25 thg 1, 2013

Tứ quán Thăng Long

Hà Nội đã có một tứ trấn Thăng Long khiến người ta phải nghiêng mình, sùng kính. Và Hà Nội còn có tứ quán Thăng Long để ta tịnh tâm, thư thái quên những lo toan, bận rộn của nhịp sống thường ngày. 


Tam quan bề thế của Đế Thích quán (tức chùa Vua ngày nay) - Ảnh: Tiến Thành

Quán vốn là nơi tu hành của những người theo đạo giáo. Và nay nó đã trở thành chốn tìm đến của tất cả mọi người.


Lục tìm trong trí nhớ về một Hà Nội xưa, chúng tôi tìm đến tứ quán Thăng Long, bốn “quán” thiêng nằm trên một dải đất kéo dài từ phố Thịnh Yên (phường Hai Bà Trưng) đến phố Quán Thánh (phường Ba Đình, Hà Nội) gồm: Đế Thích quán, Đồng Thiên quán, Huyển Thiên quán và Trấn Vũ quán.

Đế Thích quán (nay còn gọi là chùa Vua) nằm bên khu chợ Giời sầm uất, náo nhiệt. Nhưng qua cổng tam quan thì mọi lo âu, nhộn nhạo đều tan biến. Ta sẽ hòa mình vào thế trận “điều binh, khiển tướng” của một bàn cờ khổng lồ trước mắt. Cái thế cờ giăng mắc, được sắp đặt như một mê cung huyền diệu. Cũng dễ hiểu, Đế Thích quán vốn nổi tiếng là “cờ miếu” của đất Thăng Long xưa, là chốn để con người ta đến giải trí, tiêu khiển.


Bàn cờ khổng lồ trong sân Đế Thích quán - Ảnh: Tiến Thành

Sử tích còn chép lại, Đế Thích quán (gồm chùa Hưng Khánh và điện thờ Đế Thích) có từ đời Lý và được tôn tạo vào đời Lê “Vì thấy Đế Thích là bậc cao cờ, nên một ông hoàng đời Lê (1428 - 1527) đem lòng hâm mộ, lập một đền thờ ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương”. Từ đó về sau, “quán” đã trở thành trung tâm đấu cờ tướng của kinh đô Thăng Long.

Hằng năm, dân làng Thịnh Yên mở hội cờ người vào các ngày 6, 7, 8 và 9 tháng giêng âm lịch, thu hút hàng trăm danh thủ cờ tướng trong nước và quốc tế về thi đấu.

Tượng Đế Thích, một kiệt tác nghệ thuật của đời Lê - Ảnh: Tiến Thành


Không chỉ nổi tiếng là “cờ miếu” đất Thăng Long, Đế Thích quán còn là một công trình kiến trúc hoành tráng, một di tích lịch sử cách mạng. Trong quán hiện còn giữ được 14 pho tượng đẹp bằng gỗ hoàng đàn. Nổi bật nhất là pho tượng vua Đế Thích cao 1,6 m. Một bức cửu long chạm trổ tinh vi, hai đỉnh đồng thời Nguyễn, một quả chuông nhỏ thời Cảnh Thịnh, hai quả chuông to thời Lê, hai chóe lớn cao chừng 1,6m cũng được đúc từ thời Lê. Đây đều là những di vật quý của chùa.


Đối lập với Đế Thích quán, Đồng Thiên quán (còn gọi là chùa Kim Cổ) có quy mô nhỏ hơn, nằm lọt thỏm bên phố Đường Thành tấp nập người qua lại.

Trở về với Thăng Long của 1.000 năm trước, nơi đây từng là nơi tu luyện, tham thiền học đạo của nguyên phi Ỷ Lan trong một thời gian dài trước khi bà gánh vác những công việc trọng đại của quốc gia. “Cô Tấm của xứ Kinh Bắc” (tên dân gian đặt cho nguyên phi Ỷ Lan) đã tạo cho Đồng Thiên quán một phong thái đạo mạo, tôn nghiêm nhưng không kém phần mềm mại duyên dáng.


Mặt trước của Trấn Vũ quán - Ảnh: Tiến Thành

Đã qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Kim Cổ vẫn bảo lưu được bộ di vật văn hóa quý: 8 pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, 1 pho tượng nguyên phi Ỷ Lan và một số tượng Mẫu, một bức cuốn thư chạm rồng chầu mặt trời, một bức cửa võng, một chuông đồng, 2 tấm bia đá, 3 bức hoành phi, 1 đôi câu đối và một số đồ thờ khác.

Từ Đồng Thiên quán rẽ ra phố Phùng Hưng, rồi vào phố Hàng Khoai ta sẽ bắt gặp Huyền Thiên cổ quán (còn gọi là chùa Huyền Thiên) nằm đối diện với chợ Đồng Xuân. Cổng chùa luôn đóng như để cách ly cái cuộc sống chợ búa bên ngoài. Cổng tam quan, phía trên là gác chuông sừng sững và bề thế, đã lấm láp vôi vữa đợi chờ trùng tu, xây cất.

Tích xưa còn ghi dấu nơi đây, Huyền Thiên quán trước nằm trên một bán đảo có hình vành khuyên. Trên đảo có hai giếng tiên rất đẹp. Có lần Huyền Thiên đại đế qua đây, thấy cảnh đẹp, dừng lại tắm ở giếng này và phù trợ cho dân trong vùng. Sau đấy, dân lập quán thờ ngài. Hiện vẫn chưa xác định được rõ Huyền Thiên quán xây dựng khi nào, nhưng căn cứ vào bài thơ vịnh quán của cụ Trần Nguyên Đán (1326 - 1390) thì quán được xây dựng từ trước thế kỉ XIV.

Nhà bia (ở Huyền Thiên quán) - Ảnh: Tiến Thành

Đến thăm Huyền Thiên quán trong những ngày rằm, ngày lễ, ta sẽ được hòa mình trong những câu hát chầu văn êm dịu, huyền bí. Được chiêm ngưỡng hệ thống văn bia đồ sộ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ…

Trấn Vũ quán (hay còn gọi là đền Quán Thánh) có lẽ là cái tên được nhiều người biết đến nhất. Cũng dễ hiểu, bởi hình ảnh tiếng chuông Trấn Vũ đã phần nào quen thuộc với mỗi người khi còn thơ bé: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Hơn nữa, Trấn Vũ quán cũng nổi danh là đền thiêng trấn phía Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ.

Sử tích ghi lại quán được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ. Ban đầu tọa lạc bên trong kinh thành Thăng Long, đến năm 1474 khi mở rộng hoàng thành, vua Lê Thánh Tông đã cho di chuyển quán ra địa điểm bên cạnh hồ Tây. Ngày nay, vẫn còn những câu thơ của Trần Thiện Chánh về cái địa thế mới của Trấn Vũ quán:

“Mặt hướng hồ Tây một quán xưa 
Ngàn năm linh tích tiếng còn đưa 
Hoa chen quanh bến sen giương kiếm 
Lá rụng vào sông trúc thủ bùa … 

Điểm nổi bật của Trấn Vũ quán là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen, được đúc năm Vĩnh Trị thứ hai (năm 1667) đời Lê Hy Tông, cao 3,69 mét, nặng 4 tấn, chân trần, tay trái bắt quyết, tay phải chống kiếm trên lưng rùa, có rắn lượn quanh kiếm

Bây giờ, nhắc tới tứ quán Thăng Long, chắc cũng ít người biết để tìm đến. Một phần vì sách vở viết về tứ quán không nhiều, và đặc biệt vì tứ quán luôn đóng cửa, khách chỉ biết đứng tần ngần mà không dám vào… cửa sau. Nên chăng, hướng tới tinh thần của đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tứ quán nên thông cửa, mở đường để chào đón du khách thập phương về tụ hội?

LÊ HƯƠNG - TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét