10 thg 1, 2013

Ngút ngàn trảng cỏ Bù Lạch

Cây mua hiếm hoi mọc trên trảng cỏ Bù Lạch. Ảnh: PK

Vừa ra khỏi bìa rừng, tôi thực sự bàng hoàng khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Một màu xanh ửng vàng lúp xúp sát mặt đất, như tấm thảm ưa nhìn, trải dài hầu như bất tận tới chân trời, giáp bìa rừng xanh thẫm. Chỉ cỏ là cỏ, giống như thảo nguyên của Mông Cổ thu nhỏ.

Trên chặng đường từ ngã ba Minh Hưng, theo quốc lộ 14 chừng 20 cây số tới trảng cỏ Bù Lạch, anh Nguyễn Duy Hồng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước, luôn miệng nói về khu thảo nguyên rộng khoảng 500 héc ta với 20 trảng cỏ lớn nhỏ nằm giữa khu rừng nguyên sinh trải dài lên tới tận Đắc Nông.


Cứ tưởng đó là “mảng” cỏ xanh cao ngút đầu, như thung lũng, lọt thỏm giữa rừng già. Nhưng chúng tôi không thể kìm được lòng mình trước sức quyến rũ lạ lùng của nó.

Thật tuyệt vời! Anh Hồng nói, người ta đã thử trồng một vài loại cây khác nhưng chúng không sao thích nghi được với môi trường “độc quyền” dành cho cỏ kim, cỏ chỉ, có chăng là một vài cụm cây mua èo uột khoe mấy cánh hoa tím nhỏ như… búp bê.

Anh Hồng tiết lộ chi tiết thú vị: cỏ không lấn rừng và rừng không lấn cỏ. Cạnh trảng cỏ là bàu nước rộng khoảng 5 héc ta (nơi sinh sống của những con cá lóc) chạy dài tới bìa rừng. Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra lễ hội đâm bắt cá; còn ngày thường thì khách thuê cần thả câu tìm những giờ phút thư giãn, thưởng thức thịt cá ngọt ngon.

Trảng cỏ Bù Lạch, một cảnh trí thiên nhiên tuyệt mỹ, là nơi tổ chức cắm trại, sinh hoạt dã ngoại tuyệt vời. Đến đây, bạn sẽ được cưỡi ngựa, cưỡi voi, thả diều, nhảy dù, đi bộ xuyên rừng vừa đi vừa “Đói lòng ăn nửa trái sim; Uống lưng bát nước đi tìm người thương” (ca dao), vượt thác nước hùng vĩ (cách trảng cỏ chừng 10 cây số), lênh đênh trên sông Đồng Nai và tham quan hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên gần đó.

Đêm sẽ có nhà nghỉ dã ngoại hoặc mắc võng ngủ qua đêm sau khi tham dự lửa trại tìm hiểu phong tục tập quán giống nhau của khoảng 3.000 người thuộc ba dân tộc Châu Mạ, M’nông và S’tiêng, thưởng thức cơm lam, uống rượu cần trong tiếng cồng chiêng trầm hùng âm thanh núi rừng.
Phương Kiều 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét