25 thg 1, 2013

Khúc biến tấu độc đáo của ô mai Hàng Đường

Những trái mơ, mận, đào, sấu, quất, khế… đều thành đặc sản ô mai nổi tiếng của phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều kỳ thú là qua bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế của ông Bùi Văn Hưng, những thức ô mai ấy bỗng trở thành tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống.


Một chú thỏ đánh trống ngộ nghĩnh được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như ô mai kiwi, trám, nho, sơri... - Ảnh: Tiến Thành



Ông Hưng say sưa tạo hình các con vật bằng ô mai - Ảnh: Tiến Thành

Một tối mùa đông, khi các cửa hàng quần áo trên phố Hàng Đường đã đóng cửa tắt đèn chỉ còn dậy hương thơm của ô mai, tôi thấy bốn năm người đứng túm tụm xem cái gì đó trước một cửa hiệu. Tới gần, thật ngỡ ngàng khi trước mắt là những tác phẩm nghệ thuật sống động như con rùa, con gà, con tôm, con cua, con cá…Tất cả đều làm từ ô mai.


Ghé mắt qua những chai lọ ô mai được bài trí ngăn nắp, tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đã có tuổi, đeo cặp kính cận tròn, khuôn mặt phúc hậu đang say sưa tạo hình các con vật. Ông tên là Bùi Văn Hưng, chủ một cửa hiệu ô mai gia truyền ở Hà Nội.

Giọng nói trầm ấm, ông Hưng kể từ nhỏ đã rất mê nặn đất và vẽ bằng đá phấn. Nhờ biệt tài bẩm sinh, nên dù không qua trường lớp mỹ thuật nào ông vẫn vẽ và nặn rất đẹp. Sau này theo nghề làm ô mai của gia đình, ông đã trổ tài sáng tạo ấy cho các con chơi, rồi được mọi người trong phố khuyến khích ông nặn thêm nhiều tác phẩm cho khách qua đường thưởng lãm.


Tác phẩm Rùa thần trả gươm liên quan đến sự tích hồ Hoàn Kiếm. Trong tác phẩm, rùa thần và tháp rùa được làm từ quả hồng khô và mứt quất. Mứt kiwi tạo nên màu xanh của nước hồ Gươm - Ảnh: Tiến Thành


Tác phẩm làm từ ô mai khoai lang kể về câu chuyện kiến cũng phải bò lên mặt đất để chiêm ngưỡng tháp Eiffel của nước Pháp - Ảnh: Tiến Thành

Đến nay, ông Hưng đã có một bộ sưu tập với hơn chục tác phẩm làm bằng ô mai như rùa thần trả gươm, ngư ông câu cá, tháp Eiffel hay những con giống ngộ nghĩnh… Điều độc đáo là “mỗi tác phẩm làm ra đều có một ý nghĩa”.


Ông lần lượt diễn giải tôi nghe từng tác phẩm, nào chuyện thần rùa Kim Quy đòi lại gươm liên quan đến tên gọi hồ Hoàn Kiếm ngày nay; nào hình tượng tháp Eiffel đẹp đến nỗi kiến cũng phải bò lên mặt đất để chiêm ngưỡng; nào là chuyện ngư ông câu cá liên quan đến món chả cá Lã Vọng …

Mỗi câu chuyện đều đan xen sự hài hước, thú vị, kết hợp với tác phẩm tạo hình ngộ nghĩnh và đáng yêu.


Tác phẩm ngư ông câu cá làm bằng mứt khoai và hồng bì - Ảnh: Tiến Thành


Tác phẩm lợn và gà mang hơi thở của làng quê Việt - Ảnh: Tiến Thành

Theo ông Hưng, để làm những tác phẩm bằng ô mai không khó nhưng điều quan trọng phải có đam mê sáng tạo và năng khiếu thẩm mỹ. Nhiều người khuyên ông mở lớp dạy nghề nhưng ông từ chối vì “thú chơi cũng kén người”. Cũng nhiều người hỏi ông bí quyết về đồ nghề, ông vui vẻ mang ra chiếc kéo, chiếc khăn lau và những que tăm nhỏ. “Thú chơi này không cần đồ nghề, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế thôi!” - ông Hưng tâm sự.


Điều lạ lẫm là những tác phẩm của ông Hưng làm ra không phải để bán. Đã biết bao lần nhiều người xin ông mua với giá cao nhưng ông một mực từ chối. Với ông, luôn tâm niệm làm ra những tác phẩm bằng ô mai chỉ để chơi.

Chợt nghĩ phải chăng đó cũng chính là cung cách thưởng lãm nghệ thuật của một người Hà Nội gốc?




Một tác phẩm mang ý nghĩ về những người tuổi Mùi, tuổi Hợi thích âm nhạc. Nó được làm từ ô mai mơ, nho khô, táo khô, bên cạnh chà là và mứt hồng - Ảnh: Tiến Thành



Hai chú tôm làm từ chất liệu mứt hồng và quả sơri - Ảnh: Tiến Thành


Sức hấp dẫn của ô mai hàng Đường từ đâu?

Phụ liệu làm ô mai khá đơn giản: gồm ớt, gừng, cam thảo, đường, muối, vôi, phèn. Thế nhưng để có ô mai cay, chua, ngọt vừa để ăn, vừa còn nguyên hương thơm hoa trái hoặc khách chỉ cần ngửi thoáng qua cũng tê đầu lưỡi thì người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn. Từ chọn, phân loại trái cây, ngâm, ủ muối, phơi khô, ngào đường đến pha hương liệu, đường, phèn, làm gừng, xay cam thảo... đều theo bí quyết riêng do ông bà truyền dạy.

Cũng chính bởi thế ngày nay dù công nghệ làm ô mai có nhiều cải tiến nhưng những người làm ô mai gia truyền ở phố Đường vẫn phải thực hiện thủ công từ khâu chọn lựa nguyên liệu, rửa sạch đến ướp muối, phơi khô và hấp sấy. Cộng với bí quyết gia truyền, phương pháp đó sẽ làm ô mai ở mỗi cửa hiệu có màu sắc và hương vị mang phong cách riêng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét