cấm đã được quy ước trong cộng đồng.

27 thg 4, 2016

Ngày Xuân gặp gỡ nghệ nhân A Gyor

Trong quá trình phát triển, nhiều giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ở một số buôn làng, vẫn có những nghệ nhân âm thầm lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Trong ngày đầu Xuân này, chúng ta hãy cùng tới làm Kon H’rế, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà để gặp một nghệ nhân như thế. 

Cột nhà Rông của làng cũng được nghệ nhân A Gyor sáng tạo chế tác thành tác phẩm tượng độc đáo 

Những sản phẩm điêu khắc như tượng gỗ, mặt nạ bằng gỗ hay những chiếc tẩu hút thuốc... được bày bán ở các quầy hàng lưu niệm tại các điểm du lịch trong toàn tỉnh đã rất quen thuộc với người dân ở Kon Tum cũng như với những ai đã từng đến thăm nơi đây. Người làm ra những sản phẩm đó là nghệ nhân A Gyor, một trong số ít người con dân tộc Xê Đăng còn nắm giữ các bí quyết trao truyền của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Kon Tum.
Đam mê nghệ thuật điêu khắc của tổ tiên, hơn 20 năm nay, nghệ nhân A Gyor đã miệt mài lao động, sáng tạo ra hàng trăm bức tượng, hàng nghìn vật dụng đặc trưng đậm nét văn hóa của người Xê Đăng. Đáng mừng là các sản phẩm điêu khắc đó được du khách gần xa ưa thích. Nghệ nhân A Gyor tâm sự: “Mới đầu mình đam mê nghệ thuật điêu khắc chỉ với mục đích là để cho du khách gần xa biết đến một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình và để con cháu lưu giữ, không quên văn hóa truyền thống của tổ tiên. Nhưng không ngờ, tượng tôi tạc ngày càng được nhiều người ưa chuộng, giờ thì tạc tới đâu bán hết tới đó, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”. 

Độc đáo Vườn tượng gỗ ở Khu Du lịch sinh thái Măng Đen

Trong hành trình khám phá các điểm du lịch ở Khu Du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), có một điểm đến rất độc đáo, thu hút du khách gần xa; đó là Vườn tượng gỗ nằm trong quần thể Khu du lịch thác Pa Sỹ.

Vườn Tượng gỗ - điểm đến thu hút trong hành trình khám phá Măng Đen 

Vườn tượng được xây dựng năm 2013, sau sự kiện Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian (từ ngày 5/3 - 18/3/2013) lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Kon Plông trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (9/2/1913-19/2/2013). Trên triền đồi hơn 1 hecta rừng cây nguyên sinh, ngoài những lối đi nhỏ lát đá, vườn tượng hầu như không được thiết kế gì ngoài những vị trí trưng bày 100 bức tượng gỗ do 33 nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh chế tác. Tượng gỗ thể hiện sự đa dạng, phong phú cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bắc Tây Nguyên, như tượng đàn ông cầm rìu, vác rựa, hút thuốc, đi săn; đàn bà giã gạo, dệt vải, bồng con; các thành viên trong gia đình đi rẫy, người chơi nhạc cụ, uống rượu cần… Cùng với tượng người, tượng những con vật gần gũi với bà con như con chim, chó, mèo, heo, khỉ, rắn, voi …được chế tác, trưng bày cũng góp phần làm phong phú, gần gũi thêm vốn quý tượng gỗ của các cư dân vùng Bắc Tây Nguyên. 

26 thg 4, 2016

Du lịch nhà đồng bào Ba Na ở Kon Tum

Tuy còn khá mới mẻ, song loại hình “du lịch cộng đồng” bước đầu đã được hình thành, phát triển ở một số thôn, làng và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum. Trong căn nhà mang đậm bản sắc ở làng Plei Klăch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, được giới thiệu với du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na vùng bắc Tây Nguyên là niềm tự hào của ông A Biu. 

Du khách nước ngoài tập múa xoang ở nhà ông A Biu 

Lần đầu tiên đến thăm gia đình ông A Biu ở Plei Klăch, chị Suzan và người bạn đến từ nước Mỹ xa xôi không giấu niềm vui thích, yêu mến. Họ mặc váy áo của người phụ nữ Ba Na, cùng hòa vào nhịp chiêng rộn ràng, bỡ ngỡ những bước chân theo vòng xoang quấn quýt và thử gõ vào chiếc cồng có vẻ đầy bí ẩn một cách đầy hứng khởi. Bữa trưa đơn giản với mấy ống cơm nấu củi, gà nướng và đặc biệt là món gỏi măng khô… cũng để lại ấn tượng thật khó quên. 

Chắp cánh cho tiếng đàn T’rưng

Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cực bắc Tây Nguyên được gìn giữ, phát huy nhờ nỗ lực trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đam mê và sáng tạo, lớp người trẻ hôm nay đang chắp cánh cho những giá trị tinh thần quý giá lan tỏa, vang xa. 

Kaly Tran biểu diễn trong dàn hòa tấu đàn T’rưng 

Rong ruổi theo những chuyến lưu diễn ngoài tỉnh, sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Kaly Tran có nhiều thời gian ở Kon Tum hơn. Vừa tham gia biểu diễn trong Chương trình “Trải nghiệm - Khám phá di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum” Xuân Bính Thân 2016, chàng trai được xem là linh hồn của đội nghệ nhân Bahnah làng Kon Klor ( Phường Thắng Lợi, TP Kon Tum ) lại chuẩn bị tiết mục chào mừng khai mạc Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3-năm 2016. Tiếng đàn T’rưng mộc mạc trong đời sống của lũ làng thuở nào, giờ đây, trở nên mới mẻ, lôi cuốn, hấp dẫn.

25 thg 4, 2016

Độc đáo Chiêng Tre

Có người nói rằng chiêng Tre là món quà của núi rừng Tây Nguyên ban tặng cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây! Quả không “ngoa” nếu một lần bạn được thưởng thức những âm thanh trầm, bổng, thánh thót phát ra từ loại nhạc cụ này. Cũng độc đáo, cũng hấp dẫn, lôi cuốn không kém gì chiêng đồng vậy!

Chiêng Tre được các nghệ nhân biểu diễn cùng các loại nhạc cụ làm bằng tre, nứa, lồ ô 

Khi ông mặt trời trườn mình khuất sau sườn núi, nghệ nhân A Long – người con của dân tộc Ba Na, làng Kon Tum Kơ pâng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum kết thúc một ngày lên rẫy thong thả về nhà. Chiếc gùi trên vai A Long chứa nhiều ống tre ngắn dài khác nhau vừa được anh tranh thủ chặt trước khi về. 

Nghề gốm thủ công ở làng Kon SamLuh

Ngày xưa, người Ba Na (Nhánh Jơ lâng) ở huyện Kon Rẫy đã lấy đất sét để làm ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Theo thời gian và biến thiên cuộc sống, nghề gốm thủ công giờ vẫn còn được giữ lại nhờ đôi tay khéo léo của những người mẹ người chị siêng năng, chịu khó. 

Chị Y Pư làm gốm tại Bảo tàng Tỉnh Kon Tum ngày 18/3/2016 

Tạm gác lại công việc nương rẫy, tháng 3 năm nay, chị Y Pư (ở làng Kon Sămluh - xã Đăk T’Re) đã dành hơn một tuần để làm mấy chiếc nồi bằng đất nung cỡ nhỏ, chuẩn bị tham gia trưng bày tại Bảo tàng Kon Tum nhân Liên hoan Văn hóa dân gian gắn với Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 - năm 2016. Tại đây, chị còn được giới thiệu cách thức làm gốm bằng tay của người Ba Na đến với mọi người.

4 thg 2, 2014

Âm thanh của tre nứa còn mãi với thời gian

Anh vào rừng sâu tìm những ống lồ ô.  Anh chọn ống to căng no gió núi. Anh lựa ống nhỏ chứa tròn tiếng suối.  Về làm đàn Ting gling. Anh treo thành dàn trên rẫy.  Anh giăng thành dãy trên nương. Nước suối kéo cần đung đưa ống đàn.  Cho những âm thanh vui rừng ấm núi ....

Đấy là những ca từ mở đầu của ca khúc Ting gling - Đàn suối khá nổi tiếng của Nhạc sỹ A Đủh phổ thơ của Tạ Văn Sỹ. Ca khúc này đã được Đoàn nghệ thuật dân tộc Kon Tum dàn dựng đi tham gia và giành được Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ting gling - là tên gọi theo tiếng đồng bào Ba Na về một loại đàn nước (thủy cầm), ngoài Ting gling, ở Kon Tum còn có Klong put của người Xơ Đăng, Đing Tut của người Giẻ-Triêng - ba loại nhạc cụ dân gian truyền thống được làm từ những ống lồ ô, ống nứa đơn giản, khiêm nhường, mọc hoang dã tự nhiên ở các cánh rừng, với ba cách sử dụng khác nhau là gõ, vỗ và thổi tạo ra những âm thanh vô cùng quyến rũ làm nên bản sắc độc đáo của các tộc người bản địa ở Kon Tum - những tiếng vọng trường tồn của thời gian từ đại ngàn hùng vĩ.

Vỗ đàn Klong put

10 thg 10, 2013

Vài nét về nhà Rông dân tộc Ba Na ở Kon Tum

Kon Tum là vùng đất có di sản văn hoá rất phong phú, ngoài những điểm du lịch độc đáo ra còn có những mái nhà rông mang màu sắc huyển bí nằm hài hoà với từng bản làng mang đậm nét hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ở đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà rông đã hiện hữu gần 100 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng và sự khốc liệt của chiến tranh, mái nhà rông của người đồng bào thiểu số luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Đối với tộc người Ba Na, nhà rông là sản phẩm văn hoá vô giá, là biểu tượng niềm tự hào của họ. Kon Tum được coi là quê hương của nhà rông vì ở đó hội tụ sức mạnh cộng đồng, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian. 

Mừng nhà Rông mới - Ảnh: D.Nương. 

5 thg 10, 2013

Tìm hiểu về túi đeo vai K’choi của người Xê Đăng ở Kon Tum

Nếu như người lao động dưới xuôi có đôi quang gánh, chiếc làn làm dụng cụ mang vác đồ đạc thì người Xê Đăng lại có chiếc K’choi theo họ suốt trên mọi nẻo đường trên rừng, xuống suối, mang tất cả dụng cụ cần thiết cho cuộc sống của mình. K’choi là loại dụng cụ truyền thống người đồng bào Xê Đăng được làm từ cây mây hoặc cây sâm lũ, hình cánh dơi, có hai quai đeo như chiếc ba lô, hoa văn trang trí cầu kì, phù hợp với cuộc sống vùng cao. 

K’choi se tă - K’choi dành cho phụ nữ Xê Đăng - Ảnh: A Định Hănh. 


Kon Tum - Làng Hồ - Vùng đất lịch sử bên dòng Đăk Bla

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có hình thể như một ngọn núi sắc nhọn, lưng dựa vào Ngã ba Đông Dương, chân đứng vững chãi trên cao nguyên Pleiku, mặt hướng ra Biển Đông qua tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam ở miền Trung Trung Bộ. Là một trong 2 tỉnh duy nhất trong cả nước (Kon Tum, Điện Biên) có chung đường biên giới với 2 quốc gia láng giềng. 

Hừng đông trên dòng Đăk Bla - Ảnh: Nguyễn Đang 

Kon Tum nằm ở vị trí địa lý chiến lược về mọi mặt, là nơi gặp nhau của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, với độ cao trung bình từ 1.000-2.000m so với mực nước biển, Kon Tum được ví như nóc nhà của ba nước Đông Dương. Từ đây có tầm kiểm soát cả cao nguyên Trung phần, án ngữ con đường xuyên Việt từ Trường Sơn Bắc vào Trường Sơn Nam, từ Việt Nam qua các nước bạn và từ phía Tây qua Kon Tum xuống Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng ra Biển Đông. Nếu tính theo đường chim bay thì từ thành phố Kon Tum đến Thủ đô Hà Nội khoảng 800 km, ra Biển Đông chừng 130km và vào thành phố Hồ Chí Minh khoảng 400 km.

30 thg 9, 2013

Tên gọi Kontum

Thành phố Kontum ngày nay

Theo truyền thuyết của dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy, vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang - OR. Lúc ấy, làng Kon Trang - OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ, giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi - một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang - OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước,...). 

Trở lại Chư Tan Kra - di tích lịch sử trên vùng đất Sa Thầy

Chư Tan Kra, cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng đã từng là chiến trường ác liệt bậc nhất trong mùa xuân năm 1968. Là nơi chứng kiến sự quả cảm của hàng trăm chiến sỹ cũng là nơi các anh đã ngã xuống vì độc lập nước nhà. Qua gần 40 năm, Chư Tan Kra đã thay đổi nhiều, từ vùng núi hoang sơ, bốn mùa mây mờ che phủ, nay đã trở thành ngôi làng đầy sức sống, hàng năm đón cả ngàn lượt người đến thăm, tưởng niệm những chiến sĩ đã hi sinh.

Đường lên Chư Tan Kra

Từ thị trấn Sa Thầy, đi theo hướng tới xã Ya Xier, con đường nhỏ nhưng sạch đẹp, uốn vòng qua những cánh rừng trùng điệp, qua những rẫy cà phê xanh ngút ngàn và bao cánh rừng cao su mênh mông. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp một ngôi làng nhỏ với những mái nhà sàn xinh xắn giữa bạt ngàn màu xanh. Chư Tan Kra cao vời vợi hiện lên trước mắt, nhưng phải đi đường lượn vòng khá là xa mới tới được. 

Thuyền độc mộc trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên

Giữa dòng sông Đăk Bla mênh mông nước dâng tràn, hai bên bờ cỏ cây xanh ngắt, chiếc thuyền độc mộc lặng lẽ trôi, duyên dáng, êm xuôi như một chiếc lá mùa thu. Thuyền độc mộc có từ bao giờ và ai là người sáng tạo ra loại phương tiên độc đáo này? Chẳng ai nhớ được, chỉ biết rằng thuyền độc mộc hiện hữu trong đời sống người dân tộc thiểu số Kon Tum như một nét chấm phá đáng yêu, vừa mang ý nghĩa thực tiễn như một phương tiện giao thông, vừa là công trình nghệ thuật của những nghệ nhân từ bản làng.

Bến thuyền độc mộc làng Kon Ktu 

Do cấu tạo địa hình cao nguyên nên hệ thống sông ngòi ở Kon Tum rất chằng chịt, về mùa mưa, nước sông dâng lên ồ ạt, dốc đột ngột, nhiều xoáy mạnh, còn mùa khô nước rút mạnh, khiến cho lòng sông hẹp, đáy nhiều đá nhọn lởm chởm. Điều này khiến cho việc sử dụng các phương tiện giao thông như tàu, thuyền lớn, ghe gặp nhiều khó khăn, chỉ có thuyền độc mộc với đặc điểm nhỏ gọn, cơ động mới thích hợp với cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây. Với cấu tạo đơn giản nhưng thuyền độc mộc lại có sức nâng cao, đồng thời lại bớt lực cản của nước nên việc vận chuyển những loại hoa màu trồng được trên nương rẫy xuôi về nhà được thuận lợi. Bên cạnh đó, để phù hợp với địa hình đồi núi nhiều sông suối thì thuyền độc mộc cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đi lại giữa làng này qua làng khác. Có lẽ, không có hình ảnh nào đẹp hơn khi giữa một vùng sông nước Đăk Bla bao la rộng lớn, hai bên bờ cỏ cây xanh ngắt, không khí mát lạnh, có chiếc thuyền độc mộc lững lờ trôi trong nắng sớm cao nguyên. Tại thành phố Kon Tum, những ngôi làng ven sông như làng Kon Klor, Kon Ktu, Plei Tơ Nghĩa,…vẫn còn hình ảnh thuyền độc mộc neo đậu dưới bến sông êm đềm. Mỗi khi vụ mùa vừa xong, thuyền lại đầy ắp những khoai, lúa, ngô,…được bà con vận chuyển từ trên nương rẫy trở về nhà.

Chiều qua cầu treo Kon Klor - Một vùng quê nhỏ ngút ngàn xanh

Bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, có ngôi làng Kon Klor xinh xắn, tràn ngập màu xanh, thấp thoáng những ngôi nhà sàn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc Ba Na độc đáo với màu gỗ nâu trầm, những chi tiết trang trí ấn tượng. Kon Klor không chỉ có khung cảnh thanh bình mà còn có tiếng với tài năng dệt thổ cẩm và rượu ghè thơm ngon.

Màu xanh của ruộng nương làng Kon Klor 

Bước đến làng Kon Klor điều du khách ấn tượng đầu tiên là ngôi làng được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn, xanh bắt đầu từ những cây me dọc đường đi, đến bãi mía, vườn rau,…Đây là một trong những ngôi làng của người Ba Na vẫn còn lưu giữ kiến trúc độc đáo và nghề thủ công truyền thống, rất đáng để bạn bước đến thăm quan một lần. Theo tiếng Ba Na, Kon là “làng”, còn K’lor là “gòn rừng” - một loại cây thân cao to, da xanh láng, trái thuôn dài. Cứ vào khoảng tháng Ba, trái khô nở bung, bông bên trong ruột tách ra, bay tung khắp trời trắng xóa. Làng Kon Klor có nghĩa là “làng gòn rừng” vì trước đây quanh làng có rất nhiều cây gòn rừng mọc hoang, nay chỉ còn sót lại vài cây mọc rải rác quanh những ngôi nhà sàn. 

Kon Tum - Nơi hội tụ về văn hóa ẩm thực cả ba miền

Người ta biết đến phố núi Kon Tum như thành phố của những cơn gió hoang tàn, nơi có dòng sông Đăk Bla dữ dội, nơi có ngọn Ngọc Linh cao chót vót với Sâm Ngọc Linh nức tiếng về độ quý hiếm. Thiên nhiên đã phú cho mảnh đất Bắc Tây Nguyên đầy đủ cả sản vật của núi rừng và sông suối, tạo nên những đặc sản thơm ngon lạ lùng. Nơi đây, là giao hòa của 3 miền Bắc, Trung, Nam và hiển nhiên ẩm thực Kon Tum cũng được thừa hưởng tinh túy của cả ba miền tổ quốc.

Gỏi lá Kon Tum 

Người Kon Tum hiền hòa và bình dị, với phong cách sống mộc mạc, chân thành, cho nên những món ăn Kon Tum đều thể hiện tính cách ấy, không quá cầu kì, không trọng hình thức mà thường chú ý cho hương vị hài hòa. Phố núi Kon Tum nhỏ bé vừa là nơi gặp gỡ của ẩm thực ba miền, vừa tạo thành nét đặc trưng, nhẹ nhàng mà riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Những du khách một lần đến Kon Tum, đã thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực Bắc Tây Nguyên với cả sự tò mò và thích thú. Để rồi người nào cũng phải công nhận đó là sự hòa quyện tuyệt vời và khéo léo giữa dân dã và cầu kì, giữa đơn giản và phức tạp, ẩn chứa trong từng món ăn riêng biệt.