6 thg 2, 2013

100 năm Nhà hát lớn Hà Nội

Năm 2011, Nhà hát lớn Hà Nội tròn 100 năm tuổi. Trải qua một thế kỉ với biết bao thăng trầm của thời cuộc nhưng công trình này vẫn tồn tại vững bền, trở thành một địa chỉ văn hóa lớn và một công trình kiến trúc đẹp của Hà Nội nghìn năm tuổi.

Vào những năm đầu của thế kỉ XX, để phục vụ cho nhu cầu làm việc và giải trí của giới chức cầm quyền người Pháp ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, các kiến trúc sư người Pháp đã cho xây dựng ở Hà Nội nhiều tòa công sở và công trình kiến trúc hoa mĩ, tráng lệ, trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội.

Năm 1899, dưới sự chủ tọa của viên công sứ Hà Nội là Richard, Hội đồng thành phố Hà Nội lúc bấy giờ đã đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây dựng một nhà hát tại Hà Nội. Vị trí được chọn để xây dựng nhà hát thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông, thuộc tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương.

Nhà hát lớn Hà Nội lung linh trong đêm.


Hàng cột tròn ở mặt tiền Nhà hát lớn Hà Nội.

Phần mái của Nhà hát lớn Hà Nội.

Tượng sư tử đá có cánh trên nóc Nhà hát lớn Hà Nội.

Một số chi tiết trang trí trên mái của toà nhà.

Vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng mang đậm phong cách kiến trúc Pháp của Nhà hát lớn Hà Nội. 

Tác giả của bản đồ án thiết kế công trình này là hai kiến trúc sư người Pháp Harlay và Broyer. Sau nhiều lần sửa đổi, ngày 7 tháng 6 năm 1901 công trình được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, công trình có tổng diện tích 2600m2, dài 87m, rộng 30m, điểm cao nhất so với mặt đường là 34m. Do tính chất quy mô và phức tạp nên phải 10 năm sau, tức vào năm 1911, công trình mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Theo các sử liệu cho biết, để xây dựng công trình này, mỗi ngày người ta phải huy động tới gần 300 công nhân người Việt. Những người thi công đã phải đóng hơn 35 nghìn chiếc cọc tre và đổ một khối bê tông dày 90cm xuống vùng đầm lầy để gia cố cho phần móng. Ngoài ra, công trình còn phải sử dụng tới hơn 12 nghìn m3 vật liệu và gần 600 tấn gang thép. Toàn bộ công trình tiêu tốn hết khoảng 2 triệu frăng Pháp.

Khi hoàn thành, bên trong nhà hát có một sân khấu rộng và một khán phòng lớn chứa được 870 chỗ ngồi. So với dân số Hà Nội thời đó chưa đến 20 vạn dân, thì quy mô kiến trúc nhà hát thời điểm ấy là rất lớn. Ngoài ra, tầng giữa có nhiều ô nhỏ dành cho khán giả có vé riêng. Phía trong cửa chính có một sảnh lớn. Từ đây có cầu thang rộng ốp đá dẫn lên tầng trên, hai bên có cầu thang phụ dẫn xuống tầng hầm. Trên tầng hai có một phòng gương rất lộng lẫy dành riêng để tiếp khách quý. Phía sau nhà hát có một phòng quản trị, 18 buồng hóa trang dành riêng cho diễn viên, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và 1 phòng họp.

Điểm đặc biệt của công trình Nhà hát lớn Hà Nội, đó là vẻ đẹp cổ điển hiện rõ qua từng đường nét và vóc dáng của tòa nhà. Đây là một công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu (thời Phục hưng), phần nào chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Nhà hát Opera Paris của Pháp. Chính vì vậy, toàn bộ tòa nhà luôn toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái và lộng lẫy.
Sau khi khánh thành và đi vào sử dụng, Nhà hát lớn Hà Nội đã trở thành trung tâm biểu diễn các tác phẩm và loại hình nghệ thuật cổ điển như opera, nhạc thính phòng, kịch nói... Khán giả chủ yếu thời ấy là các quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có.

Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội có sức chứa 870 chỗ ngồi.

Một số chi tiết trang trí bên trong của toà nhà.

Một số chi tiết trang trí bên trong của toà nhà.

Cầu thang chính dẫn lối lên khán phòng tầng 2.

Hành lang của Nhà hát lớn Hà Nội.

Cầu thang Nhà hát lớn Hà Nội.

Sảnh chính Nhà hát lớn Hà Nội. 

Khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng đánh dấu một trang sử mới của Nhà hát lớn. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Lễ mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh, nơi diễn ra khóa họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lễ mít tinh kỉ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời...

Trải qua một thế kỉ tồn tại, năm 1995, Nhà hát lớn Hà Nội đã được kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và các kiến trúc sư Việt Nam tiến hành một cuộc trùng tu lớn để trả lại vẻ đẹp hoàng kim thuở nào và nâng cao công năng sử dụng trong thời kì mới.

Đến nay, đây vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa lớn của cả nước và trở thành một biểu tượng đẹp về mặt kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.


Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Tất Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét