4 thg 3, 2013

Về miền đất Phật Bổ Đà

Vùng đất Kinh Bắc, nơi hội tụ những nét văn hóa truyền thống đẹp và tiêu biểu nhất của Đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây cũng chính là vùng đất khởi thủy của Phật giáo Ấn Độ khi truyền vào Việt Nam, với chứng tích Luy Lâu mà sử sách đã ghi chép.

Ở mảnh đất này cũng đang tồn tại những công trình Phật giáo rất tiêu biểu và kỳ vĩ. Chúng tôi muốn nhắc tới sơn môn Bổ Đà và khu mộ tháp cổ lớn nhất Việt Nam tọa lạc tại thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

99 mộ tháp linh thiêng, cổ kính

Toàn bộ khu mộ tháp linh thiêng, cổ kính nằm giữa cỏ cây núi rừng

Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân Tự, còn gọi là chùa Quan Âm, cách Hà Nội gần 60km về hướng Đông Bắc. Thực hiện một chuyến hành hương về vùng đất Phật cổ miền Kinh Bắc không phải mùa lễ hội có một cảm giác rất thú vị. Xuôi theo con sông Cầu nước chảy lơ thơ, du khách sẽ được về vùng đất cổ nơi có sơn môn Bổ Đà của thiền phái Lâm Tế.

Giữa một vùng trời đất mênh mông, bao la của vùng mạn Bắc sông Cầu, con người như lạc vào chốn thiền tự với nén hương lễ Phật. Sau khi vãn cảnh chùa, mọi người bắt đầu đi chiêm bái khu vườn tháp cổ. Đây được xem là vùng đất linh thiêng nhất của Phật giáo Kinh Bắc thuộc thiền phái Lâm Tế.

Trong một không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, khu linh địa Phật giáo hiển hiện trước mắt du khách như một minh chứng tiêu biểu nhất cho sự uy nghi, cổ kính và thâm nghiêm nơi cõi thiền. Khu linh địa này rộng gần 1ha và có đến 99 ngôi tháp lớn, nhỏ xây ba, bốn tầng, là nơi lưu giữ tro cốt, xá lị của 1.214 cao tăng, thiền sư đã tu hành trong cả nước của thiền phái Lâm Tế.

Bên cạnh đó còn hàng trăm ngôi mộ lớn, nhỏ khác nhau nằm xen kẽ với các mộ tháp. Tất cả được phủ một lớp màu thời gian cũ kỹ nhưng vẫn lộ rõ những dòng chữ, cùng nghệ thuật xây dựng của người xưa.

Du khách đi thăm khu mộ tháp lớn nhất Việt Nam tại chùa Bồ Đà

Những mộ tháp đều được xây bằng chất liệu rất đặc biệt là đá và gạch đỏ, bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía cùng bột giấy bản nên rất bền và mịn. Các ngôi mộ tháp có hình khối vuông nhỏ dần lên phía trên, độ cao trung bình từ 3 – 5m.

Trên đỉnh tháp thường được xây cách điệu hình ảnh búp sen, hoặc tòa sen trên có biểu tượng bình cam lộ đặc trưng của nhà Phật. Mặt trước của tháp ở tầng hai thường có một hay vài ô cửa nhỏ để bát hương, bài vị của các cao tăng, thiền sư đã viên tịch…

Người viên tịch đầu tiên cách đây gần 300 năm, được xây tháp để an táng ở khu linh địa này chính là vị tổ sư, tên tục là Phạm Kim Hưng. Sau đó lần lượt 98 mộ tháp khác được xây dựng lên!

Có ngôi mộ tháp là nơi an nghỉ của 26 nhà sư, mộ tháp ít cũng có tro cốt của 4-5 nhà sư. Họ đều là huynh đệ cùng một mái chùa, cùng thiền phái Lâm Tế, cùng tu một thầy, trọng tình và thân thiết với nhau trong lúc sống, muốn khi về cõi cực lạc vẫn được nằm cạnh nhau.

Khu linh địa với 99 mộ tháp ở chùa Bổ Đà đã trở thành một danh lam cổ tự tiêu biểu và độc đáo nhất vùng Kinh Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung, đã và đang thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm bái và nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo về đây tìm hiểu, sưu tầm về thiền phái Lâm Tế mạn sông Cầu.

Kho kinh khắc trên gỗ thị ở chùa Bổ Đà

Và những vẻ đẹp khác

Ngoài khu linh địa mộ tháp độc đáo, khi đến chùa Bổ Đà, du khách còn có dịp tận mắt nhìn thấy kho kinh Phật cổ khắc trên gỗ thị. Đây được xem như một tàng kinh các đồ sộ và tiêu biểu thứ hai ở Bắc Giang, sau bộ kinh khắc trên ván gỗ đã được UNESCO công nhận di sản tư liệu của nhân loại ở chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La, Trí Yên, Yên Dũng).

Tường đất có mái, trộn sành ở chùa Bổ Đà toát lên vẻ bình dị, cổ kính

Đến chùa Bổ Đà, mọi người cũng sẽ được ngắm hàng trăm mét tường vây làm bằng đất. Đây được xem là ngôi chùa hiếm hoi ở vùng Đồng bằng Bắc bộ vẫn giữ được nét đặc trưng cổ xưa này.

Các bức tường đất này dày đến 60 – 70cm, rêu phong, trên đỉnh tường lại có mái được đỡ bằng những mảnh sành, sứ. Tường đất trộn mảnh sành ở chùa Bổ Đà đã có từ hàng trăm năm, trở thành một vẻ đẹp cổ kính in đậm vào lòng người.

Những tảng đá khổng lồ trên núi Bổ Đà có hình thù rất lạ mắt

Men theo hệ thống bậc gạch thoai thoải sườn núi, thấp thoáng những bãi đá có hình thù rất kỳ quái và lạ mặt. Bãi đá cổ này nằm dưới chân rừng thông bạt ngàn. Có những tảng đá khổng lồ, to một mái nhà với hình dáng làm người ta liên tưởng đến hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Thanh Hóa…

Triền đê xanh trên đường về chùa Bổ Đà

HẢI DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét