9 thg 9, 2013

Đến Hải Phòng: Thỏa sức ăn ngon

Đất cảng có nền ẩm thực phong phú, đặc trưng, không cầu kỳ trong chế biến, không pha tạp mùi vị mà giữ cái hương tự nhiên của nguyên liệu nên hợp với nhiều người, nhiều vùng miền.

Những cảnh đẹp của biển Đồ Sơn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ làm không ít kẻ đắm say. Đó cũng là nơi cung cấp một số nguyên liệu làm ra những món ăn ngon "quên trời đất" của Hải Phòng. 

Nhiều cái tên trở thành thương hiệu, nói đến là nhận ra món ngon của đất cảng chứ không thể là nơi nào khác. Nào bánh đa cua, nem cua bể, lẩu cua đồng hay bánh cáu, sủi dìn… mỗi thức lại một vẻ, một màu khiến người ăn không thể không nhớ vị, nhớ tên.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.

Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng. 

Bánh đa cua mang hương vị gần gũi, vừa thanh khiết vừa đậm đà (Ảnh: Internet) 

Món này được dùng kèm với nước mắm, chanh ớt tùy khẩu vị. Ngoài ra, bánh đa cua Hải Phòng còn đặc biệt hợp với tương ớt bí truyền, mà người Hải Phòng hay gọi với cái tên “chí trương”. Bánh đa cua dùng nóng, có thể ăn bất cứ buổi nào trong ngày, và mọi mùa trong năm mà vẫn ngon, vẫn thích.

Nem cua bể

Nem cua bể - một trong những đặc sản Hải Phòng - còn được gọi với cái tên khác là chả nem, nem hải sản. Nó khác với nem của nhiều nơi khác là vì trong thành phần có thịt cua bể bên cạnh thịt lợn, tôm, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ… Bánh đa dùng để gói nem cũng là loại sản xuất theo phương pháp truyền thống của địa phương dày và dai. 

Nem cua bể là món ăn hấp dẫn, được đưa đi và chiếm cảm tình của thực khách tại nhiều địa phương khác (Ảnh: Internet) 

Người Hải Phòng gói nem không kiểu thuôn dài mà làm thành hình vuông lạ mắt. Từng miếng nem ngon là phải vàng mà không cháy cạnh, mùi cua bể đặc trưng; khi cắn, còn thấy rõ thịt cua trắng nõn, ngon lành phía trong. Nem chấm ngập mắm chua chua ngọt ngọt ăn cùng với bún, thêm rau sống và rau thơm thật tuyệt vời. Vị giòn của bánh đa, cùng với vị ngọt, thơm, đầy cảm xúc của thành phần nem cùng với cái trung hòa của bún, mát lành của rau và đậm đà mắm làm nên món ăn khó quên vô cùng.

Miến trộn

Đúng như tên gọi, miến trộn gồm miến và nhiều phụ liệu khác trộn lại. Làm món này không thể thiếu hành tây, rau cải, cà rốt, thịt lợn nạc mềm, xì dầu và một số gia vị cần thiết. 

Miến trộn dễ ăn, dễ làm và đủ chất từ rau, thịt, tinh bột… (Ảnh: Internet) 

Loại miến dong ngon được ngâm và trần qua nước sôi, rồi xả lạnh cho khỏi dính. Cà rốt, hành tây thái chỉ,rau cải cắt khúc, thịt lợn thái nhỏ ướp với xì dầu, gia vị. Sau đó, rau củ xào chín để riêng, thịt và miến cũng được xào lên để riêng. Rồi tất cả hỗn hợp này được trộn đều, nêm chút xì dầu, dầu mè. Tất nhiên, trong đó phải có tôm tươi bóc vỏ nữa.

Khi ăn, sẽ thấy được tổng hòa các hương vị của món ăn quyện vào nhau. Miến dai dai, thịt, tôm béo ngậy, ngọt lành, các loại rau giòn, thơm mùi dầu mè, xì dầu cùng làm thành đặc trưng dễ gây nghiện của món ăn.

Cua rang muối

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra món vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải. Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối. 

Cua rang muối thơm, đậm đà hơn cua luộc (Ảnh: Internet) 

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Lẩu cua đồng

Cũng lại là cua, nhưng món lẩu cua đồng có phần phức tạp hơn tí chút. Trong nồi nghi ngút khói có thêm cả lòng lợn non, chả cá (chế biến kiểu Hải Phòng), bánh đa, rau mùng tơi, rau chuối, thịt bò, đậu rán… Trong ngày họp mặt, nhìn nồi lẩu sôi nhè nhẹ, mùi thơm bốc lên ngây ngất sẽ thấy ấm lắm tình thân. 

Lẩu cua đồng có rất nhiều nguyên liệu phụ ăn kèm làm tăng vị cho món ăn (Ảnh: Internet) 

Mỗi thành phần đều là một tuyệt tác, kết hợp với nhau tạo thành món ăn gây nghiện khó bỏ. Chả cá vừa giòn vừa dai, lòng non bùi bùi, các loại rau nhúng như rau sống trộn rau chuối, mồng tơi đều ngon lành lắm lắm. Nước dùng ngọt ngọt, đậm đà ăn chung với bánh đa đỏ dai dai, mềm mềm làm thực khách chắc bụng. Hiếm ai lại không yêu thích lẩu cua đồng nếu một lần thử qua.

Cơm cháy hải sản

Cơm cháy Hải Phòng không được nhiều người biết đến như cơm cháy Ninh Bình, nhưng đảm bảo ngon và đặc biệt không kém là bao. Về cơ bản, cách chế biến món này ở hai địa phương không khác nhau là bao, cũng là cơm nấu, ép lại, sấy khô và rán giòn. 

Cơm cháy hải sản mang đặc trưng của biển Hải Phòng trong nước sốt (Ảnh: Internet) 

Chúng chỉ sai lệch chút xíu ở khâu chọn nguyên liệu và chế biến nước sốt ăn kèm với cơm cháy mà thôi. Nếu sốt ăn kèm của cơm cháy Ninh Bình làm từ nước xào tim cật và nước hầm thịt dê, thì nước sốt dùng trong món cơm cháy hải sản được chế biến từ các nguyên liệu hải sản như tôm, cua, mực, tu hài.

Vì thế, ăn cơm cháy Hải Phòng sẽ thấy ngay đặc trưng hương vị biển. Cơm cháy giòn giòn, thơm gạo ngon kèm với nước sốt khác lạ đem đến cảm giác lưu luyến khó quên lắm.

Bánh mì cay (bánh mì que)

Bánh mì cay hay có cái tên khác là bánh mì que, dựa theo hình dạng nhỏ nhỏ, dài dài của bánh. Bánh mì cay giòn, ăn kèm tương ớt của riêng Hải Phòng cay cay ngọt ngọt cùng với pa tê gan. 

Bánh mì cay có hình dạng đặc biệt với các nguyên liệu giản đơn nhưng đặc sắc (Ảnh: Internet) 

Ở đây, cứ chiều chiều là người ta thi nhau đi ăn thứ bánh này, quán nào cũng nhộn nhịp người mua đủ kiểu: ăn tại chỗ hay mang về nhà. Bánh mì cay là món khoái khẩu của học sinh. Ghé đất cảng, nhất định phải ăn thử bánh mì cay trên ngõ Khánh Lạp để hiểu vì sao người ta lại chuộng nó đến thế.

Vị cay của “chíu trương” vị béo của patê, giòn giòn của dưa chuột đơn giản nhưng lại khiến người ăn dễ chịu. Khi tối trời, vừa đi dạo phố, mua sắm, vừa cầm theo chiếc bánh nóng hổi, thơm lừng, cắn miếng nhỏ nhỏ, và tám chuyện với bạn bè, người thân mới thấy hết cái hồn của bánh mì cay. Rồi sẽ nhớ mãi vị cay cay nồng nàn mà đặc trưng của món ăn này.

Bánh cấu

Bánh cấu, hay còn gọi là bánh xì liền cấu, bánh xì lồng cấu là một loại bánh xuất xứ từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng trước đây. Gạo nếp được pha với gạo tẻ cùng đường hoa mai và hương liệu, sau đó được hấp chín. 

Bánh cấu ngon nhất là khi rán lên và ăn nóng (Ảnh: Internet) 

Bánh cấu - đặc sản Hải Phòng - khi hấp xong được đặt vào rế hay còn gọi là lồng đan bằng tre, xung quanh quấn bằng giấy đỏ phần mặt bánh rắc vừng, màu đỏ của giấy quấn quanh bánh tượng trưng cho sự may mắn. Nó thường được làm vào những ngày trước Tết nguyên đán.

Bánh có thể ăn ngay khi vừa hấp xong. Hoặc để ăn dần, mỗi lần muốn thưởng thức, lại cắt miếng nhỏ và rán lên cho giòn. Trong tiết trời của những ngày tháng Chạp, ăn miếng bánh cấu nóng nóng có vị ngọt của đường, dẻo dẻo của bột gạo, thơm lừng của vừng và ngậy ngậy mỡ là quên hết cái lạnh đang lan tỏa. 

Sủi dìn

Lại một món ngon nữa có nguồn gốc từ ẩm thực của người Hoa. Sau một thời gian, đây trở thành thức quà vặt được ưa thích, nhất là những ngày lạnh. Người dân Hải Phòng còn cho nó một cái tên khác gần gũi hơn, đó là bánh trôi Tàu do hình dạng, cách làm và nguyên liệu gần giống bánh trôi của người Việt chúng ta. 

Sủi dìn là món ăn vặt ngon lành, ấm áp những ngày lạnh (Ảnh: Internet) 

Sủi dìn - đặc sản Hải Phòng cũng làm từ bột nếp, nhưng nhân nặn từ vừng đen rang chín giã nhuyễn cùng dừa nạo. Nước kèm là đường và hương liệu đặc trưng, thêm vài gừng tươi có màu vàng cành gián rất đẹp.

Những ngày trời hanh hanh, lành lạnh, ngồi ở quán ven đường, gọi sủi dìn mới thấy hết được cái ngon của món ăn. Vỏ bánh dẻo dẻo, mịn màng cùng nhân thơm, bùi sẽ khiến người ăn đê mê ngay từ miếng đầu tiên. Húp thêm miếng nước ngọt thanh, dậy mùi cay nồng của gừng là tròn vị. Sủi dìn do đó ngày càng phổ biến, không chỉ ở Hải Phòng mà còn lan sang các địa phương khác.

Tạ Ban

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét