24 thg 1, 2013

Bánh phu thê gọi mùa cưới

Mùa cưới đến cũng là lúc dân làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhộn nhịp tiếng chày giã gạo để làm bánh phu thê, một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong cỗ cưới của người Việt.


Bánh phu thê - Ảnh: Tiến Thành

Ai đã đến Bắc Ninh hẳn không quên thưởng thức món bánh phu thê thơm dẻo, màu vàng ươm được bọc trong tàu lá chuối, lá dong xanh mướt. Chiếc bánh nhỏ xíu, xinh xinh nhưng gói ghém bao tinh hoa văn hóa ẩm thực của miền Kinh Bắc.


Này đây là vị giòn của đu đủ chín trộn lẫn với vị dẻo của bột gạo nếp cái hoa vàng, vị béo của cơm dừa xen lẫn với vị ngậy của đậu đỗ, vị thơm bùi của hạt sen cộng hưởng với vị thanh khiết của hương bưởi, cùng vị ngọt thanh của đường cát trắng…

Cả nhân bánh, vỏ bánh lại được phủ lên một màu vàng ươm, mát mịn, chiết xuất từ quả dành dành. Bao nhiêu hương vị ấy tượng trưng cho bấy nhiêu tình nghĩa phu thê. Và rồi, thẩm thấu màu sắc chiếc bánh, ta nhận ra một triết lý ngũ hành tinh tế: màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của dành dành dùng làm màu cho vỏ bánh và nhân đỗ xanh xay nhuyễn, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc. 

Thế mới biết, nghĩa phu thê - nghĩa vợ chồng mặn nồng và triết lý đến thế nào!

Một truyền thuyết kể lại rằng khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê). Một câu chuyện thật giản dị về chiếc bánh nhưng đã làm ấm lòng bao cặp đôi tri kỷ.


Nhân bánh, vỏ bánh được phủ một màu vàng ươm - Ảnh: Tiến Thành

Ngày nay, trong mâm cỗ cưới, cỗ tết Việt Nam đã có trăm món bánh ngon để bày biện, cúng bái trước tổ tiên. Nhưng có lẽ bánh phu thê ở Đình Bảng, Bắc Ninh vẫn là thứ bánh được ưa chuộng hơn cả. Bánh ngon bởi không chỉ bởi nghệ thuật làm bánh kỳ công, điêu luyện mà còn vì tự cặp bánh xinh xinh đã nói lên tình nghĩa thủy chung son sắt và niềm hạnh phúc của lứa đôi.


Làm bánh phu thê như thế nào?

Theo bác Trang - chủ hiệu bánh Thuyên Trang có tiếng ở Bắc Ninh, quy trình làm bánh phu thê trải qua 5 công đoạn chính là làm vỏ bánh, nhân bánh, nặn bánh, gói bánh và luộc bánh.
Trước hết, để làm vỏ bánh, ta chọn gạo nếp cái hoa vàng xay kỹ, sau đó ngâm trong 3 ngày rồi lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô. Thông thường 1kg sẽ lọc ra được 4g bột.

Đu đủ xanh nạo ra, ngâm bằng nước phèn cho sạch. Kế đó trộn đu đủ với đường, rồi với bột gạo nếp và nhào kỹ, thấu đi thấu lại cho bột dẻo. Màu vàng trong suốt của vỏ bánh được làm từ nước dành dành. Người làm bánh đem hoa, quả dành dành phơi khô, khi làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh.

Để làm nhân bánh, ta chọn đỗ xanh, ngâm kỹ đãi sạch vỏ, đem đồ chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Kế đó đun cho đến khi đậu quánh lại.
Công đoạn tiếp theo là nặn bánh. Để tạo ra hình dạng chiếc bánh phu thê, người thợ dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân.

Kế đó dùng lá chuối (có bôi mỡ hoặc tinh dầu) tiến hành gói bánh, dùng tiếp lá dong bọc ở bên ngoài bánh và dùng lạt buộc thành từng cặp bánh.

Luộc bánh là công đoạn cuối cùng. Tùy theo kích cỡ của bánh mà người ta tính toán thời gian bánh chín. Với loại bánh nhỏ sẽ được xếp vào xoong rồi đồ lên (như đồ xôi) chừng 50 phút, thấy lá dong vàng tức là bánh chín. Với loại bánh lớn, ta xếp vào nồi lớn, đun bằng bếp củi chừng 30 phút thì bánh sẽ chín.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét