10 thg 1, 2013

Đường về sóc Bom Bo

Cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống. Ở cao nguyên, đã mưa là tối đất tối trời. Không gian ướt sũng một mầu tím sẫm in bóng những dãy núi mờ xa. Ði trong tâm tưởng, tôi trở về với vùng đất kiên trung chiến khu Ð xưa. Mỗi chặng đường qua như trải theo những dòng hoài niệm về một thời lịch sử hào hùng và gian khó. Nơi ấy là sóc Bom Bo của những người S'tiêng một lòng theo cách mạng. Vùng đất đẹp như một huyền thoại núi rừng từng là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo nổi tiếng.

Vượt hơn 300 cây số, từ Ðà Lạt chúng tôi đến di tích căn cứ Khu 6 anh hùng cuối tỉnh Lâm Ðồng rồi vượt sông Ðồng Nai qua vùng núi rừng Bù Ðăng, Bình Phước. Suốt hành trình là âm hưởng lời ca: 'Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày về đường này thăm sóc Bom Bo. Lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo...'. Cắt ngang ngã ba Minh Hưng trên quốc lộ 14, tỉnh lộ ÐT.760 đưa chúng tôi về với căn cứ Nửa Lon xưa. Bom Bo đây rồi, không còn phải tìm đường thêm nữa, vì ngay trước mặt là ngôi trường tiểu học mang tên Xuân Hồng, người nhạc sĩ mà đồng bào S'tiêng coi như thân nhân của họ.


Ngôi nhà khang trang của già làng Ðiểu Lên, người được coi là pho sử sống của sóc nằm ngay bên mép lộ. Trong ngôi nhà ấy, dòng ký ức hào hùng của gia đình, của vùng đất như hiển hiện rõ nét từ những bức ảnh, những huân chương, huy chương, những tấm bằng Tổ quốc ghi công và Dũng sĩ diệt Mỹ. Gia đình này nổi tiếng, nổi tiếng bởi sự tôn vinh và bởi những hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh vệ quốc. Ðiểu Thị Xya, cô con gái áp út của già Ðiểu Lên, một cán bộ phụ nữ xã Bình Minh, nhận lời dẫn chúng tôi vào rừng cách nhà năm cây số để gặp bố cô, vị già làng S'tiêng thông thái, người cựu chiến binh dũng cảm, một đảng viên kỳ cựu của vùng đất anh hùng.

* * *

Ôm vai già Ðiểu Lên trong giữa rẫy điều sát mép rừng già và nghe tiếng suối Ðác Lấp ầm ào tuôn chảy như giúp chúng tôi hình dung rõ thêm trang sử một thời. Khói chiều lan tỏa sau màn mưa. Chúng tôi cùng già chìm trong dòng cảm xúc về những năm tháng cũ. Giữa núi rừng, buôn làng bình yên hôm nay mà như đang thấy những đoàn người S'tiêng bỏ ấp chiến lược, bỏ lại buôn sóc ngàn đời, lội suối, cắt rừng theo kháng chiến. Những người con trai, con gái S'tiêng gùi lương, tải đạn, đặt chông, cầm súng. Như cựu binh Ðiểu Lên đây, cả nhà ông có bảy anh em đều tham gia cách mạng; bản thân đánh 45 trận, ba lần nhận danh hiệu Dũng sĩ cấp 2, cấp 3. Gia cảnh vợ ông, bà Ðiểu Thị Vrơi, cựu giao liên cũng vậy. Hai người anh của bà đều anh dũng hy sinh. Anh cả Ðiểu Xiêng - xã đội trưởng Bom Bo, bị địch bắt, không khai, địch giết. Anh trai thứ Ðiểu Lanh thì ngã xuống trong chiến dịch Phước Long. Hai tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trang trọng trong ngôi nhà của người em gái...

Câu chuyện Bom Bo cứ thế men theo dòng lịch sử. Ðầu Xuân 1961, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cách mạng miền nam. Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền nam thành lập. Ngày 2-8-1961, trung đoàn chủ lực đầu tiên mang phiên hiệu Q761 của lực lượng cách mạng miền Nam ra đời tại Chiến khu Ð vùng Tân Uyên - Mã Ðà. Sự kiện này tác động mạnh mẽ đến khí thế cách mạng nơi thượng nguồn Ðồng Nai, bao gồm cả sóc Bom Bo lúc này đang do Chi bộ Ðảng người dân tộc S'tiêng lãnh đạo. Ngô Ðình Diệm bị lật đổ năm 1963, con đường Trần Lệ Xuân khai thác gỗ và buôn lậu đổi thành đường 10 (nay là đường ÐT.760). Tân Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu cho tăng cường lực lượng, hòng tiêu diệt cách mạng ở Phước Long. Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ rõ 'chiến trường Phước Long là hướng chọn chủ yếu, trong đó khu vực đường 10 - Bom Bo là trọng điểm'.

Từ Bom Bo, vùng căn cứ của ta ngày càng rộng lớn, tới giáp biên giới ngã ba Ðông Dương. Ngày 15-11-1964, lực lượng ta tiến công địch bên bờ sông Ðác Lấp. Ta làm chủ ấp chiến lược Bù Ðông, đưa dân cắt rừng về với vùng giải phóng. Mùa khô năm sau, địch mở trận càn lớn vào vùng căn cứ. Trong trận này, đồng chí Ðiểu Xiêng lãnh đạo đội du kích đã chiến đấu kiên cường đến viên đạn cuối cùng, bị địch bắt và hành hình cùng đồng chí Hồ Thanh Vân (Thường vụ Huyện ủy). Chúng giết hai anh, chặt đầu cắm trên thân cọc nhọn giữa đường 10 nhằm uy hiếp tinh thần đồng bào...

Sao lại gọi là căn cứ Nửa Lon? Già làng Ðiểu Lên giải thích: 'Ngày ấy, Xứ ủy Phước Long chọn sóc Bom Bo làm căn cứ. Cán bộ của Bok Hồ gạo không đủ ăn, phải chia nhau một nửa lon gạo để nấu cháo. Cái tên Nửa Lon ra đời từ đó...'                                              

***

Tôi chuyển mạch chuyện sang bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo và nhạc sĩ Xuân Hồng. Già làng Ðiểu Lên sống dậy cảm xúc. Già nói: 'Xuân Hồng là người anh kết nghĩa của tôi. Hồi kháng chiến, anh ấy như là người S'tiêng Bom Bo này vậy. Từ ngày giải phóng đến nay, Xuân Hồng về thăm Bom Bo thường xuyên. Anh bệnh nặng, tôi và bà con về thăm. Anh mất, tôi dẫn đồng bào Bom Bo về TP Hồ Chí Minh kính viếng...'. Câu chuyện được kể tiếp về sự ra đời của ca khúc nổi tiếng, với giai điệu và ca từ đẹp như huyền thoại về lòng yêu nước của đồng bào S'tiêng Bom Bo, chọn hướng đi chung trong dòng chảy tranh đấu oai hùng. Mùa khô năm 1965, Khu ủy khu 10 và Bộ Chỉ huy Quân sự Miền quyết định mở Chiến dịch Ðồng Xoài - Phước Long. Ðể chuẩn bị lương thực cho bộ đội, người dân S'tiêng từ nương rẫy đến bưng bàu, nô nức suốt lúa tập trung thóc vào kho hậu cần. Già trẻ gái trai Bom Bo và vùng Ðác Nhau huy động toàn bộ cối chày, ngày đêm giã gạo, số lương thực phục vụ bộ đội vượt chỉ tiêu đề ra. Hình ảnh chiến khu rộn ràng như lễ hội. Ðêm rừng hoang dã, những chiến sĩ giải phóng cùng các cô gái S'tiêng ngực trần chung cối gạo, mỗi người một chiếc chày tay dài hai mét, một cối từ hai đến ba người cùng giã. Bà Ðiểu Thị Vrơi nói theo động tác: 'Khi giã gạo, hai chân đứng xếp bằng bất di bất dịch, nhấc chày lên khỏi cối, người giã chỉ điều khiển đôi vai và lắc cặp mông. Nhìn như là đang múa...'.

Tiếng chày khua 'cắc cùm cum cắc cúm cùm cum' dưới ánh đuốc lồ ô bập bùng trong đêm chiến khu đã trở thành nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác ca khúc nổi tiếng của mình vào năm 1965, khi ông được Khu ủy biệt phái tăng cường ra mặt trận. Với giai điệu mô phỏng âm thanh nhịp chày khua và nhịp điệu giã gạo hết sức độc đáo, bài hát đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt, hào hùng như huyền thoại đẹp của người S'tiêng giàu lòng yêu nước: 'Ðuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi/ Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây/ Người chưa ngơi đã sẵn có người thay/ Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy...' Bài hát 'Tiếng chày trên Sóc Bom Bo' được dựng cấp tốc và phát trên Ðài Phát thanh Giải phóng, ngay lập tức đã vượt không gian và cả thời gian, trở thành một bản hùng ca thôi thúc quân dân khắp nơi đánh giặc...

* * *

Chiến tranh đã lùi xa ba mươi sáu năm rồi. Chúng tôi tìm về Bom Bo trong những ngày lịch sử với một tâm trạng xúc động nhưng ngấm chút nao buồn. Quá khứ thật hào hùng, chiến công vô cùng chói lọi và hy sinh mất mát thì biết mấy đau thương. Nhưng lứa trẻ Bom Bo hôm nay sinh ra giữa thời bình, mấy người còn ý thức lùi về cùng ký ức quê hương một thời. Những người như cụ bà Ðiểu Brơn, cựu đội trưởng đội giã gạo nuôi quân nay đã về với đất và mang theo câu chuyện quá khứ. 'Thời gian trôi như nước chảy. Thế hệ chúng tôi không còn được mấy người. Chi bộ Bom Bo thành lập năm 1963, lúc đó có 12 đồng chí, nay chỉ còn lại mình tôi'.
Già Ðiểu Lên ngậm ngùi, nói tiếp: 'Ồ, chuyện này nữa, bà con bức xúc lắm! Sóc Bom Bo của chúng tôi nổi tiếng như thế nhưng từng bị 'mất tên', nay thì lại được gắn thêm cái chữ 'Thôn 1, xã Bình Minh', nghe xa lạ lắm'. Ngày xưa, người Bom Bo gùi tên sóc của mình vào rừng Ðác Nhau, Ðác Liêng lập làng kháng chiến từ 1965 cho đến tận 1975 mới trở về quê cũ. Năm 1989, Bom Bo thuộc xã Minh Hương. Cách đây hai năm, huyện Bù Ðăng lập thêm xã mới Bình Minh, cái tên Bom Bo nổi tiếng lẫy lừng bỗng trở thành 'thôn 1' của xã này, còn cái xã mang tên Bom Bo cách đó vài cây số, nơi có nhà văn hóa đang trưng bày bằng Danh hiệu Anh hùng thì chẳng dính dáng gì đến 'huyền thoại tiếng chày'. Già làng Ðiểu Lên nói trong trạng thái bức xúc: 'Cái tên Bom Bo mới thật sự mang ý nghĩa lịch sử, gợi lên truyền thống cách mạng. Còn 'thôn 1' nghe khô khốc quá. Bà con đấu mãi, chính quyền mới cho đổi lại là 'thôn 1 - sóc Bom Bo, xã Bình Minh', ngẫm nghĩ mà buồn!'       

Cuộc sống khá giả hơn khi mà ở ngay sóc Bom Bo với 371 hộ 1.704 khẩu (trong đó người S'tiêng bản địa là 138 hộ) có tới 854 ha điều, 35 ha cây mì cao sản, 300 con trâu, bò và 520 con lợn thả rông. Những hộ S'tiêng thu nhập mỗi năm dăm, bảy trăm triệu đồng ở sóc Bom Bo đã lên hàng chục. Trưởng thôn Vũ Minh Huệ nhắc tên những triệu phú: Ðiểu Ðới, Ðiểu Bót, Ðiểu Ngư, Ðiểu K'rênh... và những người khác. Ðể có được hơn mười cây số đường láng nhựa từ ngã ba Minh Hưng vào sóc Bom Bo rồi đến xã Bom Bo, từ năm 1998, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp đỡ không hoàn lại tỉnh Bình Phước với số vốn hơn 11 tỷ đồng. Ðường nối vào thị tứ Bom Bo sôi động. Chợ xã ồn ào đến náo nhiệt. Mấy chục quán ka-ra-ô-kê, in-tơ-nét, thịt rừng, và hàng tạp hóa với 200 tiểu thương buôn bán. Nơi đây thành một trung tâm thương mại kiểu phố giữa rừng. Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, những vấn đề phức tạp khác hình như cũng đang gia tăng tỷ lệ nghịch lại với những bản sắc văn hóa S'tiêng ngàn đời ngày một phôi pha. 'Chúng tôi nhất định sẽ xây dựng một làng nghề, tạo ra những sản phẩm mang nét đặc thù. Nhất định khách về thăm Bom Bo sẽ hài lòng bởi các kỷ vật của quê hương cách mạng...'. Ðó là lời nói quả quyết của một cán bộ địa phương. Và hơn thế, một dự án trên diện tích 113 ha mang tên 'Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng - Bom Bo' với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng cũng đã khởi động từ tháng 5-2010 nhưng tới nay tiến độ triển khai vẫn còn ì ạch...

Chia tay Bom Bo, chia tay những người S'tiêng trung kiên trong cơn mưa chiều giữa núi rừng miền đông. Xa rồi bóng hình những chiếc lu trên vai bà mẹ S'tiêng ra suối kín nước. Xa rồi tiếng chày tay giã cối gạo nương cum cụp cùm cum. Chỉ còn lại đây những hoài niệm khôn nguôi, niềm vui và cả những âu lo...


Ký sự của Uông Thái Biểu
Nhân Dân Cuối tuần 12/07/2011

Kiểu nhà đặc trưng của người dân tộc S'tiêng ở Bom Bo.

Nhiều gia đình đã khá giả lên nhờ kinh tế.



Từ trung tâm đến các thôn trong xã vẫn chưa được tráng nhựa

Nhiều gia đình còn rất nghèo, sống trong những căn nhà tạm bợ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét